Sắc màu dấu yêu và sự sẻ chia

Sinh viên Đại học Hải Phòng hưởng ứng ngày hội Chủ nhật Đỏ lần thứ X ngày 18/1.
Sinh viên Đại học Hải Phòng hưởng ứng ngày hội Chủ nhật Đỏ lần thứ X ngày 18/1.
TP - Chủ Nhật Đỏ - Ngày hội hiến máu cứu người mới đó đã 10 năm. Hơn 3.600 ngày đã qua, hành trình thiện nguyện vì cộng đồng do báo Tiền Phong khởi xướng đã được xã hội đón nhận, mong chờ và ngày càng lan tỏa. Bởi lẽ, sự kiện này có ý nghĩa đặc biệt đối với nhiều sinh mạng vào thời điểm thiêng liêng trong đời sống văn hóa Việt: Dịp cận Tết.

Lần đầu tiên đáng nhớ…

Nhiều năm được Ban Biên tập giao nhiệm vụ theo dõi lĩnh vực y tế, tôi có dịp tiếp xúc với hàng trăm bệnh nhân và những mảnh đời cơ cực nơi bệnh viện. Hình ảnh những cô bé, cậu bé đầu không còn sợi tóc, đôi má phúng phính vì truyền hóa chất điều trị ung thư máu xói vào lòng niềm đau không dễ xoa dịu. Nhưng nỗi đau ấy còn nhân lên gấp bội nơi cha mẹ của những đứa trẻ không may mắc bệnh, bởi có những thời điểm kho máu của bệnh viện không còn nguồn máu để truyền. Những cơ thể nhỏ bé ấy đuội dần trong cơn “đói” máu…

Một ngày mùa đông cuối năm 2008, trong cuộc họp giao ban đề tài hàng ngày tại tòa soạn, tôi trình bày với Ban Biên tập về việc các bệnh viện lớn đều cạn máu dịp cận Tết, và vì thế có quá nhiều nỗi buồn sẽ đến với bệnh nhân khi họ không đủ máu để truyền những mong có sức khỏe để về nhà ăn tết cùng gia đình.

Ngay lập tức ý tưởng về một ngày Chủ nhật mang tính nhân văn, đem lại cơ hội sống, niềm vui cho người bệnh được nhà báo Đoàn Công Huynh, nguyên Tổng Biên tập báo Tiền Phong đưa ra: “Chúng ta cần phải làm gì đó để giải quyết phần nào vấn đề khan hiếm máu”. Và cũng ngay lập tức ý kiến đó nhận được sự ủng hộ của mọi người trong tòa soạn. Với trách nhiệm của một phóng viên y tế, tôi được Ban Biên tập giao nhiệm vụ kết nối với Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư để hai bên cùng nhau xây dựng chương trình hiến máu tình nguyện này. GS.TS Nguyễn Anh Trí, khi đó là Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư hào hứng đón nhận ý tưởng ấm tình người của báo Tiền Phong bởi từ đó đến nay, Tiền Phong là tờ báo duy nhất thực hiện công việc thiện nguyện này.

Ngày Chủ Nhật Đỏ đầu tiên đã ra đời trong bối cảnh như thế, đi cùng với đó sự hồi hộp và đầy âu lo của những người tổ chức chương trình, bởi Ngày Chủ nhật 18/1/2009 rơi vào ngày 23 tháng Chạp. Thông thường, những ngày giáp Tết Nguyên đán, các cơ quan, gia đình đang kết thúc công việc và chuẩn bị sắm Tết. Và báo Tiền Phong mạnh dạn xông vào một việc hết sức vất vả. Ngày Chủ Nhật Đỏ lần thứ nhất, báo Tiền Phong đã nhấn mạnh thông điệp nhân văn trong chủ đề “Tiếp sức cho người nghèo, tiếp máu cho người khổ” trong những ngày cuối cùng của năm âm lịch.

Khi đó, thạc sĩ, bác sĩ Ngô Mạnh Quân, Trưởng Khoa vận động và Tổ chức hiến máu đề xuất với Ban tổ chức, sẽ cố thu gom được 90 đơn vị máu. Nhưng để đạt được con số đó cần có hơn 100 người đăng ký tham gia hiến máu vì không phải ai cũng đủ điều kiện để hiến. Thời gian quá gấp gáp, tìm nguồn hiến máu thực sự khó khăn. Ngày Chủ Nhật Đỏ đầu tiên diễn ra tại khuôn viên của Nhà văn hóa học sinh sinh viên, bờ hồ Thiền Quang, gần trụ sở báo Tiền Phong. Không gian ấy, ngày hôm đó trở nên chật hẹp bởi đội ngũ tình nguyện viên tham gia vận động hiến máu và những người đến hiến máu đông hơn dự kiến. Cuối cùng Chủ Nhật Đỏ đầu tiên đáng nhớ ấy cũng hoàn thành mục tiêu đặt ra với 96 đơn vị máu thu được. Những đơn vị máu quý giá đó đã tiếp thêm sức khỏe cho hơn 100 bệnh nhân tại Bệnh viện Nhi T.Ư để về nhà ăn tết thay vì ở lại viện để truyền máu cầm chừng, duy trì sự sống. Những người tham gia tổ chức chương trình thở phào nhẹ nhõm vì dù chưa nhiều nhưng số máu đó đã góp phần mang lại niềm hạnh phúc khôn nguôi cho những đứa trẻ.

Ấm áp những tấm lòng

Mười năm gắn bó với chương trình Chủ Nhật Đỏ là 10 mùa giá rét nhưng để lại trong tôi tình cảm ấm áp của biết bao người đăng ký hiến máu. Họ là cô bé sinh viên rơi những giọt nước mắt khi không đủ cân nặng để hiến máu, là cậu nam sinh viên hào hứng đến hiến máu thì nhận được thông tin bác sĩ nói huyết áp thấp, không hiến máu được. Tôi nhìn thấy trong ánh mắt họ sự tiếc nuối vì bỏ lỡ cơ hội giúp đỡ những người khổ vì bệnh.

Nhưng chừng đó năm, ám ảnh nhất trong tôi vẫn là hình ảnh người phụ nữ với gương mặt khắc khổ, đôi bàn tay chai sạn, dáng người nhỏ bé gồng mình đạp xe chở 2 sọt rau đến khu vực trước Công viên Thống Nhất, dựa chiếc xe cồng kềnh sát vỉa hè rồi chị dè dặt bước vào hỏi thủ tục đăng ký hiến máu. Hôm ấy chị kể, trước ngày diễn ra Chủ Nhật Đỏ khi đang bán rau cho mấy bạn sinh viên trường Đại học Quốc gia Hà Nội chị thấy các bạn nói với nhau về việc hiến máu tình nguyện Chủ Nhật Đỏ nên tò mò hỏi. Vậy là sáng đó, chị tranh thủ ghé vào hiến máu trước khi ra chợ bán 2 sọt rau. Đôi mắt đã nhiều nếp nhăn nhưng nụ cười tươi và ấm áp của chị như khỏa lấp sự vất vả bởi niềm vui nhỏ bé được hiến máu cứu người.

Và nhiều nữa những bạn trẻ hết lần này đến lần khác tham gia các đợt hiến máu tình nguyện. Cả những nữ sinh viên gạt đi nỗi sợ kim tiêm và máu để hiến những giọt máu đào của mình với hy vọng đem lại sức khỏe, sự sống của nhiều bệnh nhân cần máu…

Những lần Chủ Nhật Đỏ tiếp sau, có khi trời ảm đạm, mưa phùn, rét căm căm nhưng cùng với băng rôn đỏ rực, những gương mặt trẻ đầy nhiệt huyết và, hơn tất cả, là những tấm lòng chân thành giữa người với người đã khiến ngày Chủ Nhật Đỏ ấm áp và rạng rỡ lạ thường. Bằng sự kiện này, báo Tiền Phong cũng hy vọng sẽ cổ vũ lòng nhân ái, tình yêu thương của đồng bào trong cả nước với phương châm: “Góp sức cho người nghèo, góp máu cho người khổ”. Và thật sự điều ấy đã được lan tỏa trong suốt những mùa Chủ Nhật Đỏ vừa qua và sẽ còn được tiếp nối mãi sau này…

Lớn mạnh theo tháng năm

Mười năm - 10 lần tổ chức, năm sau cao hơn năm trước, đến hết mùa Chủ Nhật Đỏ thứ 9,  hơn 70 ngàn đơn vị máu đã được tiếp vào cơ thể bệnh nhân. Từ một điểm hiến máu duy nhất năm 2009, đến năm 2018 này đã có hơn 60 điểm tiếp nhận máu tại 31 tỉnh thành phố trên cả nước. Tổ chức chương trình này, báo Tiền Phong truyền đi thông điệp: “Là con người, chúng ta muốn chia sẻ nỗi khó khăn của con người. Là cơ quan truyền thông, chúng tôi muốn loan truyền và cổ súy thông điệp nhân đạo Hiến máu cứu người. Chúng tôi coi đó là bổn phận cá nhân và của cơ quan truyền thông”.

Ngày 21/1 tới đây, Chủ Nhật Đỏ lần thứ X diễn ra ngày chính hội, đánh dấu chặng đường tròn thập niên thiện nguyện do báo Tiền Phong khởi xướng. Trên con đường đầy ắp tình nhân ái đó những giọt máu đưa con người trở về từ cõi chết, giúp hồi phục sức khỏe, cũng có nghĩa là đưa niềm vui, niềm hạnh phúc trở lại với biết bao bệnh nhân, biết bao gia đình. Đó thực sự là những giọt máu hồi sinh. Chỉ người trong cuộc mới thấu, Tết đến, là dịp đoàn tụ, có những giọt máu vô danh lưu chuyển trong cơ thể mình, cho mình cơ hội để mỉm cười đoàn viên trong hơi xuân nồng ấm, thì sâu thẳm, giọt máu mang gương mặt trái tim ấy vẫn lên tiếng, rằng có gì lớn hơn sự sống và tình người...

“Chừng đó năm, ám ảnh nhất trong tôi vẫn là hình ảnh người phụ nữ với gương mặt khắc khổ, đôi bàn tay chai sạn, dáng người nhỏ bé gồng mình đạp xe chở 2 sọt rau đến khu vực trước Công viên Thống Nhất, dựa chiếc xe cồng kềnh sát vỉa hè rồi chị dè dặt bước vào hỏi thủ tục đăng ký hiến máu”.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.