Phong trào games manh nha chuyên nghiệp hóa

Phong trào games manh nha chuyên nghiệp hóa
Sự ra đời các đội chơi bán chuyên nghiệp, các trò chơi có bản quyền, các game zone... cho thấy phong trào game ở Việt Nam đã bắt đầu bước vào con đường chuyên nghiệp hóa.
Phong trào games manh nha chuyên nghiệp hóa ảnh 1
Một cuộc thi đấu game online tại Net Chùa

Mọi khâu cùng vào guồng

Phong trào game tại Việt Nam mới chỉ bắt đầu mang tính chuyên nghiệp hóa khi các nhà cung cấp bước vào cuộc đua cung cấp game online có bản quyền, đặc biệt với thể loại trò chơi nhập vai trực tuyến MMORPG (Massive Multiplayer Online Role-Playing Games).

Người chơi game ở thể loại này đã bắt đầu cảm nhận được tính chuyên nghiệp sau khi hàng loạt các Cty đứng ra mua bản quyền các trò chơi: Cty Truyền thông FPT có MU Online, Priston Tale; VASC có Risk Your Life; Asia Soft có Gundbound, TS Online; Vinagame mua bản quyền Võ Lâm Truyền Kỳ hiện đang tạo cơn sốt trong giới gamer (người chơi game).

Tính chuyên nghiệp của phong trào game tại Việt Nam còn được thể hiện bởi sự ra đời của các game zone, một bước tiến cao cấp hơn của các cửa hàng game nhỏ. Hiện mới chỉ có khoảng 5 game zone  tại TPHCM và 1 tại Hà Đông (Hà Tây) cho gamer ở khu vực Hà Nội.

Đây là những khu chơi game có diện tích trên 200m2, có ít nhất 2 đường truyền kết nối băng rộng tới 2 nhà cung cấp dịch vụ với số lượng máy tính trên 50 chiếc. Game zone có đội ngũ hỗ trợ (game support) đầy đủ và đặc biệt đây là nơi thường xuyên tổ chức các cuộc thi đấu game online giữa các đội game trong cũng như ngoài nước.

NetChùa mới hoạt động nhưng cũng đã kịp tổ chức giải chuyên nghiệp, đội game tại NetChùa thi đấu online (trực tuyến) với các đội ở TP.HCM và Cần Thơ.

Một yếu tố hết sức quan trọng là người chơi game. Theo thống kê chưa đầy đủ của giới gamer, tại TP.HCM hiện có khoảng 50 đội chơi game được coi là chuyên nghiệp và ở Hà Nội có khoảng 30 đội chơi game như vậy. Cả nước hiện có khoảng trên dưới 100 đội game được coi là bán chuyên nghiệp.

Giới gamer cho biết những đội game “chuyên nghiệp” thường chỉ tập trung vào những game cho Giải game toàn cầu (WCG) do Samsung tổ chức hàng năm tại Việt Nam từ 2002 đến nay: War Craft, FIFA và Star Craft (bắt đầu đưa vào thi đấu tại WCG 2005 diễn ra vào tháng 8 tới). Trong khi đó, nhiều đội gamer chơi game online đã có thể sống được bằng nghề chơi game nhờ bán “đồ” tích luỹ trong quá trình tham gia trò chơi.

Ngoài ra, những nhà cung cấp game lớn như FPT, VASC…đều có các game master (GM) đóng vai trò là những “nhà quản lý” xã hội ảo. Nói ngắn gọn, công việc của GM là vừa online giải quyết các tranh chấp, giám sát trò chơi, theo dõi diễn đàn, vừa trực điện thoại trả lời thắc mắc của các gamer.

Theo nhận định của các chuyên gia, phong trào game mang tính chuyên nghiệp hóa sẽ kéo theo ngành phát triển phần mềm trò chơi.

Cần một chính sách rõ ràng

Trả lời Tiền Phong, nhiều chuyên gia cho rằng phong trào game đang hoàn toàn mang tính tự phát bởi chưa có một chính sách cụ thể nào cho sự phát triển của loại hình giải trí được nhận định rằng sẽ mang lại nguồn lợi nhuận rất lớn này.

Phần lớn các chuyên gia đều cho rằng, để có thể quản lý tốt và hướng loại hình giải trí được giới trẻ rất ưa chuộng này đến sự phát triển lành mạnh, mang lại lợi nhuận tối đa, phương án tốt ưu vẫn là chuyên nghiệp hóa phong trào game.

Trong thời điểm hiện nay, khi cơ quan quản lý nhà nước đang tỏ ra rất lúng túng trong việc kiểm soát thanh thiếu niên truy cập vào những website có nội dung không lành mạnh, sử dụng Internet với mục đích xấu, chuyên nghiệp hoá game cũng là một giải pháp khả thi cho vấn nạn này. Muốn vậy, đã đến lúc phải có một chính sách rõ ràng cho sự phát triển của ngành game. 

MỚI - NÓNG