Phú Yên: Việc làm cho thanh niên - Vẫn khó

Phú Yên: Việc làm cho thanh niên - Vẫn khó
Dù đều xem miền núi là quê hương thứ 2 nhưng 25/36 đội viên trong Dự án Trí thức trẻ tình nguyện vẫn phải chia tay với những gì đã gắn bó để tìm một công việc mới.
Phú Yên: Việc làm cho thanh niên - Vẫn khó ảnh 1
Trí thức trẻ tình nguyện xã Eatrol hướng dẫn bà con trồng lúa nước

Dự án Trí thức trẻ tình nguyện (TTTTN) ở Phú Yên có 36 đội viên về  hoạt động tình nguyện ở 9 xã thuộc 3 huyện miền núi: Đồng Xuân, Sơn Hòa và Sông Hinh. dự án kết thúc, hiện mới chỉ có 11/36 đội viên tìm được việc làm.

Dấu ấn của trí thức trẻ tình nguyện

Đặt chân đến Sông Hinh giữa cái nắng gay gắt của mùa hạ, Lê Văn Hải, chàng thanh niên quê huyện lúa Tuy Hòa, đội viên phụ trách địa bàn xã Eatrol, vui mừng cho biết đã hoàn thành 5 nhiệm vụ cơ bản mà dự án đề ra. Hải kể: Những ngày đầu lên đây nhận nhiệm vụ, phân đội neo người mà địa bàn lại rộng nên các anh em chia nhau nằm vùng.

Dự án kết thúc với các hoạt động, mô hình hết sức thiết thực nên bà con vui lắm! Có lần, già làng ở các xã kế cận, nghe có đội viên đội TTTTN làm hay, họ lục tục kéo sang thăm hỏi; hoặc những lần bà con được mùa là anh em ai cũng phấn khởi!

Tại địa bàn  buôn Thu, xã Eatrol từ khi có TTTTN, chuyện làm ruộng, cách gieo sạ, bón phân đều có các bạn chỉ  giúp.  Ma Oi, một người dân, khẳng định: “Trước đây, tui chỉ làm toàn lúa rẫy, năng suất rất bấp bênh, từ ngày có đội viên đội TTTTN trình diễn mô hình, bà con đã học hỏi được nhiều điều từ cách gieo sạ, chăm sóc và bón phân cho lúa tốt, bà con mừng lắm”.

Niềm vui của bà con cũng chính là niềm vui của các đội viên TTTTN  khi bà con có thể áp dụng ngay kiến thức đã học để thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu và không du canh, du cư. 

Bạn Lê Thị Hồng, phụ trách địa bàn xã Krôngpa (huyện Sơn Hòa) tâm sự: “ở đây, bọn em được các các mí (mẹ), các  ma (bố) yêu thương và cưng như con. Có đám giỗ, đám hỏi gì trong xã là họ đều mời dự cả. Nhiều khi, nhà chỉ có con gà nhưng nghe tin có đội viên bệnh là bà con đem đến biếu. Không nhận là các mí giận, còn nhận thì ngại vô cùng.

Các mí bảo: Chúng bây ăn đi, đừng lo. Phải ăn để tẩm bổ có sức mà làm việc chứ. Nếu không có chúng mày, tao làm gì có cái ăn, cái mặc đàng hoàng như hôm nay!”.

Ma Huy ở buôn  Bưng A, xã EaLâm (huyện Sông Hinh), vừa rít điếu nỏ một hơi dài khoan khoái vừa chỉ vào con bê lai sind mới chào đời: “Con bê này là  của TTTTN giúp cho nhà mình có giống tốt đấy. Mình sẽ nuôi nó lớn để nhân rộng giống bò lai sind cho cả xã. Nhưng cũng buồn thật, TTTTN về hết rồi, lấy ai để mình hỏi han đây!”.

Câu nói của Ma Huy là cả sự nối tiếc. Thông thường thì mỗi nhóm TTTTN ở xã có 3–4 đội viên được phân bổ hài hòa các ngành: Nông nghiệp -để giúp bà con trồng trọt, thú y - để giúp bà con chăn nuôi xử lý bệnh dịch, y tế - để vận động mọi người ăn sạch, uống sạch phòng tránh bệnh tật. Phân công là vậy, nhưng công việc của các TTTTN là “thượng vàng hạ cám”.

Họ còn là một tuyên truyền viên ở cơ sở với đủ chuyên môn từ xây dựng Đoàn-Hội-Đội, đến tuyên truyền pháp luật, dân số, sức khỏe sinh sản… Nhờ đi sâu vào những công việc thiết thực của cuộc sống bà con nên những TTTTN  luôn được bà con tin yêu. “Nhưng  đến hẹn các em phải đi rồi!”-Ông Tun Hàn Lâm, Phó chủ tịch UBND xã Krôngpa (huyện Sơn Hòa) bùi ngùi…

TTTTN sẽ đi về đâu?

Hai năm dự án TTTTN được triển khai khó có thể nói hết những mô hình,  cách làm hay mà TTTTN đã mang lại cho bà con ở những miền đất mà họ đi qua. Tuy nhiên, dự án kết thúc, đồng nghĩa với việc 36 đội viên phải đi tìm một công việc mới.

Ông Hoàng Kim Châu, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Hòa, bộc bạch: “Nhờ có các bạn, các chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân của ngành được  triển khai một cách hiệu quả hơn. Các đội viên, bằng sự nhiệt tình của tuổi trẻ đã mang lại cho chúng tôi một cung cách  làm việc hiệu  quả. Chúng tôi không biết rằng, dự án kết thúc ai sẽ hoàn thành những mục tiêu mà ngành đề ra và ai sẽ lấp “lỗ hổng” này, trong khi đó, trình độ cán bộ các trạm y tế các xã ở huyện miền núi còn rất nhiều bất cập”.

Tại buổi tổng kết dự án TTTTN, bạn Ngô Minh Phụng, đội viên TTTTN  xã EaChàRang (huyện Sơn Hòa) kiến nghị: “Chúng tôi mong muốn chính quyền các cấp, các sở, ban ngành có những chính sách ưu đãi cụ thể để thu nhận chúng tôi vào làm việc, để góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội ở những vùng còn khó khăn”.

Bí thư Huyện ủy Sông Hinh Nguyễn Văn Tân cũng rất trăn trở về việc làm cho các đội viên. Theo ông khó khăn lớn nhất là định biên cán bộ. Chính điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm cho TTTTN khi kết thúc dự án và lối ra vẫn chưa rõ ràng.

Bao giờ thì các đội viên TTTTN lại có cơ hội cống hiến lâu dài và ổn định năng lực chuyên môn, tình cảm của mình cho sự nghiệp phát triển KT–XH vùng khó khăn? Câu trả lời vẫn còn treo lơ lửng...

MỚI - NÓNG