Quỹ riêng của các ông chồng trẻ

Quỹ riêng của các ông chồng trẻ
TP -  Thực tế cuộc sống đã có không ít gia đình mâu thuẫn, thậm chí tan vỡ vì lý do "đầu tiên" này. Cũng có không ít rắc rối, phiền toái xảy ra khi người chồng trẻ nắm tay hòm chìa khóa, có quỹ riêng.

Quỹ riêng của các ông chồng trẻ

Quỹ riêng của các ông chồng trẻ ảnh 1

Chồng trẻ nắm tay hòm chìa khoá

Một bác sỹ trẻ, ra trường không làm ở bệnh viện nhà nước nào mà đầu tư vốn liếng mở hẳn một phòng mạch tư giữa Hà thành. Không những thế anh vừa là "kế toán trưởng", vừa là "thủ quỹ”.

Lương cho một bảo vệ coi xe máy, xe đạp hàng ngày, một người phụ tá giúp việc, anh đều tự tay ghi công, chấm điểm, rồi nhân chia mỗi tháng bao nhiêu tiền và đếm trả. Dường như đã nhiễm tính "đong, đếm" ở phòng mạch, trong cuộc sống gia đình anh cũng nắm tay hòm chìa khoá.

Cô vợ trẻ sinh năm 1981, gần như không thể biết mỗi ngày từ phòng mạch mang lại thu nhập bao nhiêu. Hàng ngày vị bác sỹ trẻ đưa cho vợ 50 ngàn đồng để đi chợ. Còn muốn chi tiêu việc gì khác, chị phải trình bày để xin tiền chồng.

Hàng xóm không ít lần nghe tiếng anh gắt gỏng: "Tiêu gì nhiều thế?". Thích một bộ váy đẹp cũng ngửa tay xin chồng, sau nhiều lần không chịu nổi, cô vợ liền "phản đòn": "Anh chỉ thiếu cái "máy" sinh con đẻ cái nữa là hơn khối chị em thành đạt đấy!". Anh chồng giận tím mặt, ném chiếc kính cận 3,5 đi-ốp về phía vợ, kính trúng tường vỡ toang. Cận nặng, nhìn kém, anh ta lại phải nhanh chóng làm lành, đưa tiền cho vợ đến phố Bà Triệu thay mắt kính.

Sau vụ vỡ kính, cái tính bo bo giữ tiền của anh chồng thay đổi ít nhiều. Giờ đây, thay vì đưa tiền hàng ngày cho vợ, cứ đầu tuần anh ta lại đưa cho vợ năm trăm ngàn chi tiêu trong nhà. Việc mua sắm các thứ sinh hoạt, tiền phong bì cưới xin anh ta lo hết.

Vợ chồng Phú - Ngọc cưới nhau 2 năm nay, sinh cậu con trai đầu lòng mới hơn một năm tuổi. Phú làm phát hành cho một nhà xuất bản phía Nam, chi nhánh tại Hà Nội, với mức lương trên 3 triệu đồng một tháng. Khoản riêng của Phú thì rất khó tính, ví như thi thoảng anh "tầm" được tập bản thảo hay của một tác giả nổi tiếng nào đó có thể bán chạy, sẽ được thưởng có khi lên tới chục triệu. Chưa kể anh làm thêm bằng việc "bỏ mối" cho một số nhà sách tư, ăn hoa hồng kha khá. Song mỗi tháng, Phú chỉ đưa cho vợ triệu rưỡi tiền để mua sữa cho con, số lương, "lậu" còn lại anh lý giải để "xã giao".

Ngọc - Cô vợ tuổi Giáp Tý học đại học Ngoại thương ra - đang làm cho một dự án nước ngoài, lương tháng gần 1.000 USD. Có lẽ do có mức lương cao, hàng tháng lại "bị” anh chồng đưa tiền gọi là chi tiêu trong nhà chưa đầy số lẻ tiền lương của Ngọc, mà hàng xóm thường thấy cô vợ coi thường chồng ra mặt. Những lời "dạy dỗ” vợ thường được cô ta đáp trả bằng những lời kiểu như: "Anh thì làm ăn gì, không có em á, nhà này chết đói…".

