Phim về Điện Biên Phủ: Trẻ, mới và cảm xúc

Đoàn làm phim giao lưu với lãnh đạo, cán bộ T.Ư Đoàn
Đoàn làm phim giao lưu với lãnh đạo, cán bộ T.Ư Đoàn
TP - Phim "Sống cùng lịch sử" lần đầu tiên ra mắt khán giả Hà Nội sáng qua (20/4) có thể gọi là thành công. Nhiều người trẻ đã được sống trong chiến dịch Điện Biên Phủ với những cảm xúc rất đặc biệt.

Những cảm xúc người trẻ

90 phút trình chiếu, bộ phim xoay quanh hành trình phượt về vùng đất lịch sử Điện Biên Phủ. Trên đường đi, các nhân vật Lâm, Tùng, Nga được trở về “ngày xưa” khi chứng kiến hình ảnh đoàn dân công gồng gánh lương thực, đoàn pháo binh kéo pháo, cứu thương và đặc biệt là những trận chiến máu và lửa.

Trải qua những cảm xúc thảng thốt, ngỡ ngàng ban đầu họ đã tham gia vào những trận đánh, phụ giúp cứu thương, đẩy xe thồ, chạy bom như trong chiến tranh.

Đoạn lấy nhiều nước mắt của khán giả nhất có lẽ là những hình ảnh về đám tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi cả đoàn làm phim đang ở hầm Đờ Cát thì nghe tin Đại tướng mất.

Ba nhân vật chính nằng nặc đòi về Thủ đô và lặng lẽ xếp hàng vào viếng. Hình ảnh dòng người nối hàng dài, nước mắt tuôn rơi hay những em nhỏ quỳ xuống khóc nức khiến cả khán phòng lặng đi vì xúc động.

Nguyễn Bá Hưng (ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) nghe tin chiếu phim về lịch sử Điện Biên Phủ đã đến từ rất sớm chọn chỗ ngồi đẹp nhất. Hưng chia sẻ, anh yêu thích lịch sử nên xem nhiều bộ phim nói về chiến tranh nhưng khi xem Sống cùng lịch sử có cảm giác khác. Khác ở cách tiếp cận với người trẻ gần gũi hơn, dễ tiếp nhận hơn.

Phim về Điện Biên Phủ: Trẻ, mới và cảm xúc ảnh 1

Một cảnh trong phim

Vũ Thị Thanh Hải (Học viện Ngân hàng) cho rằng, bộ phim giúp cô có cái nhìn chân thực về một góc lịch sử. Đối lập với những hình ảnh anh hùng lấy thân lấp lỗ châu mai, lấy thân chèn pháo là hình ảnh ăn chơi, sa đọa của lính Pháp (lập hẳn nhà chứa bắt các cô gái người dân tộc về phục vụ). "Cảm ơn đoàn phim đã cho người trẻ một cảm xúc đặc biệt”, Hải nói.

Nguyễn Thị Phương Anh (ĐH Kinh tế Quốc dân) chia sẻ, cô ấn tượng với hình ảnh người phụ nữ trong phim. Đó là cô gái quê Nông Cống (Thanh Hóa) gia nhập đoàn dân công tình nguyện ra chiến trận để được gặp chồng (nghe bảo anh ấy tham gia trận chiến ở Điện Biên) hay cô gái cắt phăng mái tóc dài của mình để giả trai ra trận…

Sẽ thêm yêu lịch sử

Nhân vật nữ chính do cô gái Hà Nội Thu Thủy (sinh năm 1988) nhập vai với nhiều cảnh quay khó. Thủy chia sẻ, về lại mảnh đất thiêng để thực hiện những cảnh quay không phải riêng cô mà các bạn diễn đều có cảm xúc đặc biệt. Bởi nơi đó, mỗi tấc đất, ngọn cỏ nhuốm xương máu của thế hệ trước nên từ tâm khảm đoàn diễn viên luôn xác định diễn hết mình để có thước phim chân thực nhất.

Cô nói, “những cảnh quay phải chạy trong giao thông hào, xung quanh là các quả nổ, không biết sẽ nổ ở đâu, lúc nào cũng làm mình sợ hãi”.

