Nhà thiết kế thời trang Hà Linh Thư:

Sáng tạo cái riêng để được số đông chấp nhận

Sáng tạo cái riêng để được số đông chấp nhận
 Đang là họa sĩ trình bày của báo Lao Động, Hà Linh Thư âm thầm mở cửa hiệu thời trang Pearl Hà với mục đích ban đầu rất “vớ vẩn”: rảnh rỗi, lại còn trẻ, thời gian không tiêu hết cho việc làm báo thì làm cái gì để thử sức.
Sáng tạo cái riêng để được số đông chấp nhận ảnh 1
Ảnh: Tuổi trẻ

Vậy mà năm năm sau, Pearl Hà đã trở thành một thương hiệu không thể thiếu khi nói về làng thời trang Hà Nội, và “cô chủ nhỏ” đã trở thành “bà chủ hàng VN” duy nhất trưng biển hiệu của mình đầy tự tin ngay tại khách sạn Hilton Opera, nơi chỉ chấp nhận những thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới.

Tuy vậy, Hà Linh Thư chưa hề có một giây nào ảo tưởng về những thành công của mình, nhà thiết kế vốn là cựu sinh viên đồ họa của ĐH Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội này cười một cách hết sức... lo lắng khi được hỏi về công việc hằng ngày và những dự định tương lai:

- Tôi thấy mình chưa làm được gì đáng kể. Một nhà thiết kế chuyên nghiệp một năm cần ít nhất đưa ra được hai bộ sưu tập (xuân - hè và thu - đông), không chỉ là thiết kế ra chúng, đưa vào sản xuất mà còn phải đưa được đến với công chúng và giới chuyên môn trong những show trình diễn ấn tượng, bởi những người mẫu chuyên nghiệp. Nhưng hiện tại chúng tôi mới dừng ở mức thiết kế, còn những phần tiếp theo hoàn toàn phụ thuộc... nhà tài trợ

* Chị nói như thể là chị và các nhà tài trợ có “mâu thuẫn muôn đời” của nghệ sĩ với các ông chủ vậy, trong khi các khán giả của Đẹp Fashion Show còn nhớ rõ Hà Linh Thư đã say mê trang trí cho xe Vespa như thế nào, cũng như đã trình làng sưu tập bộ đen - trắng ấn tượng theo phong cách Ultra ra làm sao? Chẳng lẽ đó không phải là sáng tạo mà chỉ là, xin lỗi chị, vì tiền?

- Tôi không định nói thế, tôi có thể nói mà không hề ngại ngùng là tôi rất cảm ơn các nhà tài trợ. Không biết tôi có phải là ngoại lệ không nhưng cả Vespa và Samsung khi mời tôi tham gia các chương trình của họ chỉ có một yêu cầu: chị làm thế nào cho chị thấy đẹp mà khán giả cũng thấy thích là được. Tất nhiên cũng có yêu cầu riêng biệt, ví dụ như Vespa chỉ yêu cầu vẽ trực tiếp trên thân xe, còn Samsung yêu cầu hai màu đen trắng.Tôi thì cũng không giấu là tôi thích xe Vespa, và quần áo hằng ngày thì cũng thường hai màu cơ bản nên may mà có duyên với nhau, chả phải cố gì.

Mà thật ra năm năm nay từ khi làm thời trang, tôi cũng mới tham gia chương trình có tài trợ vài lần. Nhưng nói thật không phải nhà tài trợ nào cũng thế, việc quẳng ra một cục tiền rồi đòi treo logo to đùng giữa sân khấu hay can thiệp rất thô bạo vào công việc của nhà thiết kế là chuyện... bình thường. Tôi thì chưa gặp, đơn giản là cũng ít ai muốn tài trợ cho tôi, còn các đồng nghiệp thì tôi đã chứng kiến không ít. Tôi vẫn cho rằng công nghiệp thời trang không thể thiếu các nhà tài trợ, nhưng không phải họ giúp đỡ hay ban ơn gì cho chúng tôi mà là dựa vào nhau để cùng đưa sản phẩm đến công chúng.

Sáng tạo cái riêng để được số đông chấp nhận ảnh 2
Một mẫu thiết kế của Pearl Hà - Ảnh: Tuổi trẻ

* Chị đã có ba cửa hàng thời trang ở những vị trí đẹp nhất của Hà Nội cùng với xưởng may riêng, nhưng chị vẫn luôn luôn nói là mình làm ăn cò con và thiếu chuyên nghiệp, liệu đó có phải là một cách cố tình khiêm tốn hay “giả chết bắt quạ” không?