Phú sống phóng khoáng, ai khó khăn anh giúp không tiếc. Có người lo việc cưới hỏi túng thiếu đến vay năm, mười triệu anh sẵn sàng. Có lẽ do ỷ lại thu nhập của vợ, nên Phú để việc gia đình cho vợ lo toan, anh giữ tiền riêng để lo những kế hoạch của riêng mình. Nhưng ý muốn được "sống thoải mái", "làm theo ý mình" của Phú đã dẫn đến mái ấm gia đình họ có lúc căng như dây đàn.

Cô vợ không tỏ thái độ đòi hỏi Phú đưa nhiều tiền hàng tháng cho mình mà chỉ luôn tỏ vẻ nghi ngờ, rồi ghen một cách vô cớ. Có lần chỉ vì đọc lén cái tin nhắn của một cô gái nào đó trong điện thoại của chồng, nghi ngờ chồng léng phéng Ngọc liền ném cái "choang", chiếc di động bay ra ngoài cửa sổ.

Lần khác, cũng từ chuyện dò máy điện thoại của chồng, điên tiết cô cầm máy ném ngay vào bồn toilet, ấn nút xả cái rẹt. Lại phải gọi người đến thông tắc. Sẵn tiền trong túi, mấy ngày sau chồng về muộn không biết tìm ở đâu, cô liền đi mua cho chồng cái điện thoại mới.

Thi thoảng vợ chồng họ lại có chuyện, nhiều người mới khuyên Phú đưa hết tiền lương cho vợ, giữ lại một ít tiền xăng xe, tiêu vặt thôi, giữ tiền làm gì cho mệt. Phú cự lại: "Đưa hết cho cô ấy có mà có ngày méo mặt". Phú nói, anh phải giữ lại trong "két" của mình một khoản kha khá để phòng thân.

Vợ anh dẫu kiếm được nhiều tiền, nhưng lại "trẻ người non dạ”, chưa biết tiết kiệm, lo lắng vun vén cho gia đình, tiêu rất hoang phí. Cứ đà tiêu hoang ấy, rồi đến lúc tiêu hết tiền, gặp việc đại sự thì làm sao?. Anh cho rằng, không có tiền liệu có ra cái thằng đàn ông đàng hoàng nữa không? Không có tiền trong túi có họa là…

Rắc rối hai chữ "quỹ riêng"

Chuyên gia tư vấn tâm lý gia đình An Việt Sơn cho rằng thời nay một số nam giới nghĩ "giàu vì bạn, sang vì vợ". Đi với bạn mà không có vài trăm, non triệu trong túi thì không sang với bạn được, không có những cuộc hội ngộ rôm rả với bạn bè thì khó có mối làm ăn nên hàng tháng "trích" tiền lương đưa cho vợ chi tiêu, họ thường giữ lại một khoản nhất định.

Họ nghĩ đưa tiền cho vợ thì được, nhưng rút ra khó, chi bằng cứ giữ quỹ riêng cho chủ động. Họ không muốn gặp cảnh mỗi lần túi cạn lại phải nằn nỳ vợ đưa cho một ít tiền, để bị vợ vặn vẹo: "Anh tiêu gì nhiều thế, anh lấy thêm tiền làm gì, tiền hôm kia đưa cho anh đâu hết rồi…".

Trên thực tế, một số đàn ông trẻ do không muốn bị ràng buộc, bị chi phối, không muốn phải bàn bạc với vợ trong việc giúp đỡ gia đình đằng nội, họ thường giữ lại một khoản tiền trong tài khoản. Có quỹ riêng họ chủ động hỗ trợ bố mẹ, anh em nghèo khó ở quê, hay giúp đỡ anh em bên nội một ít sắm trâu, sửa nhà…

Một số có "quỹ” là để đầu tư vào chơi chứng khoán, góp vốn làm ăn với bạn bè, hoặc tích trữ để mua sắm những vật dụng có giá trị trong nhà, hay cho những thú vui của bản thân như chơi tenis mà không cần "ví” vợ… Nhiều cô vợ trẻ thì thích dùng hàng hiệu đắt tiền, có thói quen hễ có tiền là rủnh rỉnh mua sắm, dùng mỹ phẩm cao cấp, rồi đi spa… nên nhiều ông chồng phải âm thầm giữ quỹ riêng để phòng thân.

Không hiếm đôi vợ chồng trẻ hiện nay, lương chồng chồng giữ, lương vợ vợ tiêu, tiền ăn và các chi phí khác thì mỗi người cùng góp chung một cách bình đẳng. Nhưng số đông các cô vợ trẻ thì cho rằng, đã là vợ chồng thì tất cả phải là của chung. Điều này khiến họ không chịu cảnh chồng mình có quỹ riêng.

Nếu muốn giúp đỡ bên nội, bạn bè của chồng chỉ cần nói cho họ biết, là sẵn lòng, vì họ cũng muốn chứng tỏ mình là cô dâu thơm thảo, biết phụng sự nhà chồng và họ cũng muốn làm sang, mát mặt cho chồng. Một số cho rằng giúp anh em họ hàng là quý, họ chỉ sợ có quỹ riêng các ông chồng thường sinh hư, thế nào cũng đi "hát hò”, nhậu nhẹt, massage, thậm chí còn "vui vẻ”, hoặc cờ bạc, lô đề… Cho nên đã có nhiều cô đáo để đến mức không phải lén lút, mà công khai lục túi chồng, để sau đó là cãi cọ, chì chiết nhau.

Sự lo lắng của các cô vợ không phải là không có lý do, khi mà các ông chồng trẻ vẫn thích tự do, nếu sẵn tiền trong túi, rất dễ rơi vào cạm bẫy, dẫn đến thiếu trách nhiệm với vợ con. Chuyên gia An Việt Sơn khuyên, nếu người vợ biết vun vén, chăm lo cho gia đình, con cái, thì việc quản lý tài chính gia đình người chồng nên giao cho vợ. Nam giới vẫn tùy vào điều kiện thực tế của mình để giữ lại một ít quỹ riêng, tuy nhiên nên cho vợ thấy mình không hề có bồ bịch, chỉ tiêu vào những việc chính đáng, để không dẫn đến "chiến tranh lạnh".

Bên cạnh những đàn ông tiêu tiền nhiều hơn đàn bà, không hiếm các ông chồng trẻ ngày nay, vẫn giữ được "nếp xưa", nhận lương về tự nguyện "nộp" cho vợ không thiếu một xu, sau đấy cần tiêu gì cho việc riêng lại "ngửa tay" xin vợ. Những ông chồng trẻ này thường ngoài tiền đổ xăng, ăn sáng, hầu như ít khi có nhu cầu chi tiêu khác. Họ không mấy khi tụ tập bạn bè hay rượu bia, trưa thì phóng xe về nhà ăn cơm với vợ con.

Người vợ của các ông chồng trẻ này vừa là "kế toán trưởng", vừa là "thủ quỹ” trong gia đình. Hàng tháng cô vợ đều trích ra một khoản cố định, mua rượu bia để sẵn trong tủ lạnh, khi nào chồng thích tự mở tủ lấy uống, đỡ tụ tập bạn bè tốn kém. Có chàng trai sau thời gian cứ đều đều hàng tháng đưa đủ tiền lương cho vợ, cảm nhận mình đang xa dần bạn bè liền về ì xèo với vợ. Cô vợ không phải vừa, tuyên bố: "Để tiền cho anh giữ, có mà đi nhậu, với cho "gái" hết. Thế thì đây, anh giữ hết tiền đi, tôi càng khoẻ”. Người chồng thấy vậy đành im re!.

Chị Lê Thu Hiền - Giám đốc Trung tâm tư vấn "Người bạn Tri kỷ” - cho rằng, tâm lý của nhiều đàn ông thường không muốn tiêu gì cũng bàn với vợ. Nếu mua cái ti vi về xem mà cũng phải "xin phép" vợ là nhiều người không thích. Có nam giới, có tư tưởng đưa cho vợ càng ít tiền càng tốt, do mình có nhiều việc lớn phải lo hơn.

Theo chị, việc chồng hay vợ quản lý quỹ gia đình đều hợp lý cả, miễn là hai vợ chồng đều chấp nhận được. Các đôi vợ chồng trẻ nên đề cập thẳng thắn và cùng nhau xây dựng kế hoạch cho gia đình mình thật phù hợp. Có thể cả hai vợ chồng đều cùng góp theo tỷ lệ nhất định cho việc chi tiêu hàng ngày, do người vợ quản lý, còn chuyện mua sắm vật dụng dùng trong nhà như ti vi, tủ giặt, máy lạnh… để người chồng lo.

MỚI - NÓNG