Quái kiệt một tay hai nhạc cụ vượt lên số phận

Quái kiệt một tay hai nhạc cụ vượt lên số phận
TP - Ở đây người ta chú ý “xem” trước khi “nghe” Vinh đàn. Với một cánh tay, chơi hai nhạc cụ, quả là chuyện chưa từng có. Vinh hơi cúi người, miệng ngậm harmonica, cùng lúc các dây đàn ghi ta ngân lên.
Quái kiệt một tay hai nhạc cụ vượt lên số phận ảnh 1
Nguyễn Thành Vinh đang chơi hai nhạc cụ một lúc

Ba năm trước, một chàng trai thân hình nhỏ nhắn kêu cổng nhà tôi. Chỉ với một cánh tay trái, anh dẫn chiếc Honda qua cổng một cách dễ dàng.

Đó là Nguyễn Thế Vinh - chàng nghệ sĩ nghiệp dư, chỉ với một tay mà chơi hai nhạc cụ,  vừa xuất hiện trong đêm nhạc “Cõi tình - Trịnh Công Sơn” và một số tụ điểm ca nhạc tại TP. Hồ Chí Minh hồi tháng 7/2004, đã được khán giả chú ý đặc biệt.

Điều không ngờ: Vinh lại chính là “cậu bé” trông xe tại một chung cư ở đường Trần Hưng Đạo mà tôi đã gặp mười mấy năm trước. Ông anh rể tôi chỉ “cậu bé” kia và nói: “Thằng cháu mình ở quê”.

Thực ra, hồi đó Vinh đang là sinh viên Trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh, nghỉ hè kiếm việc làm thêm. Thân hình Vinh vốn bé nhỏ, lại khuyết cánh tay phải, nhìn qua chỉ như một “cậu bé” 15-16 tuổi.

Với Vinh, mùa hè năm 1990 ấy là một cái mốc không thể quên: nhờ có tiền trông xe, Vinh được sở hữu chiếc đàn guitare đầu tiên trong cuộc đời mình.

Tôi đã quên hẳn Vinh, vì ít có dịp vào Sài Gòn. Nay bỗng gặp lại khi Vinh ra Huế, mới có dịp tìm hiểu cuộc đời đầy những bất hạnh nhưng cũng đầy những chiến công vượt qua thử thách của chàng trai đất Bình Thuận này.

Ông nội Vinh là anh ruột ông anh rể tôi. Ông là liệt sĩ hy sinh trong những ngày đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tại Bình Thuận. Vậy mà thật trớ trêu, gần ba mươi năm sau, khi đất nước ở bên ngưỡng cửa hòa bình, bố của Vinh trong sắc áo lính sư đoàn 23 “Việt Nam cộng hòa” lại “mất tích” trong một cánh rừng tỉnh Kon Tum!

Giữa lúc cả 4 anh chị em của Vinh cùng với gia đình bên ngoại phải rời bỏ toàn bộ gia sản ở thị xã Phan Thiết về quê dựng tạm mái nhà bằng ván ép trên cồn mả bỏ hoang đầy cây gai lưỡi long để cuốc đất kiếm sống thì một buổi sáng, Vinh vừa tỉnh giấc, bỗng nghe tiếng mẹ kêu thất thanh đầu hồi nhà: “Ba ơi! Con chết đây... Con ơi! Mẹ đi với ba các con đây...”.

Cả nhà chạy ra thì thấy mẹ đã ngã gục xuống đất bên cạnh chai thuốc rầy. Sau này Vinh mới biết không hẳn là mẹ liều thân do phút chốc xốc nổi, cạn nghĩ.

Trước đó, có lần mẹ đã than thở cùng ông ngoại: “Thôi, tình thế này để con kiếm chai thuốc rầy là xong! Chứ 5 mẹ con bám cả vào ông, nhà chục miệng ăn, sống vất vưởng thế này thì chết còn hơn!”...

Chưa hết, gần một năm sau cái chết thảm thương của mẹ, ông ngoại nhận nuôi 2 con bò, trong một lần đưa bò xuống sông Lũy uống nước, Vinh bị ngã gãy cánh tay phải.

Bệnh viện ở xa, tiền không sẵn, phải nhờ một thầy lang trong làng cứu chữa, nhưng không may cánh tay bị hoại tử, bệnh viện Phan Rí đành phải cắt cụt đến gần bả vai! Vẫn chưa hết, mấy năm sau, người anh trai của Vinh cũng theo bước người mẹ bất hạnh đi tìm người cha xấu số!...

