Phiên chợ tết của người trẻ

Chàng trai trẻ Tô Nhựt Điền (bên phải) giới thiệu bánh tráng kẹo cho khách hàng Ảnh: U.P
Chàng trai trẻ Tô Nhựt Điền (bên phải) giới thiệu bánh tráng kẹo cho khách hàng Ảnh: U.P
TP - Bó rau tươi nõn, cọng mứt dừa thơm lừng hay món quà mừng năm mới làm từ hộp diêm… là những sản phẩm có tại phiên chợ tết của các bạn trẻ, như một “gia vị” ngọt ngào góp vào hương xuân. 

Lạ mà quen
Mời khách dùng thử sản phẩm bánh tráng kẹo đậu phộng thơm lừng được làm từ khoai mì ở phiên chợ Tết Xanh - Quà Việt, chàng trai trẻ Tô Nhựt Điền (chủ cơ sở bánh tráng kẹo đậu phộng Huỳnh Mai) khoe: “Từ Đồng Tháp, mình muốn giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của Sa Đéc đến người dân TPHCM dịp tết này. Mong muốn khách hàng “đổi vị”, có thêm món quà tuy “lạ mà quen” để mời nhau trong những ngày đầu xuân”. 
Điền cho biết, bánh tráng kẹo được làm chủ yếu từ khoai mì, thêm lớp mạch nha, tráng lên đó nào mè, đậu phộng, hạt điều… được rang thơm giòn, thích hợp làm món ăn đãi tiệc. Hiện sản phẩm đang bán tại các điểm dừng chân, đại lý ở miền Tây, làng hoa Sa Đéc. Trực tiếp đi bán hàng tết, Điền chia sẻ: “Lúc đầu ngại lắm chứ, nhưng rồi dần quen vì mình theo từng công đoạn trong quá trình làm sản phẩm, nên có thể giải thích cụ thể hơn với khách hàng “đứa con tinh thần” này. Mình nghĩ, hàng nội phục vụ tết rất phong phú, vì vậy không ngại đi bán hàng đâu”.
“Mứt dừa được tẩm ướp nhiều màu bày bán ngoài chợ khiến người tiêu dùng lo lắng. Vậy tại sao mình không nhân dịp này, trổ tài “tẩm màu” ngay tại chỗ để khách hàng yên tâm?”, chị Huỳnh Kim Ngân mang bếp, xoong chảo đặt ở chợ phiên “làm mứt” ngay trước mặt khách. Cẩn thận nấu lá cẩm chắt lấy nước màu tím, pha nước đậu biếc để tạo màu xanh… Pha pha, trộn trộn để tạo ra những cọng mứt dừa non đầy màu sắc, lại vô cùng an toàn cho khách thưởng thức. Ai cũng tấm tắc khen, hàng cũng vì thế mà chỉ thoáng chốc đã hết veo. Trò chuyện với chị Ngân, chị tiết lộ mình từng là giảng viên khoa Nữ công gia chính trường ĐH Trà Vinh. Nhiều lần nghe bà con than phiền muốn mua mứt dừa cho gia đình dùng, làm quà biếu tặng mà ngại an toàn thực phẩm. Thấy thế chị Ngân quyết định nghỉ nghề giáo đi khởi nghiệp. “Mình muốn góp một sản phẩm không thể thiếu dịp tết này, để người dân yên tâm sử dụng vui tết”, chị Ngân chia sẻ.
Tại Nhà văn hóa Thanh Niên, hàng chục bạn trẻ cũng góp vui cho phiên chợ ngày xuân bằng những sản phẩm do mình làm ra. Giới thiệu những chiếc áo dài đậm sắc xuân với cành đào, nhành mai, Võ Mộng Thủy Tiên (sinh viên ngành Thiết kế thời trang trường ĐH Kiến trúc TPHCM) cho biết: “Đây là năm thứ 2 em tham gia phiên chợ tết để giới thiệu áo dài Việt Nam đến du khách. Bằng nhiều chất liệu như lụa, xoa, ren… nhưng đều được cắt may theo lối truyền thống, em muốn truyền tải thông điệp đến du khách hiểu thêm về chiếc áo dài xưa, làm bằng tay từng đường kim mũi chỉ trước khi may thành phẩm. Mỗi chiếc áo dài là một câu chuyện!”. Áo dài của Thủy Tiên có giá khá mềm, khoảng 500.000 đồng/bộ người lớn, 300.000 đồng/bộ trẻ em, ngoài ra còn có thêm phụ kiện khăn đóng, túi xách vải...
Chợ để kết nối
9h sáng, phiên chợ tết nghệ thuật Art Market đã nhộn nhịp kẻ mua người bán. Dù không được quảng bá rầm rộ, lại nằm trên tầng 8 của một tòa nhà trên đường Hàm Nghi (Q.1), thế nhưng nhiều bạn trẻ vẫn biết và tìm đến lựa chọn hàng tết. Điểm độc đáo của phiên chợ này là hầu hết các sản phẩm đều là hàng homemade(nhà làm), handmade (làm bằng tay) có một không hai. Giới thiệu sản phẩm sen đá, dương xỉ, kim ngân… trồng bon sai, Giáng Hương (phụ trách cửa hàng Hạnh phúc xanh) tiết lộ: “Tụi mình bán sản phẩm để gây quỹ cho các dự án cộng đồng. Mỗi sản phẩm có giá từ 100.000-500.000 đồng tùy loại. Số tiền bán được sẽ góp vào dự án Nhà chống lũ, trồng mới cây xanh ở khu vực thành thị, ven biển, ven sông…”.
Không ồn ào, phiên chợ tết nghệ thuật hút hồn giới trẻ bằng những tấm thiệp handmade; hộp diêm được khoác chiếc áo với những hình ảnh ngộ nghĩnh; tấm bưu thiếp với hình vẽ tay kèm lời chúc đáng yêu; hay những sản phẩm mứt chùm ruột, hồng sấy, mứt me... Vũ Tú Quỳnh (21 tuổi, sinh viên ĐH Kinh tế TPHCM) tỏ ra rất vui khi chọn được sản phẩm hoa tai làm bằng nhựa ưng ý, chia sẻ: “Đáng lẽ mình đã về quê nhưng nán lại thêm vài ngày để dạo phiên chợ tết độc đáo này. Sản phẩm ở đây mua là đảm bảo không đụng hàng. Bản thân mình cũng học thiết kế nên rất thích những món hàng nghệ thuật như thế này. Mình đến đây vừa mua sắm vừa giao lưu học hỏi với các anh chị đi trước”. 
Người bán, người mua chủ yếu học sinh, sinh viên. Không chỉ bán mua, họ còn kết nối, chia sẻ thông tin, xin facebook của nhau và hẹn hò gặp lại ở những phiên chợ tiếp theo. Và đó là những phiên chợ rất riêng của người trẻ. 

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, người tổ chức rất nhiều cuộc thi khởi nghiệp dành cho các bạn trẻ, chia sẻ: “Người trẻ có rất nhiều ý tưởng độc đáo. Sản phẩm của họ đầy hứa hẹn để người tiêu dùng khám phá dịp tết này. Với những phiên chợ của người trẻ, họ đến đây không chỉ để bán hàng, giới thiệu sản phẩm mà còn để giao lưu, kết nối với những người bạn mới”.

MỚI - NÓNG