Phụ nữ Trung Quốc tự mua nhà trước khi lấy chồng

Phụ nữ Trung Quốc tự mua nhà trước khi lấy chồng
Khác với truyền thống, ngày càng nhiều phụ nữ ở đất nước tỷ dân tự mua nhà trước khi kết hôn vì đủ khả năng tài chính và cảm thấy điều này có thể mang lại cảm giác an toàn.

Lu Lizhi (27 tuổi) làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở Bắc Kinh. Cô vừa mua 1 căn hộ giá gần 2 triệu nhân dân tệ (289.038 USD) ở Thiên Tân, thành phố giáp ranh Bắc Kinh, vì giá bất động sản tại thủ đô của Trung Quốc quá cao.

Đại dịch Covid-19 khiến Lu quyết tâm mua nhà bởi cô tức giận trước thông tin tại một số khu dân cư ở Bắc Kinh, người thuê nhà trở về từ các tỉnh khác trong Lễ hội Mùa xuân không được phép vào vì lo ngại lây lan virus corona. Trong khi đó, ai có nhà riêng thì không phải đối mặt với tình huống tương tự.

Cha mẹ Lu đã thanh toán gần hết khoản trả trước. Còn cô đang trả dần khoản thế chấp hàng tháng, ở mức 7.500 nhân dân tệ (1.083 USD).

“Thời gian đầu, bố mẹ tôi phản đối gay gắt. Họ hàng cũng ra sức thuyết phục tôi từ bỏ ý định. Họ nói tôi chưa đủ trưởng thành và chưa cân nhắc kỹ. Và họ nghĩ tổ ấm riêng sẽ mang lại cho tôi nhiều rắc rối nếu sau này tôi kết hôn và mua nhà ở Bắc Kinh”, Lu nói.

Cuối cùng, gia đình nhượng bộ vì Lu khá kiên quyết và họ luôn tôn trọng quyết định của cô.

Sau khi trả tiền thế chấp nhà mới, cũng như chi phí thuê căn hộ ở Bắc Kinh và sinh hoạt phí hàng ngày, Lu không còn gì. Tuy nhiên, cô thấy mình vẫn may mắn vì lương không giảm giữa dịch, trong khi nhiều người khác bị mất việc.

“Thỉnh thoảng, tôi lướt mạng để xem các thiết kế nội thất. Tôi rất vui khi nghĩ rằng một ngày nào đó công sức của mình sẽ được đền đáp. Tôi không còn cần thuê nhà nữa”, Lu nói.

Phụ nữ Trung Quốc tự mua nhà trước khi lấy chồng ảnh 1 Phụ nữ Trung Quốc có xu hướng tự mua nhà trước khi kết hôn.

Phụ nữ ngày càng độc lập về tài chính

Theo một báo cáo gần đây của Anjuke.com và 58.com - 2 trang web giao dịch bất động sản hàng đầu ở Trung Quốc, 81,7% phụ nữ được hỏi cho biết họ có kế hoạch mua nhà trong 5 năm tới và 22,5% dự định mua nhà trong năm nay.

Về vấn đề tài chính, 38,8% người tham gia khảo sát cho biết họ chỉ có thể mua 1 ngôi nhà, 40,4% nói họ sẽ mua 1 căn nhà với bạn đời và gần 20% cần hỗ trợ tài chính từ cha mẹ.

Đáng chú ý, hơn 42,7% phụ nữ ở các thành phố hàng đầu gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến cho biết họ sẽ tự mua nhà, vượt qua tỷ lệ 38,9% người dự định mua nhà cùng bạn đời.

Vanke, một trong số nhà phát triển bất động sản nhà ở hàng đầu Trung Quốc, công bố số liệu kinh doanh của mình trong năm ngoái. Trong đó, giá trung bình 1 ngôi nhà được phụ nữ mua là 1,74 triệu nhân dân tệ (251.463 USD), cao hơn con số được đàn ông bỏ ra là 1,73 triệu nhân dân tệ (khoảng 250.018 USD).

