Phận mồ côi - Kỳ 4

Phận mồ côi - Kỳ 4
TP -  “Sậm mang dị tật từ lúc mới chào đời. Hai cánh tay co quắp không cử động được. Đôi chân bị liệt chỉ cử động được mấy ngón chân nên đi lại nhờ vào một đầu gối với bàn chân thôi”.
Phận mồ côi - Kỳ 4 ảnh 1
Sắp xếp lại sách ở thư viện cũng bằng chân.

Cô gái 30 tuổi có tên Huỳnh Thị Sậm giới thiệu ngắn gọn như vậy về cảnh đời không may mắn của mình khi gặp tôi.

Ít ai biết rằng con người tật nguyền này, cách đây bốn năm, vinh dự là một trong năm cô gái mà trung tâm sách kỷ lục Việt Nam trao giấy xác lập về ý chí kỷ lục trong học tập – nghề nghiệp, rèn luyện thân thể và đạt danh hiệu Người phụ nữ làm rung động trái tim Việt Nam.

Vượt lên số phận

Sinh ra ở Xà Phiên, Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, ngày lọt lòng, đôi tay và đôi chân Sậm đã không lành lặn. “Lớn lên mình buồn và tủi thân lắm vì đôi tay nhỏ thó không cử động được, chân thì yếu ớt làm gì cũng phải nhờ người khác giúp”- Sậm kể lại.

Khi Sậm 14 tuổi, bố mất vì bạo bệnh. Sáu chị em sống trong nỗi vất vả, lo toan đè nặng vai mẹ. Năm 15 tuổi Sậm mới đến trường. “Mấy tháng đầu, Sậm phải đi nhờ xuồng do bạn bè và bà con đưa đi học. Viết bài cũng nhờ thầy cô và bạn bè” - Sậm kể.

Sau mỗi lần đi học về, Sậm lên xuồng nhờ chị và bạn bè tập chèo xuồng. Ban đầu Sậm dùng những ngón chân còn khỏe của mình kẹp lấy chèo rồi cứ thế tập bơi xuồng bằng chân. “Hơn một tháng vất vả học tập, Sậm tự bơi xuồng đi học được”- Sậm tự hào.

“Thấy các em học thêu, Sậm cũng thích. Ban đầu em dùng các ngón chân để tập xâu kim, rồi tập để cầm kim và thêu. Mỗi lần thấy em cố tập làm cho bằng được tôi rất cảm phục nghị lực phi thường của Sậm…”- Cô Đinh Thị Hỏi cho biết.

Nhưng Sậm vẫn chưa thể viết được và phải nhờ thầy. Sau mỗi lần đi học về, Sậm ra sân dùng cành cây kẹp vào hai ngón chân phải tập viết. Dần dà, Sậm kẹp bút vào ngón chân và viết lên vở.

Kiên trì hơn hai tháng, Sậm đã viết được chữ tròn trịa mà không phải nhờ thầy như trước nữa. Suốt bốn năm học cấp 2, Sậm tự mình chèo xuồng đi về bằng chân. Ba năm học cuối cấp 2, Sậm  đạt học sinh tiên tiến. Ngoài ra Sậm còn giúp mẹ giặt đồ và quét nhà hằng ngày.

Lên cấp 3, Sậm không còn chèo xuồng đi học nữa mà khăn gói xa nhà lên học nội trú Trường PTTH Long Mỹ. Cuộc sống vốn khó khăn, nay lại xa nhà nên mọi việc từ nấu ăn, vệ sinh cá nhân, một mình Sậm phải tự lo. “Năm thi tốt nghiệp cấp 3, Sậm không đỗ. Buồn, khóc suốt” - Sậm nhớ lại. Không nản lòng, năm sau, Sậm đỗ tốt nghiệp.

Ước mơ dang dở

Phận mồ côi - Kỳ 4 ảnh 2
Những ngày ở quê Sậm vẫn tự chèo thuyền.

Năm 2004, tình cờ Sậm được một người giới thiệu để lên TPHCM học tập. Nơi Sậm đến là mái ấm tình thương Thành Đạt ở quận 12. Hai năm sống trong mái ấm này, Sậm học được cách làm búp bê, may đồ cho búp bê và học vẽ.

Sống ở mái ấm, thấy nhiều bạn học vi tính, Sậm cũng xin học. Buổi đầu, Sậm dùng cây bút chì kẹp vào hai ngón chân và dùng đầu bút chì gõ vào bàn phím. Còn chân phải, Sậm tập dùng các ngón chân để click chuột. Hơi nhức mỏi nhưng tập mãi thành quen. Giờ đây Sậm đã sử dụng thành thạo để đánh văn bản và làm các thao tác khác trên máy vi tính.

Sau hai năm học tập ở mái ấm Thành Đạt, tháng 6/2004, Sậm được trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật huyện Hóc Môn nhận về theo học tin học văn phòng. Sậm được xem như chị cả khi dạy học cho 130 em khuyết tật tại đây.

“Người bình thường làm được gì thì Sậm cũng ao ước và khát khao được làm như họ và cố gắng làm bằng được” - Cô Đinh Thị Hỏi, Phó Giám đốc Trung tâm dạy trẻ khuyết tật Hóc Môn nói.

Khóa học kết thúc, ban giám đốc Trung tâm quyết định nhận Sậm ở lại để quản lý thư viện với hơn một nghìn đầu sách với hai bạn khuyết tật khác.

Sậm vừa dùng chân đánh vi tính, nhập các đầu sách vào thư viện, vừa hớn hở nói với tôi: “Ước mơ có được cho mẹ Sậm một căn nhà che mưa che nắng đã thành hiện thực cuối năm vừa rồi. Hội bảo trợ đã hỗ trợ xây nhà tình thương cho mẹ Sậm, thay cho căn nhà tuềnh toàng, lợp bằng lá dừa”.

Theo Sậm ước mơ vào đại học của mình vẫn còn dang dở. Sậm cho biết: “Mình thích học công nghệ thông tin hoặc ngành vẽ vì hai ngành này thích hợp với người khuyết tật như mình.

Khi tốt nghiệp cấp 3, mình cũng mong qua Cần Thơ thi đại học nhưng ở đây không có trường cho người khuyết tật, vả lại nhà nghèo quá. Giờ xa nhà lên được TPHCM, muốn vào đại học cũng phải tự bươn chải. Khó quá!”.

Bài 5: Thắng mồ côi và giấc mơ đại học

MỚI - NÓNG