Trước khi nhận lời tham gia phim Sống cùng lịch sử, Thu Thủy từng tham gia vài bộ phim truyền hình nhưng chưa để lại nhiều danh tiếng.

Có mặt tại buổi ra mắt phim, đạo diễn Thanh Vân cho rằng, điều ông nghĩ nhiều nhất là làm sao có cách truyền đạt mới trên nền lịch sử cũ.

Sống cùng lịch sử là một trong những bộ phim được chiếu miễn phí cho đoàn viên thanh niên cả nước dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Tuần phim Ký ức Điện Biên sẽ giúp giới trẻ hiểu sâu hơn về lịch sử.

Tại buổi ra mắt phim Sống cùng lịch sử, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh, lãnh đạo T.Ư Đoàn cùng hơn 1.000 bạn trẻ đã tham dự. Chương trình do T.Ư Đoàn, Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch) phối hợp thực hiện.

Bởi đề tài chiến tranh ở Điện Biên Phủ đã có nhiều bộ phim cả Pháp và Việt Nam sản xuất. Cái khó là mỗi thời kỳ, mỗi thập kỷ phải có cách tiếp cận một sự kiện lịch sử khác nhau. Làm sao để đưa Điện Biên Phủ tiếp cận người trẻ một cách gần gũi, cảm xúc là câu hỏi lớn trong ông.

Ông cho biết, bộ phim được Nhà nước cấp ngân sách 22 tỷ đồng, đoàn làm phim bấm máy 2 tháng nhưng quá trình chuẩn bị, sản xuất đến hoàn thiện mất trọn một năm. Đứa con tinh thần ra đời ông không giấu nổi sự háo hức tuy nhiên, xuất sắc hay không ông còn phải chờ đợi phản ứng của khán giả trong những buổi chiếu tiếp theo.

Với trách nhiệm biên tập phim, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm cho hay, ông đã rất xúc động khi lần đầu đọc kịch bản bởi vì một đề tài cách đây 60 năm, lần đầu được nhìn nhận dưới con mắt của những người trẻ tuổi, thế hệ hôm nay.

Ba nhân vật chính Lâm, Tùng, Nga mỗi bạn có một cái nhìn không giống nhau về Điện Biên trên con đường đi phượt. Các bạn không chỉ là hành hương mà đã sống cùng lịch sử. “Điều này để nói là, nếu có một trận Điện Biên Phủ nữa vẫn có lớp người trẻ tràn đầy lòng yêu nước như Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn...”, ông nói.

Có mặt tại buổi ra mắt phim, đạo diễn Thanh Vân cho rằng, điều ông nghĩ nhiều nhất là làm sao có cách truyền đạt mới trên nền lịch sử cũ. Bởi đề tài chiến tranh ở Điện Biên Phủ đã có nhiều bộ phim cả Pháp và Việt Nam sản xuất. Cái khó là mỗi thời kỳ, mỗi thập kỷ phải có cách tiếp cận một sự kiện lịch sử khác nhau. Làm sao để đưa Điện Biên Phủ tiếp cận người trẻ một cách gần gũi, cảm xúc là câu hỏi lớn trong ông.

Xem xong phim, khi được hỏi hầu hết khán giả trẻ đều có chung cảm nhận: xúc động! Tuy nhiên, không ít người khó tính vẫn cho rằng, còn vài hình ảnh gợn, không cần thiết. “Có vẻ như, đạo diễn lạm dụng hình ảnh hở quá thừa của các cô gái trong phim”, Thu Hằng (Hà Nội), một khán giả trẻ xem xong phim chia sẻ.

Như mở đầu phim là cảnh Nga (do Thu Thủy nhập vai) khỏa thân trong nhà tắm khoe lưng trần khá gợi tình và người yêu Nga đứng ngoài cửa kính hôn nhau đắm đuối. Hay gần cuối phim, để tả về cuộc sống vất vả, thiếu thốn của các nữ dân công, thanh niên xung phong phải thay áo giữa rừng nhưng không nhất thiết phải lộ cả nhũ hoa (đoạn cô nữ dân công quấn ngực, cắt tóc giả trai để được cầm súng đánh giặc).

Các khán giả khó tính cho rằng, không có những cảnh đó phim vẫn không bị ảnh hưởng.

MỚI - NÓNG