Quả ngọt ở đời!

Quả ngọt ở đời!
TP - Clip luật nhân quả, một video của Thái Lan sản xuất năm 2013 đang lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội mấy ngày nay đã làm xúc động nhiều trái tim.

Clip kể câu chuyện một cậu bé không có tiền chữa bệnh cho mẹ nên cùng đường đi trộm thuốc. Hành động của cậu bé bị bà chủ tiệm thuốc phát hiện và quát mắng. Chứng kiến cảnh ấy, ông chủ tiệm ăn bên cạnh đã rút tiền túi mua lại số thuốc đó cho cậu bé, đồng thời tặng kèm gói súp.

30 năm sau, ông chủ tiệm ăn tốt bụng ngày ấy đổ bệnh nặng phải vào viện cấp cứu. Gia cảnh ông khó khăn, trong khi số tiền viện phí quá lớn khiến con gái ông phải đăng tin bán nhà. Một sớm thức dậy bên giường bệnh của bố, người con gái bất ngờ thấy tờ biên lai viện phí với dòng thông tin: Tổng số tiền viện phí là 0, tất cả đã được trả cách đây 30 năm bằng 3 lọ thuốc giảm đau và một gói súp.

Bác sỹ trực tiếp điều trị và trả tiền viện phí cho ông chủ tiệm ăn chính là cậu bé được ông giúp đỡ năm nào!

Kết thúc clip là thông điệp “cho đi là cách giao thiệp tốt nhất trong cuộc sống”!

“Sống là cho”, câu chuyện phần nào khẳng định thêm ý nghĩa tốt đẹp của cho và nhận trong cuộc sống chúng ta. Trong xã hội, ngay cạnh chúng ta, luôn có những tấm lòng nhân ái như thế. Đó là một thanh niên ở TPHCM suốt 14 năm dành toàn bộ tiền lương hơn chục triệu đồng để tổ chức các hoạt động thiện nguyện như nấu cơm miễn phí cho bệnh nhân nghèo hằng tuần, mở lớp dạy học cho trẻ lang thang, xây trường học cho trẻ em vùng sâu, vùng xa hay tặng học bổng cho những học sinh nghèo vượt khó ở các tỉnh, thành... 

Cảm động hơn khi có một thanh niên tuổi mới đôi mươi như Trương Văn Vũ (TPHCM) dù đối diện bệnh hiểm nghèo, ở ranh giới sự sống và cái chết nhưng vẫn tranh thủ mỗi ngày còn sống để “cho đi” những việc làm ý nghĩa. Vũ cùng CLB Nét bút xanh thắp lên những con đường sáng cho trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn… Sức sống và hành động của Vũ đã khiến nhiều bạn trẻ thấm hơn câu hát của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”.

“Sống là cho”, khi một bệnh nhân dù đang phải chạy thận, phải kiếm sống qua ngày bằng bán trà đá vỉa hè nhưng sẵn sàng gom từng đồng tiền lẻ giúp một bệnh nhân khác đủ tiền đi xe ôm về nhà trọ khi anh này bị giật mất ví. Chị bảo “không nỡ thờ ơ trước những hoạn nạn, dù mình cũng nghèo, cũng túng nhưng mình giúp được trong khả năng thì làm”.

Một xã hội tốt đẹp là một xã hội nhân ái! Để xây dựng xã hội ấy, cần những tấm lòng sẻ chia, thương yêu và đùm bọc. Những chuyện cảm động chúng tôi kể hôm nay đang khiến hàng triệu người rung động và nó vẫn tiếp tục lan tỏa. 

Những câu chuyện giản dị ấy như nhắc nhở chúng ta sống tốt hơn, bao dung hơn mỗi ngày. Muốn hưởng quả ngọt, hãy gieo mầm lành, mầm thiện, để cuộc đời này có nhiều quả thiện, vườn thiện, rừng thiện...

MỚI - NÓNG