- Tôi thật sự thấy rất lo lắng cho ngành thiết kế thời trang và nhất là cho bản thân. Chúng ta cứ khen ngợi nhau thế thôi, thậm chí tung hô nhau nữa, nhưng chúng ta làm gì đã có cái gọi là công nghiệp thời trang. Không có một nền tảng xã hội, không có quan điểm chính xác, không có một đội ngũ được đào tạo bài bản.

Chúng ta còn đang lẫn lộn một cách rất thường xuyên về thời trang cao cấp và thời trang ứng dụng, lẫn lộn giữa việc đưa ra xu hướng thời trang và việc hoạt động thời trang với tất cả khả năng áp dụng của nó. Thời trang VN bây giờ vẫn còn non trẻ, quá non trẻ, bằng cớ là vẫn có chuyện một ai đó đi trước có khả năng áp đặt được phong cách của mình cho rất nhiều người đi sau.

Ngay như Pearl Hà của tôi, một mặt rất mong được nhiều người biết đến, vì như vậy nghĩa là mình được thừa nhận, là sản phẩm của mình bán chạy, là mình có nhiều tiền hơn; một mặt lại rất sợ có khách hàng lớn. Bây giờ mà nhận một đơn đặt hàng lớn với chỉ khoảng 1.000 sản phẩm là tôi... ngồi khóc rồi. Vì chúng tôi không đủ nhân lực, công nghệ, dây chuyền sản xuất. Chúng tôi không thể đảm bảo có 1.000 sản phẩm đạt tiêu chuẩn tối thiểu đầu tiên là giống nhau 100%, và cũng không dám đảm bảo giao đúng kỳ hạn. Vì chúng tôi vẫn sản xuất thủ công. Thế đấy.

* Vậy chị có thể khuếch trương Pearl Hà với những sản phẩm đơn chiếc, độc nhất vô nhị, với những đơn đặt hàng riêng cơ mà?

- Nhưng ai có thể chỉ giúp tôi những khách hàng nào ở VN chịu mua một sản phẩm đơn chiếc với giá của một tác phẩm nghệ thuật - nghĩa là duy nhất, không lặp lại - nghĩa là rất, rất đắt. Chắc chắn không mấy ai chịu bỏ tiền “phi lý” vậy đâu. Chỉ là tấm áo manh quần thôi mà. Nên thời trang vẫn là sáng tạo riêng của nhà thiết kế, nhưng phải được số đông chấp nhận, không chỉ là mẫu mã mà cả về giá cả nữa.

* Nếu muốn quảng cáo về phong cách của Pearl Hà thật ngắn gọn, chị sẽ nói gì?

- Đơn giản, nhìn thật kỹ sẽ thấy rất điệu, kỹ hơn nữa sẽ thấy hơi sexy. Và rất nữ tính, tất nhiên.

* Một câu hỏi riêng tư: tại sao lại là Pearl Hà?

- Ngày mở cửa hàng, tôi lên nhà GS Bùi Phụng, thầy dạy tiếng Anh của tôi, để xin chữ. Tôi muốn lấy họ của tôi - họ Hà. Vậy là thầy đặt là Pearl Hà - nghĩa là dòng sông châu báu. Chắc là thầy mong tôi sau này giàu có hay sao ấy. Nói vậy chứ tôi biết thầy thông kim bác cổ, am hiểu cả văn hóa phương Đông và phương Tây. Thầy muốn tôi có những bộ trang phục đẹp mà người ngoại quốc hay VN mặc vào cũng thấy được nâng niu như châu, như ngọc. Có lẽ thế mà tôi cũng mong được như thế.

Theo Thu Hà
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG
Thúy Diễm lo ngại về Hồng Diễm
Thúy Diễm lo ngại về Hồng Diễm
TPO - Khác với nhiều phân cảnh căng thẳng, đấu đá trên phim "Trạm cứu hộ trái tim", diễn viên Thúy Diễm (vai Mỹ Đình) cho biết hậu trường quay phim luôn tràn ngập tiếng cười. Nữ diễn viên cũng tiết lộ người người hay bày trò nhất lại là người có vai diễn trầm nhất.