Tình hình hoàn toàn trái ngược với năm 2012. Nghiên cứu của Horizon và ifeng.com năm đó phát hiện trong số hàng nghìn người mua nhà ở 4 thành phố hàng đầu, chỉ 20% phụ nữ đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản.

Việc xa rời truyền thống (các chàng rể mua nhà cho cô dâu) cho thấy phụ nữ Trung Quốc ngày càng độc lập hơn về tinh thần và tài chính. Họ đang cố gắng kiểm soát cuộc sống trong một xã hội theo truyền thống gia trưởng.

Phụ nữ Trung Quốc tự mua nhà trước khi lấy chồng ảnh 2 Phụ nữ Trung Quốc ngày càng độc lập hơn về tinh thần và tài chính.

Little Li (yêu cầu sử dụng nghệ danh), nhiếp ảnh gia 26 tuổi với hơn 620.000 follower trên mạng, đã mua 2 bất động sản ở quê nhà Đồng Xuyên, tỉnh Thiểm Tây.

Từ khi học năm 3 đại học ở Bắc Kinh, Li bắt đầu tiết kiệm tiền nhờ nhận chụp ảnh cho người khác. Năm 2016, cô mở studio riêng.

“Tôi tiết kiệm được một khoản tiền và nhận thấy giá nhà ở thành phố quê tôi tăng mạnh. Vì vậy, tôi nghĩ mình phải mua nhà trước khi giá tăng quá cao so với khả năng chi trả”, Li cho hay.

Cô gái 26 tuổi nói thêm trước đây bản thân dành phần lớn tiền để mua giày dép, quần áo và mỹ phẩm. Khi những món đồ đó dần mất sức hút, cô dành dụm tiền và mua căn nhà đầu tiên vào năm 2017 với giá 490.000 nhân dân tệ (70.814 USD). Hai năm sau, Li tự mua căn nhà thứ 2.

“Khi mua ngôi nhà thứ 2, tôi đã nghĩ đến việc biến nó thành studio chụp ảnh. Trước đó, tôi luôn mong mở studio ở thành phố quê hương mình”, cô nói.

Li cho biết khi cô mua căn nhà đầu tiên, bạn trai cảm thấy áp lực và nói cũng sẽ cố làm điều tương tự. Tuy nhiên, thời gian trôi qua, cả hai đều cảm thấy việc mua thêm nhà không cần thiết vì họ sẽ kết hôn và sống cùng nhau tại thành phố Đồng Xuyên.

Trung Quốc đã sửa đổi Luật Hôn nhân vào năm 2019. Theo đó, vợ hoặc chồng không được hưởng phần chia của bất động sản do người kia mua, dù tài sản này được mua trong thời kỳ hôn nhân.

Trước đó, khi ly hôn, người vợ thường có thể nhận một nửa tài sản được chồng mua nếu có tên trong giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản. Điều này từng khuyến khích gia đình nhà gái yêu cầu chàng rể mua nhà khi đôi trẻ kết hôn và gây ra nhiều tình huống tranh chấp tài sản.

“Chúng tôi chưa bao giờ băn khoăn đến vấn đề luật pháp. Bạn trai cũng không còn bận tâm về việc tôi đã mua 2 căn nhà. Anh ấy đã tiết kiệm tiền và mua xe cho chúng tôi vào năm 2018”, Little Li nói.

Với sự gia tăng địa vị kinh tế xã hội của phụ nữ, tư duy truyền thống về hôn nhân đang dần mai một, đặc biệt ở thế hệ trẻ. Sự thay đổi không chỉ thể hiện qua việc mua nhà, mà còn ở thái độ của họ đối với hôn nhân.

Một báo cáo năm 2018 được thực hiện bởi Zhaopin, trang web tuyển dụng việc làm hàng đầu ở Trung Quốc, cho thấy 76% đàn ông có sự nghiệp tin rằng hôn nhân là điều cần thiết, trong khi chỉ 49% phụ nữ có nghề nghiệp nghĩ như vậy.

Theo Theo Zingnews
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.