'Săn' sinh viên thực tập

'Săn' sinh viên thực tập
Một cuộc cạnh tranh ráo riết giữa các doanh nghiệp đang diễn ra, nhằm hút về mình những sinh viên (SV) có năng lực ngay từ trước tết, dù sau tết mới là mùa cao điểm thực tập của SV năm cuối...
'Săn' sinh viên thực tập ảnh 1
Sinh viên trong một khóa thực tập tại Công ty Intel Products VN - Ảnh: Tuổi trẻ.

Không chỉ các "đại gia" nước ngoài, năm nay đặc biệt có nhiều công ty Việt nhảy vào cuộc với những chính sách mời gọi hấp dẫn và chuyên nghiệp.

Công ty cổ phần Hoa Sen nhận 20 - 30 SV năm cuối các trường ĐH kinh tế vào thực tập ở các bộ phận chính sách giá cả, vận chuyển hàng hóa, tiền lương, nguồn nhân lực...

Một nhóm năm công ty vừa và nhỏ sẽ tiếp nhận 20 - 25 SV khoa kinh tế ĐH Quốc gia TP.HCM vào làm việc ở các vị trí kinh doanh khác nhau...

"Chào đón SV thực tập"

Quyết liệt nhất là hệ thống các ngân hàng cổ phần đang khao khát nhân lực. Ngân hàng ABBank giương khẩu hiệu "Chào đón SV thực tập" trong hai tháng ở các vị trí quan hệ khách hàng, giao dịch, thanh toán quốc tế, dịch vụ tín dụng, thẩm định giá... tại các chi nhánh khắp cả nước.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn sẽ nhận khá nhiều SV thực tập: 809 người ở khắp cả nước (riêng TP.HCM là 210 người). Ngân hàng này cũng cho biết, sắp tới cần tăng số nhân viên thêm 826 người.

Trong khi đó, các công ty nước ngoài như Intel, P&G, BAT Vietnam... vẫn tiếp tục cuộc đua như mọi năm: săn tìm những SV năm cuối giỏi nhất vào thực tập hay tham dự các chương trình quản trị viên tập sự.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa các công ty nước ngoài với công ty VN là thường tuyển chọn gắt gao hơn: yêu cầu bảng điểm trung bình phải trên 7.0, tiếng Anh trôi chảy, phỏng vấn bằng những bài test phức tạp về ngôn ngữ, số học để chứng minh khả năng tư duy logic..., có lẽ để nhằm bộc lộ rõ ràng năng lực thật sự của từng ứng viên.

Còn Công ty BAT Vietnam nhấn mạnh: "Chúng tôi không chọn thực tập sinh dựa vào bảng điểm ở trường mà tùy khả năng thực tế của từng SV".

Quan trọng là đúng chuyên ngành

Giữa rất nhiều lời mời gọi như vậy, SV phải có sự chọn lựa thật phù hợp với mình. Ai cũng muốn một nơi thực tập thoải mái về thời gian, có thu nhập cao nhưng mục tiêu "tối thượng" là đúng với chuyên ngành mình đang học. Cần phải cẩn thận trước những công ty chỉ thông báo mơ hồ là vào thực tập ở một "vị trí kinh doanh" nào đó.

Hoàng Anh, SV Đại học Kinh tế, kể lại kinh nghiệm "thương đau" của mình: "Năm ngoái, "vị trí kinh doanh" để thực tập của tôi là suốt ngày lang thang ở các công ty khác để tiếp thị sản phẩm. Thật không khác gì đi làm thêm "kiếm cơm" hằng ngày. Dù kiếm thêm được 1,2 triệu đồng bán thời gian, nhưng may mà tôi kịp dứt áo ra đi sớm".

Điều đáng nói là các chương trình thực tập này vẫn chủ yếu nhắm vào các SV kinh tế, kỹ thuật, còn SV khoa học xã hội vẫn đứng ngoài cuộc.

Trong khi đó, hầu hết các công ty nhà nước, các công sở hành chính vẫn giữ nguyên lối tư duy cũ: SV khó xin vào thực tập, hoặc thực tập như là những tay "loong toong" phụ việc trà nước vặt vãnh.

Thực tập chính là một hình thức tuyển dụng nhân viên tuy "cổ điển" mà vẫn khá hiệu quả mà cả SV lẫn doanh nghiệp đều muốn nắm lấy cơ hội trong thời buổi cạnh tranh nhân lực cao gay gắt như hiện nay. Các công ty ngoài việc tạo điều kiện cho SV thực tập còn trả thêm lương dù một tuần SV chỉ thực tập vài buổi hay vài ngày.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mức lương này khoảng 700.000 - 1 triệu đồng/tháng, các "đại gia" thì chi cao hơn: từ 100 USD/tháng tới 2-3 triệu đồng/tháng khi làm quản trị viên tập sự...

Theo Vũ Thanh Bình
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG