Săn ảnh trên đỉnh Hoàng Su Phì

Săn ảnh trên đỉnh Hoàng Su Phì
TP - Hết giờ làm việc ngày cuối tuần, nhóm bạn trẻ của trang web: photo.com.vn chung sở thích chụp ảnh rủ nhau lên đường. Họ đã dành trọn 2 ngày nghỉ chỉ để chụp ảnh.
Săn ảnh trên đỉnh Hoàng Su Phì ảnh 1
Lăn xả để có khuôn hình đẹp

Cuộc sống, con người và phong cảnh vùng cao của huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) đã tiếp thêm sự tươi trẻ, yêu đời cho những bạn trẻ đang quá tải vì công việc hàng ngày...

Giải tỏa stress bằng “bắn phá”

Đúng hẹn, chiếc xe 24 chỗ ngồi với 23 lữ khách rời Hà Nội. Chuyến đi được nhiều người hưởng ứng và đăng ký trong thời gian ngắn là vì những bức ảnh đầy hấp dẫn của 4 thành viên khác mang về từ chuyến đi hồi tháng 6, khi các triền núi của Hoàng Su Phì xả nước, cày cấy vào vụ mới.

“Chớ vội hiểu đó là hành vi... phá hoại thiên nhiên, “bắn phá” là từ các tay nhiếp ảnh trẻ gọi vui khi đua nhau... bấm máy. Còn máy ảnh được chúng tôi gọi là súng”- Nguyễn Lê Tùng giải thích.

Tùng là tay máy có tiếng không chỉ lòng đam mê mà việc trang bị máy móc cũng khá công phu, hiện đại. Chiếc máy và ống kính Tùng đang sử dụng nặng nhất trong đoàn, trọng lượng lên tới 3,6kg.

Anh chàng này nổi tiếng trong các chuyến đi không chỉ nhờ có tốc độ “bắn” liên tục (720 kiểu trong vòng chưa đầy 30 phút) mà bởi cả mồm mép cũng “bắn như súng liên thanh” với những câu chuyện tiếu lâm khiến cả đoàn nhiều phen cười nghiêng ngả.

Tùng nói: “Công việc hàng ngày cần sự tập trung cao độ và không tránh khỏi căng thẳng, những chuyến đi như thế này giải tỏa stress cực kỳ hữu hiệu”.

Nguyễn Việt Hùng- “tay hòm chìa khóa” của cả nhóm- thì mô tả: “Công việc của mình cũng bộn bề, thứ Hai ở TPHCM, thứ Ba đi Vũng Tàu, thứ Năm ra Hà Nội với một đống việc chồng chất ở cơ quan để rồi lại thức đêm, thức hôm làm cố cho xong. Cứ nghĩ đến chuyến đi là quên hết mệt mỏi”.

Dù bận rộn đến đâu nhưng mỗi lần bạn bè báo tin: Sắp tổ chức đi chụp ảnh, Nguyễn Thị Hằng đều háo hức chuẩn bị.

Với Hằng, những bức ảnh về quê hương sẽ là món quà quý giá nhất, phần nào giúp cô vơi đi nỗi nhớ Việt Nam khi chặng đường hơn 320 cây số từ Hà Nội lên Hoàng Su Phì gập ghềnh, uốn đèo, lượn dốc dường như chẳng thấm vào đâu so với niềm đam mê của những tay máy trẻ.

Tối đến, họ không hát hò giải trí hoặc lang thang quán xá mà về phòng xem lại những ảnh đã chụp, copy vào máy tính xách tay để chỉnh sửa, cắt cúp, chỉnh màu sắc...    

San sẻ khó khăn với những mảnh đời xa lạ

Hạn chót cho cả đoàn là hết buổi sáng Chủ nhật, chụp ảnh phiên chợ Hoàng Su Phì và trên đường về ghé vào xã Bản Péo chụp những nương lúa chín sắp thu hoạch.

Ngoài máy móc, Nguyễn Thị Hằng lôi ra một túi quần áo rét cô chuẩn bị từ rất lâu để tặng cho những đứa trẻ nghèo không có áo ấm trong mùa đông tới.

Chị Phạm Thu Hường mua nhiều quà, đến đâu chụp ảnh chị cũng phát cho mỗi đứa trẻ một gói kẹo...

Trong lúc các tay máy “đổ bộ” xuống khu chợ nhỏ có diện tích chưa đầy 1km2 giữa trung tâm huyện, Nguyễn Đăng Sơn bỗng thấy một người đàn ông trong chiếc áo cũ mèm, rách rưới.

Do bất đồng ngôn ngữ khiến anh cứ phải cầm tay kéo người đàn ông ấy vào một quầy bán quần áo. Rất may, chị bán hàng biết tiếng Dao, nên một lúc sau người đàn ông hết sợ hãi, vui vẻ cởi chiếc áo cũ để mặc chiếc áo do Sơn mua tặng...

Chẳng ai nói với ai về việc “làm thêm” ngoài kế hoạch cả nhưng người nào cũng có cách chia sẻ và cảm thông với những mảnh đời còn khó khăn ấy.  

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.