Săn… “sinh viên bao”

Săn… “sinh viên bao”
TP - Gần đây giới ăn chơi lắm tiền, đặc biệt là những ông chủ đang dấy lên một thứ mốt mới: Không phải “dế độc” Vertus, cũng không phải xe hơi thời thượng mà là mốt săn “sinh viên bao”.
Săn… “sinh viên bao” ảnh 1

Q vốn là một sinh viên chuyên ngành kinh tế năng động, xinh đẹp, sành điệu và cá tính. Thậm chí, nghe nói Q còn làm đại diện cho một Cty nho nhỏ ở phía Nam khiến chúng bạn mắt tròn mắt dẹt vì khâm phục.

Nhưng mãi sau này người ta mới vỡ lẽ ra rằng chẳng phải cô nàng giỏi giang gì. Đơn giản là vì Q đã có gã bồ giàu có bao hết.

Việc chủ yếu của Q là làm sao cho mình mỗi ngày mang một vẻ đẹp mới, để tay bồ của cô đến đón đi chơi, đi ăn nhà hàng. Hai người đã từng đưa nhau đi chơi xa hàng tuần liền.

Và cứ mỗi lần đi về như vậy bạn bè lại thấy cô nàng có cái mới. Khi thì điện thoại mới, khi thì bộ cánh hàng hiệu đắt tiền… còn tiền thì cô nàng tiêu như phá.

Bạn bè chơi với nhau cả đám nhưng không thân. Một hôm, đột nhiên Q rủ tôi đi uống cà phê nói rằng có việc muốn bàn. Sau một hồi vòng vo, Q rỉ tai tôi: “Tao có người bạn tên T là chủ một doanh nghiệp lớn, giàu có, và rất ga lăng.

Hắn đang buồn và muốn kết bạn với mấy em sinh viên hình thức ngon, ngoan hiền. Tao thấy mày được đấy. Đảm bảo làm bạn với hắn, mày không sợ thiệt đâu…”

Tôi cười trừ và nói nhấm nhẳng: “Sao mày không giới thiệu hắn ta với mấy đứa bạn mày ấy. Tao thấy đứa nào cũng đẹp đẽ và ngoan hiền cả đấy thôi”.

Q giãy nảy: “Trời! Đẹp thì có đẹp nhưng không phải là sinh viên. Phải có cái mác sinh viên thì hắn mới tin và sướng, mày hiểu không?”.

Tối hôm sau trong vai một cô sinh viên ngoan hiền, tôi đến gặp tay bạn của Q theo địa chỉ đã hẹn. Không gian là một quán cà phê yên tĩnh và thơ mộng. Khi tôi đến thì T đã ngồi bệ vệ tại một chiếc bàn kê rất khéo trong khu vực khá kín đáo.

Nhìn bề ngoài T đã toát lên vẻ lịch lãm của một đại gia lắm tiền, nhiều của. Ông ta tự giới thiệu mình là chủ một doanh nghiệp dược trong Sài Gòn.

Câu chuyện mới bắt đầu được vài câu chưa đủ để người ta kịp nhận diện đầy đủ về nhau, thì ông T đã kéo ghế xích lại gần phía tôi và rủ rỉ như rót mật vào tai: “Vừa gặp em, anh đã thích ngay rồi. Em làm bạn tri kỷ với anh nhé!”.

Tôi rụt rè hỏi lại: “Nhưng chúng ta đã hiểu gì về nhau đâu!”. T cười: “Không cần hiểu gì hết, cứ kết bạn với anh là em sẽ hiểu ngay thôi, em sẽ không thiếu thứ gì cả”.

Ông T không úp mở nói với tôi rằng mình làm ăn thường xuyên phải xa nhà, rất cần có người bầu bạn thực sự chứ không muốn tìm nguồn vui ở những chốn ô trọc. Ông T đặt điều kiện phải là sinh viên thực thụ, còn làm sao để ông biết là sinh viên thực thụ thì đã có người quen đảm bảo.

Qua câu chuyện của ông chủ T, tôi hiểu là những người đàn ông tiền rủng rỉnh túi như ông, có thể là thành đạt hoặc thậm chí xài bằng tiền chùa đang săn lùng ráo riết các em sinh viên trẻ đẹp, có chút ít kiến thức càng tốt.

Thứ nhất thì trong thời buổi hàng thật, hàng giả lẫn lộn như bây giờ thì “rau sạch” vẫn hơn. Thứ hai (mà cái này quan trọng hơn cả) là nữ sinh viên trẻ đẹp đang là thứ đồ “trang sức” thời thượng làm đẹp mặt đấng mày râu háo sắc. Đương nhiên với những cám dỗ vật chất như vậy không phải sinh viên nào cũng có đủ bản lĩnh để vượt qua.

Thấy tôi có vẻ ngập ngừng, ông T sấn ngay lại, vừa định “lời nói đi đôi với việc làm” thì chuông điện thoại của tôi đổ vang. Tôi thầm cảm ơn ai đó đã cứu mình và tìm cách rút lui.

Ông T xin số điện thoại của tôi và hỏi ngày gặp lại. Ông hứa sẽ đánh ô tô đưa tôi đi chơi khắp các vùng quê, rằng sẽ đưa tôi đi mua sắm, rằng sẽ đưa tôi đi chọn xe máy…

Khi tình tan chợ

Người ta vẫn thường nói: “Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra” huống hồ chuyện tình cảm. Chuyện tày đình như thế không thể “lấy thúng úp voi”. Vì vậy những nhân vật là sinh viên giấu tên trong bài viết này thực tế đang phải đối mặt với những hậu quả nhãn tiền.

Vì là “sinh viên bao” của các đại gia, trọc phú nên sau một thời gian khi “con ong đã tỏ đường đi lối về”, thì sẽ bị loại bỏ không thương tiếc lúc đó nhan sắc, sức khỏe của những sinh viên có thể bị tàn tạ đến mức thảm hại.

Còn chuyện học hành thì khỏi phải bàn: Môn nọ chồng môn kia, nợ cũ chồng nợ mới. Mà nếu có ra được khỏi trường thì đại bộ phận cũng chỉ là một tấm bằng với cái đầu rỗng tuếch.

Nhiều cô sau những cuộc tình kiểu “già nhân ngãi, non vợ chồng” có muốn cố gắng vớt vát lại cái sự học nhưng không được vì đã trót lỡ một đời sinh viên. 

MỚI - NÓNG