Quyền và trách nhiệm thanh niên: Làm sao phát huy?

Quyền và trách nhiệm thanh niên: Làm sao phát huy?
Hội thảo về Luật Thanh niên do TW Đoàn phối hợp với Uỷ ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam (UBQGTNVN) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tổ chức tại TP Tuy Hoà (Phú Yên).

Dự Hội thảo có đại diện của nhiều Tỉnh Đoàn khu vực miền Trung – Tây Nguyên và một số cơ quan của tỉnh Phú Yên. Đồng chí Đào Ngọc Dung – Bí thư Thường trực TW Đoàn, Trưởng ban chỉ đạo soạn thảo Luật Thanh niên đã dự và phát biểu khai mạc Hội thảo.

Mở đầu Hội thảo, đồng chí Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, việc ra đời Luật thanh niên nhằm thể chế hoá các quan điểm của Đảng về thanh niên và công tác thanh niên, tạo cơ sở pháp lý để chăm lo bồi dưỡng thanh niên trở thành nguồn lực chất lượng cao của công cuộc hiện đại hoá đất nước và tăng cường quản lý Nhà nước về công tác thanh niên.

Tư tưởng xuyên suốt của Luật Thanh niên là nêu lên những quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm mang tính đặc thù của thanh niên, vai trò và trách nhiệm của xã hội, Nhà nước, gia đình trong việc giáo dục, bồi dưỡng thanh niên.    

Báo cáo tổng hợp ý kiến của 7 nhóm đối tượng thanh niên (học sinh, dân tộc ít người, tôn giáo…) về vai trò của thanh niên trong xã hội, giáo dục, việc làm, đạo đức lối sống, sức khỏe sinh sản… đã được trình bày tại Hội thảo.

Đây là những vấn đề được thanh niên quan tâm nhất, cần được đưa vào Luật Thanh niên để đáp ứng nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của họ. Các đại biểu cũng tập trung góp ý kiến về những vấn đề này, đồng thời tranh luận rất thẳng thắn về một số vấn đề mấu chốt.

Về tuổi thanh niên, các ý kiến đều thống nhất lấy tuổi cận dưới là 16, nhưng nhiều người đề nghị lấy tuổi cận trên là 35, trong khi theo dự thảo là 30 tuổi.

TS Chu Xuân Việt - Tổng thư ký UBQGTNVN - đã giải trình những cơ sở về sinh học và xã hội để Ban soạn thảo Luật Thanh niên xác định độ tuổi thanh niên là từ 16 - 30 tuổi. Nếu đưa tuổi cận trên của độ tuổi thanh niên từ 30 lên 35 tuổi, số đối tượng điều chỉnh của Luật Thanh niên sẽ tăng khoảng 7 triệu người, chiếm gần 34% dân số nước ta, trong khi tỷ trọng trung niên sẽ chỉ còn khoảng 27%.

Tuổi cận trên của thanh niên quá cao sẽ làm mất cân đối cơ cấu dân số, làm chậm quá trình chính thức tham gia vào cơ cấu lao động xã hội của các cá nhân thuộc lứa tuổi này. TS Việt đưa ra tình huống mẹ 35 tuổi, con 16 tuổi, vậy cả hai mẹ con đều là thanh niên?!

Trong dự thảo có chương III về quyền và trách nhiệm của thanh niên từ đủ 16 - 18 tuổi, hay còn gọi là thanh niên vị thành niên. Đây là lực lượng xã hội có tiềm năng của đất nước, là nhóm đối tượng nhạy cảm và dễ bị tổn thương nhất trước những tác động của xã hội hiện đại.

Luật Thanh niên đề cập sâu hơn về thanh niên 16 – 18 tuổi là rất cần thiết, nhưng đại biểu Phan Thị Hoa – Giáo viên trường Chính trị Phú Yên cho rằng nên bỏ chương III, chỉ nên có một vài điều khoản riêng về đối tượng thanh niên này trong chương II “Quyền và trách nhiệm của thanh niên”.

Ông Bùi Sơn Hải – Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Phú Yên và anh Trần Như Nguyện – Phó Chủ tịch Hội LHTNVN tỉnh Khánh Hoà - đề nghị dự thảo cần nêu rõ hơn về quyền của thanh niên và vai trò của tổ chức thanh niên trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của thanh niên.

Nhiều ý kiến đề nghị dự thảo đề cập sâu hơn đến vấn đề tảo hôn và ép buộc hôn nhân, tính tự lập và trách nhiệm với bản thân của thanh niên.

Anh Nguyễn Thanh Hồng – Chánh văn phòng Tỉnh Đoàn Lâm Đồng và một số đại biểu đề nghị sửa Luật Thanh niên ngắn gọn, dễ hiểu hơn nữa…

Đã hơn 20 năm kể từ khi Dự án Luật Thanh niên được Hội đồng Nhà nước đưa vào kế hoạch xây dựng pháp luật 5 năm (1981 – 1985). Từ đầu năm 2005 đến nay, nhiều cuộc hội thảo về Dự án LTN đã được tổ chức tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Bắc. Dự thảo được trình bày tại Hội thảo này là dự thảo lần thứ 18.

Luật Thanh niên là luật khó xây dựng vì là luật đối tượng, phải tránh trùng lắp với các luật khác, nhưng “đợi xây dựng hoàn chỉnh rồi mới thông qua thì đến bao giờ mới có?” - Ý kiến trên của ông Đào Tứ Xuyên, Giám đốc Sở KH – CN Phú Yên cũng là ý kiến chung của các đại biểu dự Hội thảo.

TS Chu Xuân Việt cho biết, Ban soạn thảo sẽ khẩn trương làm việc, chỉnh sửa để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét vào ngày 31/3/2005.

MỚI - NÓNG