“Phủ sóng” tin học cho thiếu nhi vùng sâu, vùng xa

“Phủ sóng” tin học cho thiếu nhi vùng sâu, vùng xa
Nhà Thiếu nhi An Giang làm một việc mà không có nơi nào ở ĐB SCL làm đó là: tổ chức các lớp phổ cập tin học cho thiếu nhi- học sinh nghèo vùng sâu, vùng xa…

Anh Phan Anh Tuấn- GĐ Nhà Thiếu nhi An Giang khoe.

Từ mùa hè năm ngoái, Nhà Thiếu nhi An Giang đã tổ chức triển khai rất hiệu quả chương trình phổ cập tin học cho thiếu nhi, học sinh nghèo khó khăn tại  2 xã Vọng Thê (huyện Thoại Sơn) và xã Long Giang (huyện Chợ Mới) với tổng số 150 học viên.

Bằng nguồn kinh phí vận động các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội, sau khóa học kết thúc, Nhà Thiếu nhi An Giang còn tặng cho mỗi địa phương một máy tính. Nhiều bậc phụ huynh rất cảm động khi thấy con cái của mình biết sử dụng máy tính mà ngay trong giấc mơ họ cũng chưa dám nghĩ đến.

Phát huy kinh nghiệm và hiệu quả của hoạt động hữu ích này, Nhà thiếu nhi An Giang tiếp tục triển khai hoạt động trên gắn kết với chiến dịch tình nguyện mùa hè xanh 2005 của Đoàn Thanh niên tại các cơ sở, tổ chức tập huấn, soạn thảo giáo trình và tổ chức Hội đồng kiểm tra đánh giá chất lượng sau khi đào tạo.

Tính đến cuối tháng 5/2005, Nhà Thiếu nhi An Giang đã tổ chức 2 lớp học với 56 học viên. Công việc giảng dạy do cán bộ tin học Nhà Thiếu nhi đảm trách, nội dung gồm:

Thao tác sử dụng chuột (mouse) và bàn phím, cách bảo quản máy tính cơ bản, thao tác cơ bản về Windows và soạn thảo văn bản bằng MS Word và chuyên đề về sử dụng và truy cập Internet.

Ngoài ra chương trình phổ cập tin học cho học sinh, thiếu nhi nghèo của Nhà Thiếu nhi An Giang tổ chức tại một số xã, phường nghèo của thành phố Long Xuyên kết hợp với BGH các Trường THCS, THPT rất hiệu quả. Tính đến nay đã có hơn 1.000 trẻ em nghèo, học sinh vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh khó khăn đã được tiếp cận với tin học từ các lớp hướng dẫn của Nhà Thiếu nhi An Giang.

Bên cạnh việc “phủ sóng” tin học cho thiếu nhi vùng sâu vùng xa, UBND tỉnh đưa ra chương trình: “Internet về nông thôn” đến với nông dân vùng sâu An Giang và mang lại rất nhiều lợi ích, hiệu quả kinh tế, văn hóa, xã hội. Hiện nay ở An Giang có hơn 100 nông dân “nhấp chuột” rất thành thạo.

Qua 32 lớp tập huấn sử dụng Internet có 716 cán bộ các cấp biết sử dụng Internet nâng tổng số lên 100/150 xã phường có nối kết mạng Internet.

Ngay như Tỉnh Đoàn An Giang, mặc dù cơ  sở vật chất đã xuống cấp, chưa xây dựng trụ sở mới nhưng đến nay 100% phòng ban có 1-2 máy vi tính nối mạng Internet và thêm một trung tâm tin học với hơn 10 máy nối mạng Internet.

Internet thật sự là một ngân hàng dữ liệu khổng lồ, nhanh nhất, đầy đủ nhất từng bước góp phần thu hẹp khoảng cách về mặt bằng dân trí giữa thành thị và nông thôn... 

MỚI - NÓNG