Quên đời trong 'đấu trường ảo'

Sinh viên cày game thâu đêm, ăn đêm luôn tại quán net. Ảnh: Bình Minh
Sinh viên cày game thâu đêm, ăn đêm luôn tại quán net. Ảnh: Bình Minh
TP - Ở Hà Nội, hàng nghìn quán game online mọc lên như nấm bủa vây các trường đại học, cao đẳng, ký túc xá, khu trọ đông sinh viên. Những quán game này mở thâu đêm suốt sáng, phục vụ những game thủ trẻ “bỏ quên” tương lai để sống trong “đấu trường ảo” chém giết. 

Học đúp vì nghiện game

Theo khảo sát của phóng viên, ở các quận Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy, Đống Đa, quanh các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ), ký túc xá (KTX), khu trọ sinh viên… trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, các quán game online mọc lên như nấm. Hầu hết các quán game đều mở quá giờ quy định, thậm chí nhiều nơi mở thâu đêm.

Theo chân Nguyễn Thành Dân (sinh viên trường ĐH Hà Nội, quê Yên Bái), một cao thủ game Liên Minh Huyền Thoại đến một quán nét ở trên đường Lương Thế Vinh (Thanh Xuân, Hà Nội). Đây là khu vực gần sát KTX Mễ Trì. Dù đã quá 23h đêm nhưng quán game (bên ngoài tắt đèn điện, khách đến sẽ bấm chuông - PV) vẫn chật kín khách. Theo chủ quán, do quá giờ quy định nên phải khóa cửa và tắt điện vì sợ công an kiểm tra. 

“Dưới góc độ sức khỏe, nghiện game sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng, hủy diệt sức khỏe. Việc chơi game liên tục trên máy tính nhiều giờ liền gây ảnh hưởng đến mắt, thần kinh, hô hấp, tim mạch và hoạt động xương khớp. Vì họ dành quá nhiều thời gian cho thế giới ảo nên thay đổi tính cách, gặp vấn đề nhiễu tâm trí”.
TS. Nguyễn Thị Kim Quý (Hội Khoa học tâm lý - Giáo dục Việt Nam)

Căn nhà 4 tầng, ở đây có gần 80 máy tính chỉ còn lại lác đác vài chỗ trống. Quan sát các game thủ, đa phần là sinh viên với khuôn mặt hốc hác, cặp kính cận dày cộm đang dán mắt vào màn hình. Kèm theo tiếng nhạc phát ra từ game là những câu chửi tục của những “con nghiện”. Dân cho biết, đây là “quán ruột” của nhóm bạn cậu.Mỗi tuần cả nhóm có ít nhất 2- 3 đêm tụ tập ở đây để cày game.

Theo Dân, người chơi game cũng có nhiều loại. Có người mê game nhưng lại không đủ khả năng và thời gian để chăm sóc cho nhân vật nên thuê các game thủ khác chơi cho nhân vật mình tăng cấp đến mức nào đó, thù lao hai bên tự thỏa thuận. Dạng nữa là những “cò” game chuyên nghiệp. Những vị khách lắm tiền ganh đua, ham muốn trang bị vũ khí, đồ đẹp cho nhân vật của mình, họ sẽ thuê người chơi để nhân vật trong game tăng “level” (cấp độ) hoặc kiếm các đồ độc để bán thu lời.

Thường xuyên thức trắng đêm cày game, gương mặt Hoàng Văn Cung (sinh viên ĐH Tự nhiên Hà Nội, quê Ninh Bình) trở nên hốc hác. Ẩn sau cặp kính dày cộp là đôi mắt lờ đờ, sâu hoắm vì thiếu ngủ. Theo các game thủ ở quán cho biết, Cung nhà nghèo nhưng là người “đam mê” và luôn đầu tư vào game. Có bao nhiêu tiền Cung đều nướng vào game, đến nỗi phải cầm bán cả laptop phục vụ học tập để mua sắm đồ cho các nhân vật trong game. “Mình nghiện game lúc nào không biết nữa. Trong mơ nói sảng mình cũng kêu tên các nhân vật trong game. Bỏ tiền đầu tư, nạp thẻ với hi vọng sau mình có thể bán lại đồ game kiếm tiền”, Cung chia sẻ về “kế hoạch làm ăn” của mình.

Ở quán Cung không phải là trường hợp ngoại lệ. Trường hợp Nguyễn Huy Hoàng (sinh viên trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, quê Thái Bình) cũng vì mê đến nỗi nhận cày game thuê cho người khác để được chơi. Huy Hoàng từng là cậu sinh viên học giỏi, hai năm đầu giành học bổng cho học sinh có thành tích học tập tốt. Nhưng kể từ khi chơi game, bỏ bê học tập, nợ nhiều môn nên giờ đã năm thứ 6 (hệ học 4 năm - PV), cậu vẫn chưa tốt nghiệp ĐH. Hoàng cho biết đang nợ môn nên cậu không phải tới trường nhiều, thời gian trong ngày chủ yếu ăn ngủ luôn tại quán. “Ở đây mình tắm trong nhà vệ sinh của quán, ăn uống thì mỳ tôm, xôi, bánh mỳ của quán. Nhận hợp đồng lên đời nhân vật  rồi, không kịp giao hàng là bị trừ tiền”, Hoàng nói.

Ðánh thuốc mê đưa con đi cai nghiện

Không chỉ chơi game ở các quán net, nhiều game thủ mang cả lên giảng đường để cày. Nguyễn Thị Hoa, sinh viên một trường ĐH ở Hà Nội cho biết, trên giảng đường các bạn chơi game bằng máy tính ít bởi sợ thầy cô phát hiện. Nhưng dùng điện thoại vào Facebook, Zalo, chơi game khá nhiều. “Lớp học theo hệ thống tín chỉ, mỗi môn một lớp, toàn bạn mới nên cũng chẳng gắn bó thân thiết gì. Đi học để có mặt, khi nào sắp thi, dành vài buổi ngồi ở nhà ôn cấp tốc là xong”, Hoa nói.

Có mặt tại phòng khám ngoại trú, Bệnh viện Tâm thần T.Ư I, chúng tôi bắt gặp gương mặt thất thần của ông Lê Hữu Thọ (ở Hà Đông, Hà Nội). “D. là con trai tôi. Nó 25 tuổi, giờ phải vào đây để cai nghiện game”, ông Thọ thở dài.

Theo ông Thọ, D. học đại học ở Cầu Giấy. Ở KTX tiếp xúc với nhiều người bạn nghiện game trong phòng nên D. cũng nghiện từ lúc nào không hay. Với việc thức đêm thời gian dài đã ảnh hưởng tới sức khỏe và tâm lý của D..Giờ đây, D. lúc nào cũng như “có người điều khiển trong đầu”, hay gào thét rồi chửi tục.

Ở Bệnh viện Tâm thần T.Ư I, trường hợp của D. không phải là duy nhất. Theo BS. Tô Thanh Phương, Trưởng khoa Cấp tính nữ - Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư I cho biết, bệnh viện đang điều trị cho rất nhiều bạn trẻ nghiện điện thoại, Facebook, game. Đặc biệt, có những trường hợp bị chứng nghiện game online rất nặng, để đưa con mình tới bệnh viện, cha mẹ phải sử dụng thuốc mê.

MỚI - NÓNG