Phố 'Tây balô' Khao San

Phố 'Tây balô' Khao San
Khao San - con phố của "Tây balô” ở Bangkok - được đánh dấu đỏ trang trọng trong các quyển sách, cẩm nang và bản đồ du lịch dành cho dân du lịch bụi.

Trong tiếng Thái, Khao San có nghĩa là gạo sống vì trước đây con phố này có nhiều cửa hàng gạo.

Phố 'Tây balô' Khao San ảnh 1

Thiết kế kiểu tóc mới khi đến Khao San là sở thích của nhiều dân du lịch bụi - Ảnh: Khổng Loan

Ban ngày, con phố yên tĩnh hơn vì các hoạt động buôn bán tấp nập cho du khách đã rút lui vào trong nhà và trên vỉa hè được che kín mít.

Dưới cái nắng chói chang của vùng nhiệt đới, chỉ còn những quán bia là nơi để du khách ngồi nhấm nháp ngắm người qua lại, hay những tốp khách lượn lờ ở các cửa hàng chọn mua các đồ lưu niệm hay những bộ quần áo giá rẻ.

Ban đêm, con phố như choàng dậy, ánh đèn, tiếng nhạc inh tai, các kiểu thể hiện bản sắc và cá tính riêng. Đêm nào cũng vậy, Khao San đều mang màu sắc lễ hội vui tươi.

Tiêu biểu cho Bangkok

Nếu Patpong là con phố khét tiếng gắn liền với các quán đèn đỏ, Khao San có thể được xem như nơi du khách thích đến chơi mà không phải chứng kiến những cảnh "không phù hợp" trên đất nước Phật giáo.

Nằm ở vị trí gần Chùa Vàng, Chùa Bạc; vòng xoay đài Dân Chủ và dòng sông Chao Phraya chảy qua thủ đô, Khao San - khu nằm ngoài vùng "qui hoạch" kinh doanh sex công khai ở Thái Lan - là một con đường nhỏ hẹp, dài chỉ độ 1km nhưng sự nhộn nhịp về đêm tiêu biểu cho Bangkok, hơn hẳn Patpong.

Muốn xem hết con phố này, người ta cần phải đi tới sáu vòng. Xét về các sản phẩm du lịch, có vẻ như người Thái rất biết cách làm du khách cảm thấy họ có thể thoải mái, thư giãn, hay được phép "điên khùng" khác những ngày thường như thế nào. Mà nếu được "khùng điên" với giá rẻ thì chính là điều mà dân du lịch bụi rất thích.

Vì vậy, bạn đừng ngạc nhiên khi thấy những dân du lịch bụi xuất hiện ở VN với những kiểu đầu tóc rất kỳ lạ. Rất nhiều trong số đó có nguồn gốc từ phố Khao San này.

"Tôi sẽ không rời Khao San mà không làm điều gì đó với mái tóc của tôi. Hoặc tôi sẽ nhuộm, hoặc uốn lọn, cắt, tết thành cục, nối dài...". Đó là những lời mời đáng yêu của những người làm tóc trên đường.

Khao San có khoảng 30 "cửa hiệu" đơn sơ với chỉ cái ghế, vài ba người làm, nhưng lúc nào cũng có khách từ 6g chiều đến 1g sáng hôm sau.

Bạn cũng đừng ngạc nhiên khi thấy hai toán thanh niên chưa bao giờ gặp nhau trước đó, đi từ hai phía đầu đường tiến đến gần nhau và hợp lại hát ca tưng bừng.

Hoặc nếu chịu thức đến 4g sáng, bạn sẽ thấy không ít nhóm thanh niên bắt đầu tổ chức... đá cầu mây, trong lúc cảnh sát từ đồn bót ngay đầu đường vẫn đi tuần để đảm bảo trật tự an toàn cho con phố.

Sân chơi, sân thể hiện

Thanh niên Thái là một lực lượng góp phần không nhỏ làm nên sự đa dạng của Khao San. Con phố này là sân chơi nghệ thuật của họ, là nơi thể hiện sự sáng tạo và bản sắc cá nhân, và họ biết mình dễ tìm được sự đồng điệu từ những người cùng lứa tuổi.

