Rũ vỏ ốc cô đơn, hòa mình vào hội họa

Không chỉ trao “cần câu cơm”, họa sĩ Văn Y còn tổ chức lớp vẽ miễn phí dành cho người khiếm thính, trao cơ hội cho họ tự tin hòa nhập cộng đồng Ảnh: Uyên Phương
Không chỉ trao “cần câu cơm”, họa sĩ Văn Y còn tổ chức lớp vẽ miễn phí dành cho người khiếm thính, trao cơ hội cho họ tự tin hòa nhập cộng đồng Ảnh: Uyên Phương
TP - Lớp vẽ có hơn 20 học viên nhưng yên lặng đến lạ thường. Cả thầy lẫn trò trao đổi, trò chuyện với nhau chỉ bằng cách ra dấu tay, chân. Đó là lớp vẽ mang tên “Âm thanh hội họa” miễn phí dành cho những người khiếm thính. 

Gieo ước mơ

Đến lớp “Âm thanh hội họa” vào thứ Bảy, chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi tận thấy sức sáng tạo không giới hạn của những bạn trẻ nơi đây. Hôm nay, các bạn thực hành đổ màu trên tranh. 

Từng muỗng màu được đổ vào chiếc ly có sự tính toán của mỗi “họa sĩ”, để khi đổ ly màu đó lên tấm toan sẽ tạo ra bức tranh đầy màu sắc và sinh động. Võ Nguyễn Minh Duy (17 tuổi) không úp ngược ly màu lên tranh mà cẩn thận, dùng con dao nhỏ rạch chiếc ly để màu tràn ra. Sau đó khéo léo nghiêng bức tranh để màu lan, tạo cảnh như sóng biển xanh ngắt, hòa vào chân trời đỏ rực buổi bình minh… Tất cả đều là ý đồ của cậu.

Kể về lớp vẽ, họa sĩ Văn Y - người mở lớp cho rằng “đó là duyên”. Nhiều lần ông thấy một nhóm người khiếm thính múa may theo điệu nhạc ghi âm sẵn ở công viên, phía trước đặt chiếc thùng rỗng xin tiền. Nắng mưa gì họ cũng hành nghề để mưu sinh. Có những người câm điếc xin bưng bê, phụ hồ, nhổ cỏ… Thế nhưng dăm bữa nửa tháng đều bị chủ cho nghỉ vì nói không nghe. 
Những hình ảnh đó cứ ám ảnh họa sĩ Văn Y. Đem câu chuyện bàn bạc với thành viên CLB Mekong Art do ông làm chủ nhiệm, với mong muốn đưa các em về để dạy vẽ. Đề xuất của ông được nhiều họa sĩ ủng hộ và còn đồng hành nhận kèm dạy, truyền nghề cho các em kém may mắn. Giữa năm 2017, lớp học ra đời như thế.

Khó có thể kể hết những khó khăn, trở ngại những ngày đầu. Mở lớp thì dễ, nhưng duy trì như thế nào? Mất mấy tháng thầy trò mới hòa hợp được với nhau, bởi học viên không nói được, không nghe được nên ngôn ngữ để trao đổi với nhau rất phức tạp. Giữa lớp học có một cái bảng nhỏ, mọi lời giảng thầy Văn Y đều viết lên đó. “Dạy người bình thường đã khó rồi, dạy những đứa trẻ vừa câm vừa điếc còn khó hơn. May sao tụi trẻ còn biết viết và biết chữ, thầy trò còn có thể trao đổi với nhau trên bảng. Thôi thì mình cứ thử đi rồi tùy cơ ứng biến” - họa sĩ Văn Y chia sẻ.

Lúc đầu chỉ có 2 học viên tham gia. Đến nay, số học viên đã tăng hơn 20 người, đủ mọi lứa tuổi, từ 17 đến hơn 50 nhưng chủ yếu là các bạn trẻ. Hoàn cảnh ai cũng nghèo nên tất tần tật chi phí mua cọ, vải bố khung, sơn, màu, cơm trưa... đều do họa sĩ Văn Y và các thầy cô tự bỏ tiền túi trang trải.

“Ông trời không lấy đi của ai tất cả. Các bạn khiếm thính rất tinh nhạy với nghệ thuật hội họa. Đường cọ của họ nói lên niềm khao khát hòa vào sự sống, khao khát nghe âm thanh của đất trời và muôn loài. Họ rũ vỏ ốc cô đơn để hòa mình vào những bức tranh”.

Họa sĩ Văn Y


Gặt hạnh phúc

Họa sĩ Văn Y cho các học viên tự do vẽ theo ý thích, sau đó mới bắt đầu chỉnh sửa, góp ý cho từng người. Họa sĩ dạy dỗ, hướng dẫn bằng tình yêu thương như chạm vào trái tim của học trò. Các học viên từ yêu thích đến đam mê tự lúc nào không hay và mong chờ mỗi thứ Bảy được gặp “cha” Văn Y của mình.

Hai năm qua, lớp dạy vẽ cho người khiếm thính của họa sĩ Văn Y đã có nhiều buổi trưng bày tác phẩm ở đường sách Nguyễn Văn Bình (Q.1). Đa số tác phẩm đều được bán hết trong thời gian ngắn. Số tiền bán tranh được chia một nửa cho học trò, 25% dùng duy trì phát triển lớp học, 25% còn lại tặng người kém may mắn. “Tôi muốn mình không chỉ dạy vẽ, mà muốn các em có được một bài học về nhân cách. Tôi dạy các em biết chia sẻ, biết cho đi chứ không chỉ đón nhận. Ngoài kia còn nhiều người kém may mắn hơn các em rất nhiều. Khi mình biết nắm tay nhau, san sẻ những phần quà tuy nhỏ thôi, nhưng đó là cả tấm lòng”, họa sĩ Văn Y bộc bạch. 

Họa sĩ Bích Ngân, người đồng hành với lớp học 2 năm qua xúc động nói: “Giờ đây đa số học viên khiếm thính trong lớp đã được Hội Mỹ thuật TPHCM công nhận là họa sĩ khuyết tật. Đó là động lực tinh thần rất lớn với các em. Với tâm thế tự tin, khi bước ra ngoài, các em không còn mặc cảm là người khuyết tật. Thay vào đó, các em luôn tự hào mình là họa sĩ, mình biết vẽ và có thể làm ra tiền, nuôi được bản thân và gia đình”.

MỚI - NÓNG