"Phở" chung công sở

"Phở" chung công sở
Trong điều kiện gần gũi thường xuyên 8 tiếng mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần tại văn phòng, chuyện "lửa rơm" là khó tránh khỏi.
"Phở" chung công sở ảnh 1
Ảnh minh họa.

Hợp thức hoá dưới lớp vỏ công việc, quan hệ đồng nghiệp, những mối tình "ngoài luồng" luôn có cơ hội nảy mầm tại những nơi làm việc. Nếu hai người trong cuộc không biết điểm dừng, đôi khi những buổi ăn trưa ngọt ngào sẽ dẫn đến một "break up" đầy vị đắng.

Dù không cố tình, chúng tôi cũng không khỏi không để ý đôi nam nữ nọ trong tiệm cơm văn phòng trên đường T.Đ. Trông họ không như những đôi thanh niên đang ve vãn nhau.

Có lẽ cả hai đều ở tuổi U40, ăn mặc nghiêm túc ra vẻ công chức. Họ chăm chút cho nhau từng miếng ăn, lạ một điều là ở họ không có vẻ gì là vợ chồng dù cả hai đều đeo nhẫn ngón áp út.

Ngày nào cũng vậy, không sai một phút, cứ đúng 12 giờ trưa là người phụ nữ đến trước, chọn một bàn đôi ở một góc riêng, gọi thức ăn và 5 phút sau thì người đàn ông đến.

Công ty tôi vẫn chưa quên vụ đánh ghen của vị giám đốc tài chính tên Huy. Dù đã có vợ và 2 con nhưng với vẻ ngoài hào hoa, lịch lãm, Huy để ý Hà - cô nhân viên tập sự. Ngoài ngoại hình bắt mắt, Hà chẳng có gì nổi bật.

Vừa vào công ty đã được sếp săn đón, tạo điều kiện để cô quen việc. Huy còn hứa giữ cô lại làm sau khi thực tập. Chỉ trong vài tháng, Huy mua xe Attila cho Hà chạy, đi công tác bao giờ Huy cũng có quà cho Hà.

Sự quan tâm đặc biệt của Huy không lọt khỏi đôi mắt của những người "buôn" chuyện và chẳng bao lâu đã tới tai vợ Huy - người cũng làm cùng công ty nhưng ở một chi nhánh khác.

Vốn là dân có học nhưng chẳng phải tay vừa, vợ Huy điện thoại cảnh cáo Hà. Được Huy trấn an là chỉ chờ ly dị "con gấu mẹ vĩ đại" đó, Hà tiếp tục làm nhân tình của Huy.

Một ngày nọ, vợ Huy tới thẳng nhà Hà, làm ầm ĩ và dọa thấy Hà ngoài đường là sẽ cho người tạt axít. Chẳng biết vì sợ hay xấu hổ mà sau đó, Hà đột ngột xin nghỉ việc.

Ở công ty may mặc T., dù khá trẻ nhưng Lan đã làm trưởng phòng nhân sự. Còn Sơn, chỉ là một nhân viên dưới quyền Lan, năng lực bình thường nhưng nổi tiếng vì tài lấy lòng sếp.

Chẳng biết có phải vì kết vẻ ngoài bảnh bao của Sơn mà Lan đặc biệt ưu ái Sơn. Hai người đi đâu, làm gì cũng làm chung dù Lan biết Sơn đã có vợ con. Ỷ lại vì có "quý nhân" yểm trợ, Sơn luôn tỏ ra tự cao tự đại, coi thường người khác khiến mọi người rất bất bình, nhất là khi Lan công khai bênh vực Sơn.

Lần đó, Sơn va chạm với một nhân viên khác trong phòng, lời qua tiếng lại thế nào mà sự việc đưa đến Lan giải quyết. Rốt cục, cô gái kia bị nghỉ. Tức vì bị "xử ép", cô mách vợ Sơn về mối quan hệ của hai người. Vợ Sơn đến công ty đánh ghen ầm ĩ khiến Lan mất mặt phải xin nghỉ.

Thực tế, những người đi làm đều trải qua phần lớn thời gian nơi công sở, nên thời gian tiếp xúc với các đồng nghiệp còn nhiều hơn với vợ/chồng. Họ - có khi là đồng nghiệp cùng cơ quan, có khi chỉ là đối tác hoặc quen biết nhau qua những mối quan hệ, giao dịch làm ăn.

Trong điều kiện gần gũi thường xuyên, chuyện lửa rơm là khó tránh khỏi (không ít người vẫn phân rạch ròi: "phở" là phở, "cơm" là cơm).

Nhiều anh chị đơn giản cho rằng quan hệ ngoài luồng kiểu ấy chỉ để giải quyết những xung đột tức thời trong gia đình. Họ quy ước với nhau chỉ nhắn tin, điện thoại hoặc liên lạc trong giờ làm việc để khỏi ảnh hưởng đến gia đình riêng.

Danh dự, uy tín bị ảnh hưởng là tất nhiên nếu sự việc vỡ lở. Với những người giữ cương vị quan trọng, chuyện đó càng có nhiều cơ hội xảy ra và khi đó hậu quả cũng thật khó lường.

Theo Lê Thị Ngọc Vi
Sài Gòn Tiếp Thị

MỚI - NÓNG