Các gian hàng của họ có thể chỉ là tấm giấy trải xuống đường, bán những chiếc áo thun có những trang trí bằng tay rất lạ, hoặc những con vật làm từ sợi dây thừng, những khung ảnh làm từ các vật liệu khác nhau.

Nếu thích, du khách có thể đứng xem những vở kịch múa ở ngay trên con phố chật chội lắm người qua lại đó. Khác với những sân khấu ngoài trời ở châu Âu vốn có đủ không gian để người xem thưởng lãm, sân khấu ở Khao San là nơi người ta dễ nhầm lẫn người đi đường với diễn viên. Cũng trống, cũng phách, thanh la, micrô inh ỏi cả con phố chật hẹp.

Càng về khuya, dòng người đổ về Khao San càng đông hơn. Khi đó cũng là lúc các xe bán thức ăn đông khách hơn. Người ta mua một đĩa phat thai ( mì xào với các loại rau) nóng hổi với giá 30 baht (khoảng 15.000 đồng), hay nhâm nhi những con châu chấu nướng, vừa ngắm người qua lại.

Một tốp bạn trẻ nam nữ da trắng mắt xanh thản nhiên đếm "1,2,3" rồi bỏ tọt vào miệng những con bò cạp, châu chấu chiên giòn đen nhẻm, nhai rạo rạo trước sự tròn mắt thán phục (và cả sự khiếp hãi) của người khác.

Nhóm này còn nhờ bạn bè chụp hình họ đứng bên cạnh chiếc xe bán "thức ăn thiên nhiên" kia. Ngoài những món ăn kỳ dị đó, hầu như tất cả món ăn trên thế giới có mặt ở con phố này để đáp ứng nhu cầu của các loại khách khác nhau.

Khi tiếng nhạc máy ầm ĩ từ các quán bar vơi dần lúc kim đồng hồ nhích dần về một giờ sáng, lề đường Khao San lại trỗi lên giai điệu của những người hát rong.

Jay, chàng trai chơi guitar trước cửa hiệu Silver chuyên bán đồ chế tác từ bạc, hiếu khách cho người bạn trẻ phương Tây mượn đàn và cùng hát.

Bạn cũng có thể ngồi bên lề đường để Michael - một thanh niên Thái tự học vẽ, thể hiện chân dung của bạn với giá 100 baht (khoảng 50.000 đồng), nghe tiếng đàn guitar và giọng hát của cậu bạn bên cạnh. Ở góc khác, một cô gái tóc vàng cùng thổi sáo trúc với người nghệ sĩ địa phương.

Một lý do nữa khiến Khao San thu hút khách du lịch bụi, và riêng về điểm này thì rất giống "khu phố Tây" ở đường Phạm Ngũ Lão (TP.HCM) là có các dịch vụ nhà ở, dịch vụ du lịch với giá rẻ.

Giá nhà thuê từ 250 baht/đêm (khoảng 120.000 đồng) trở lên, tùy từng loại. Khách du lịch thường xem Khao San như một điểm trung chuyển trước khi đến các nơi khác của Thái Lan.  

Con phố đi bộ Khao San cũng là một khu chợ thu nhỏ với các cửa hàng bán đồ thủ công mỹ nghệ, tranh ảnh, đĩa sao chép lậu, cả những loại bằng giả, và những cửa hàng bán sách cũ.

Trong lễ hội mừng năm mới từ 13 đến 15-4 hằng năm, Khao San trở thành con đường văn hóa của dân tộc - là nơi người Thái tổ chức lễ hội té nước Songkran truyền thống đông vui bậc nhất so với nhiều nơi cùng tổ chức khác.

Từ điển mở Wikipedia dẫn lời một nhà văn Thái mô tả Khao San là "con đường ngắn nhất nhưng có ước mơ dài nhất thế giới". Ước mơ đó là gì? Có lẽ cần phải ở lâu mới cảm nhận được rõ rệt hơn sự so sánh này.

Nhưng cảm nhận của người có vài ngày trú chân tại Khao San: đó là nơi thể hiện sự đa dạng, độc đáo và tự do thể hiện bản sắc riêng của mỗi người, mỗi vùng miền một cách rõ rệt.

Theo Khổng Loan - Trung Nghĩa
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG