Sài Gòn... miễn phí

Sài Gòn... miễn phí
Sài Gòn có những địa chỉ miễn phí ấm áp tình người, nơi mà cánh sinh viên ít tiền có thể được "tiếp sức" trong những ngày cạn túi.

Có những anh thợ học việc của các tiệm cắt tóc ở Sài Gòn lâu lâu lại xách tông-đơ tới ký túc xá hay vào ngõ hẻm cắt tóc miễn phí cho mọi người để "luyện tay".

Những dịp như thế, những cái đầu nam bù xù lại có dịp làm mới, những bạn nữ lại thêm dịp điệu đà mà túi tiền không vơi đi tí nào. Vì mỗi lần đi cắt tóc ở tiệm cũng tới vài chục nghìn đồng - đối với sinh viên (SV) thì số tiền này không hề nhỏ chút nào.

Việc cắt tóc dạo kiểu này vừa giúp cho SV, vừa giúp chính các anh thợ học việc này tiết kiệm tiền bạc. Bởi hằng năm thời trang tóc đều có những mốt mới, thợ cần phải thực hành thì mới cắt đẹp được, trong khi tóc giả để "luyện kéo" thì khá đắt tiền.

Hơn nữa, những SV này sẽ kiêm luôn vai trò quảng cáo cho mốt tóc mới, nhiều bạn bè thấy đẹp sẽ cùng chọn kiểu này.

Rủi vào đợt tóc đã dài quá mà chưa thấy mấy chàng cắt tóc dạo vào ký túc xá thì sao? Một số bạn SV cũng đã "thủ sẵn" trong sổ tay vài địa chỉ cắt tóc miễn phí cho những lúc như thế.

Nhà văn hóa Thanh niên (4 Phạm Ngọc Thạch, Q.1) là một địa chỉ mà nhiều SV có thể ghé qua. Ngay tấm biển giới thiệu chương trình học trước cổng, nhà văn hóa đã giới thiệu rằng ở đây nhận cắt tóc miễn phí, tuy nhiên còn tùy thuộc vào nhu cầu của lớp dạy cắt tóc ở đó.

Riêng các bạn nữ nếu thích thử những kiểu tóc mới mà không mất tiền thì có thể tìm tới Nhà văn hóa Phụ nữ (192 Lý Chính Thắng, Q.3), nhưng cần đăng ký trước.

Còn một địa chỉ cắt tóc miễn phí nữa cũng khá "đông khách", đó là tiệm của Trung tâm Bảo trợ, dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TP.HCM (215 Võ Thị Sáu, Q.3).

Cơm chay ấm lòng

Thời gian gần đây, mỗi ngày hàng trăm thực khách nghèo thường lui tới một tiệm cơm mang tên "Thiện tâm, cơm chay miễn phí" ở dưới chân cầu Lê Văn Sỹ (Q.3). Quán hoạt động bốn ngày trong tuần, do những tình nguyện viên điều hành.

Vừa chống chiếc xe đạp, vừa gạt giọt mồ hôi rịn trên trán, Tuấn Anh - chàng SV hiện đang ở trọ gần đó bước vào quán, tự tay bê lấy cho mình một đĩa cơm nóng hổi.

Tuấn Anh cho hay kể từ khi được bạn bè chỉ cho quán cơm miễn phí này, cậu cũng đỡ lo lắng cho "anh bạn dạ dày" của mình những lúc cuối tháng hết tiền.

"Những khi trong túi dư dả thì mình hạn chế tới đây, còn để dành cơm cho người khác nữa chứ!" - Tuấn Anh cười nói.

Ngoài cánh SV, khách hàng ở đây phần lớn là những người lao động nghèo như người bán trái cây dạo, bán vé số, bán báo...

Vì hoạt động của quán dựa trên tấm lòng thiện nguyện nên những người khách tới đây đều tự tay đi nhận cơm, có người còn tự tay rửa những bát đĩa mà mình vừa ăn xong...

Theo Thanh Niên

MỚI - NÓNG