Gần ba mươi năm đã qua kể từ những ngày cơ cực đến tận cùng ấy.Vinh kể những nỗi vất vả của tuổi thơ mà miệng luôn cười tươi. Đó là nụ cười của người đã vượt qua thử thách, đã chiến thắng. Mồ côi bố mẹ, gãy tay phải từ năm lớp 3, khi ông ngoại mất thì ở với dì, làm đủ thứ nghề để có tiền ăn học lên đại học.

Đối với Vinh, làm việc còn là niềm vui sống, có thêm bạn bè để đỡ cô quạnh. Từ năm học cấp 3, Vinh đã biết cắt tóc, sửa xe đạp, chế ra “máy” bơm sơn xe cho bạn học... Tất cả đều miễn phí, bù lại, Vinh được niềm vui luôn có bạn bên mình và lòng tự tin rằng mình cũng có thể làm được mọi việc như những người nguyên vẹn cả đôi tay.

Chuyện học đàn thì gian khổ hơn nhiều vì chẳng có thể học ai. Vinh kể:

- ...Thấy người ta đánh đàn thèm quá, đánh dây buông thì được, nhưng làm sao bấm ra nốt? Con loay hoay thử đủ cách: dùng chân thẻ hương cột vào ống tay cụt, rồi lấy ống nhôm một đầu lồng vào ống tay cụt, đầu kia cắt gọt thành hình móng tay để gảy, mất công, đau mỏi ê ẩm cả người nhưng chẳng kết quả. Thôi, mình một tay thì thử tìm cách dùng một bàn tay vừa bấm nốt, vừa gảy; con dùng 3 ngón bấm nốt, còn ngón út để gảy...

Sẵn chiếc đàn của đứa con trai, Vinh cầm lấy, vừa nói vừa “diễn”:

- Lúc đầu con cũng mày mò cực nhọc như thế, sau mới nghĩ: mình một tay, sao cứ phải cầm đàn theo cách thiên hạ; con bèn xoay ngược bàn tay, dùng ngón trỏ để gẩy...

Không còn là những nốt nhạc rời rạc nữa. Tiếng đàn vang lên những hợp âm quen thuộc da diết. Một bài hát của Trịnh Công Sơn: “...Trời cao đất rộng một mình tôi đi / Một mình tôi đi / Đời như vô tận một mình tôi về / Với tôi...”.

- Thế còn kèn harmonica, lấy tay nào cầm để thổi?

- Ban đầu con cũng loay hoay mãi, có lúc thử dùng cả chân để kẹp harmonica. Sau con vẽ ra một bộ phận gắn harrmonica lên thùng cây guitare... À, ngày mai mời ông đến phòng trà “Hawai”, con sẽ biểu diễn ông xem...

Tiễn Vinh ra cổng, tôi mới để ý chiếc xe hon-da Vinh đi cũng “khác người”: một sợi dây quấn quanh tay “ga” phía phải dẫn sang tay cầm ghi-đông bên trái. Không “sáng chế” ra sợi dây ấy, người  chỉ còn một tay trái như Vinh không thể điều khiển được.

*
*     *

Phòng trà Hawai thuộc loại sang ở Huế. Ở đây có ban nhạc hơn chục người, hầu hết đã hoặc đang học ở trường nghệ thuật. Vinh lên sàn diễn vào giờ nghỉ giải lao của các nghệ sĩ, sau lời giới thiệu ngắn gọn: “Xin mời anh Nguyễn Thế Vinh lên giao lưu góp vui...”.

Vinh gắn chiếc kèn harmonica vào cái giá đã lắp sẵn trên thùng guitare, kéo chiếc micrô gần lại trước những cặp mắt chăm chú của khán-thính giả. Khách đến phòng trà nhiều khi chỉ để tỏ ra người sang trọng, có văn hóa chứ không phải để thưởng thức nghệ thuật, nhưng tiếng đàn Vinh chưa cất lên, tất cả - cả những nghệ sĩ đang nghỉ giải lao và các nhân viên phục vụ, đều hướng lên sân khấu.

Ở đây người ta chú ý “xem” trước khi “nghe” Vinh đàn. Với một cánh tay, chơi hai nhạc cụ, quả là chuyện chưa từng có. Vinh hơi cúi người, miệng ngậm harmonica, cùng lúc các dây đàn ghi ta ngân lên:

“Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ /... Làm sao em biết bia đá không đau /...Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau...”

Tôi lắng nghe bài hát quen thuộc và chợt nhận ra cách phối hợp giữa hai loại đàn đã thể hiện thật “đắt” tâm tưởng của nhạc sĩ họ Trịnh.

