Phi công ét vê

Phi công ét vê
TP- Phút giải lao của Đại hội Sinh viên Việt Nam lần thứ VIII ngày 16/2, các đại biểu về dự được nghe một giọng ca lạ, với bài hát Tâm sự người phi công trẻ, phi công duy nhất dự Đại hội.
Một ngày không bay của Chung được bắt đầu từ 5 giờ sáng, dậy tập thể dục, ăn sáng; 6 giờ 30 đến lớp, 7-11 giờ 30 học; 1 – 3 giờ: học chiều; 3 - 5 giờ thể thao (thể thao tổng hợp, thể thao hàng không).

Nguyễn Đức Chung (sinh năm 1985), học viên trường Sỹ quan Không quân (Nha Trang, Khánh Hòa) là một trong 10 học viên tiêu biểu được tiếp tục học khóa đào tạo phi công phản lực.

Cao 1m8, nặng 75kg, đẹp trai, hát hay, Nguyễn Đức Chung chiếm được cảm tình của nhiều người trong lần gặp đầu tiên. “Nhà mình ở gần sân bay Kép (Lạng Giang, Bắc Giang). Dù biết học phi công là nghề nguy hiểm, Chung vẫn nung nấu một quyết tâm được thử sức, được đến với nghề.

Đang là sinh viên năm thứ nhất Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Tây, tình cờ trong lần về quê nghỉ cuối tuần, Chung nghe tin Huyện đội Lạng Giang (Bắc Giang) tổ chức khám tuyển phi công, Chung làm hồ sơ dự thi.

Cuối cùng, Chung vượt qua hơn 100 ứng tuyển, sau khi trải qua các vòng kiểm tra thể trạng, tâm lý, kiểm tra trí nhớ bằng việc đưa ra một bảng có 12 chữ số, trong vòng 30 giây phải đọc chính xác các chữ số đó, hay kiểm tra độ tỉnh táo bằng việc phân biệt các số chẵn, lẻ qua quy ước xanh- đỏ của ban tổ chức...

Chung là một trong hai đại diện của Huyện đội Lạng Giang có mặt ở Viện Y học Hàng không cùng hơn 200 thí sinh cả nước tiếp tục tham gia vòng tuyển. Đến vòng thi cuối cùng, Chung vượt qua hơn 300 ứng viên để vào Nha Trang (Khánh Hòa) thi vào lớp đào tạo sỹ quan không quân.

Ba năm đầu học lý thuyết, nghiên cứu nguyên lý hoạt động của máy bay, tập làm quen với không trung, tập hết run khi nghĩ tới bay, Chung biết đến bay là thế nào, khống chế tâm lý ra sao và quan trọng là giữ vững bản lĩnh. Đến năm thứ tư Chung làm chủ máy bay trực thăng.

“Cảm giác đầu tiên trên không trung thế nào?”, Chung kể: “Vài phút đầu mình rất sợ, phải lấy lại thăng bằng, khi nào rời khỏi mặt đất mình cũng không biết, vì quá căng thẳng”. Chung vừa tốt nghiệp lớp phi công trực thăng và tiếp tục học lớp phi công phản lực. Chung vừa là lớp trưởng vừa là bí thư chi đoàn của lớp phi công phản lực có 10 học viên- lớp PLK39.

Chung xác định rõ đây là nghề khắc nghiệt, khi nào đầu cũng phải căng ra, tâm lý căng thẳng, phải liên tục rèn luyện thể lực, rèn cảm giác đang ở không gian ba chiều với những môn thể thao hàng không (vòng quay li tâm, đu quay, trụ quay...). Chuyến bay đơn đầu tiên ghi đậm dấu ấn trong cuộc đời mình, mắt Chung sáng lên khi nhớ lại hình ảnh một mình điều khiển máy bay khi biết mình là người đầu tiên trong khóa được bay đơn.

Ngày bay, Chung vẫn phải dậy sớm, chuẩn bị các công việc ở mặt đất như đọc lại điều lệ bay, nội dung từng bài bay, tập luyện mô hình, nguyên lý hoạt động của máy bay.

Trước lúc bay một ngày, Chung phải tập biểu diễn trên mặt đất bằng những động tác nhảy dù, để quen với không trung và rèn cảm giác đang ở không gian ba chiều. Chung bảo, nghề Chung theo học hội tụ của những yếu tố: trí tuệ+ bản lĩnh+ kỷ luật+ dũng cảm, nhưng quan trọng nhất là phải có bản lĩnh.

28/2 này Chung sẽ tham gia chương trình Khi người ta trẻ của Ban Thanh Thiếu niên (VTV6) – Đài Truyền hình Việt Nam, với chủ đề Nghề phi công với tư cách khách mời. “Ở đó mình được gặp Anh hùng Phạm Tuân, thần tượng từ thời thơ ấu của mình. Mình sẽ xin bác những lời khuyên để phi công trẻ học và lái tốt hơn” - Chung nói.
 
MỚI - NÓNG