Tiếng harmonica réo rắt khi vút lên cao nghe như tiếng kêu, tiếng thét về những nỗi đau muôn thuở của kiếp người (“Có điều gì gần như niềm tuyệt vọng...” - TCS) còn tiếng guitare trầm lắng lại gợi nghĩ đến những nhịp chuông chùa, đến những rung động sâu thẳm của lòng người đã “ngộ” ra mọi nỗi của kiếp nhân sinh...

Căn phòng vang dậy tiếng vỗ tay. Không chỉ là sự cổ vũ trước cách biểu diễn “lạ đời” mà chính vì sức mạnh nghệ thuật của tiếng đàn. Lúc này mới thấy rõ khuôn mặt của người nghệ sĩ với đôi mắt long lanh và nụ cười thật tươi tắn. Vinh ngửng lên đáp lại sự ngưỡng mộ của mọi người và nói: “Tôi xin đàn một bài nữa...”

“Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi / Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt... Con tim yêu thương vô tình chợt gọi / Lại thấy trong ta hiện bóng con người.”

Vinh trở lại bên bàn với cốc nước cam uống dở. Tôi đỡ chiếc đàn, giúp Vinh bỏ vào bao và đặt tay lên vai áo Vinh. Vai áo ướt đẫm mồ hôi, dù ở trong phòng lạnh.

Trước cửa phòng trà, một nghệ sĩ trong ban nhạc níu lại xin địa chỉ Vinh.

- Tôi còn ở Huế, tôi sẽ quay lại...

Mấy hôm sau gặp lại Vinh, tôi được biết anh đã giữ lời hẹn. Trong hai ngày vào Đà Nẵng, Vinh cũng đem theo cây đàn và cũng tìm đến phòng trà “chơi” chỉ để góp vui chứ không màng gì đến đồng tiền thù lao, thậm chí còn phải trả tiền đồ uống giá cao như mọi khách hàng khác.

Vinh chưa bao giờ nghĩ tập đàn để biểu diễn, càng không tính đến chuyện kiếm sống bằng cây đàn. Đến với nghệ thuật không lệ thuộc đồng tiền, kể cũng là điều hạnh phúc…

*
* *

Tròn 3 năm đã qua từ đêm nhạc ở phòng trà Hawai ấy. Thỉnh thoảng tôi vẫn liên lạc với Vinh. Anh vẫn thường biểu diễn nơi này nơi kia nhưng kiếm sống chính bằng nghề… dạy học tư ở Bình Dương.

Chuyện Vinh trở thành ông giáo cũng lạ. Bà chị lo chỗ ăn ở, mở lớp cho Vinh dạy hiện nay, hồi trước từng ở trong nhà Vinh khi gia đình anh còn khá giả. Tình cờ gặp lại Vinh, chị đã hết lòng giúp Vinh ổn định cuộc sống.

Tháng trước, Vinh điện thoại ra cho tôi, nghe giọng cũng hình dung cái miệng Vinh cười rạng rỡ: “Con tin ông biết, ba đứa con dạy kèm vừa thi đậu đại học…”

Và hôm nay, Vinh lên sàn diễn lớn ở TP. Hồ Chí Minh, đem tiếng đàn của một con người đã chiến thắng nỗi bất hạnh góp phần làm nhẹ bớt bao cảnh bất hạnh trong những cơn lũ triền miên đang nhận chìm nhiều tỉnh ở miền Trung. Tôi gọi cho Vinh khi buổi diễn kết thúc:

- Cả nhà vừa xem Vinh biểu diễn đó. Hay quá! Còn dạy ở Bình Dương không?

- Thỉnh thoảng con vẫn lên Sài Gòn diễn. Mai lại về Bình Dương. Tháng sau có khi con ra Huế đó…

Hình như có một cô gái Huế “thương” chàng nghệ sĩ có người gọi “quái kiệt” này. Chợt nhớ câu Vinh nói ba năm trước: “Yêu nhau không lấy được nhau là khổ rồi ông à…”.

Nhưng Vinh là người đã biết vượt qua bất hạnh, đem nghệ thuật gieo niềm vui và lòng tin vào khả năng kỳ diệu của con người cho thiên hạ nên tôi vẫn hình dung khuôn mặt sạm nắng gió của Vinh đang bừng sáng nụ cười tươi trẻ như chưa hề nếm trải những mất mát khổ đau đến cùng cực của cuộc đời...

Đó là câu chuyện từ nửa tháng trước. Nay thì nước lũ đang dâng tràn đôi bờ sông Hương, ngập cả đường bộ lẫn đường sắt. Chẳng biết Vinh sẽ ra Huế bằng cách nào? À, còn con đường nghệ thuật sẽ chắp cánh cho Vinh đến với người thương…

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.