Gương mặt Giải thưởng 26/3:

Sáng tạo, cống hiến và sẻ chia

Sáng tạo, cống hiến và sẻ chia
TP - Họ đã vượt lên trở thành gương sáng thu hút và tập hợp hàng nghìn thanh niên đi theo Đoàn. Họ là cán bộ Đoàn trẻ tuổi thế hệ 7X, 8X và dễ nhận thấy nhất từ những gương mặt nhận Giải thưởng 26/3 này là say mê với công tác Đoàn!
Sáng tạo, cống hiến và sẻ chia ảnh 1
Tri Thức (Thứ hai từ trái sang)

Nguyễn Hữu Thuần Anh - Nữ Bí thư đầu tiên và trẻ nhất ĐH Huế

Sáng tạo, cống hiến và sẻ chia ảnh 2
Thuần Anh

“Con gái chi mà say sưa đi tối ngày rứa? Đáng lẽ o nớ phải ở nhà mà lo chuyện cơm nước, gia đình chứ...”. Biết bao lời trách móc của nhiều người mỗi khi nhắc tới Nguyễn Hữu Thuần Anh (sinh năm 1982)– nữ Bí thư Đoàn trường đầu tiên và trẻ nhất của ĐH Khoa học Huế, kiêm Phó Chủ tịch Hội Sinh viên ĐH Huế.

Ngoài công tác Đoàn, Thuần Anh là giảng viên bộ môn Công nghệ sinh học, Khoa Sinh học. Trong quan niệm của nhiều người xứ Cố đô, con gái phải nhu mì và coi trọng nhất là việc nhà, nội trợ. Bởi thế, phụ nữ mà tham gia công tác xã hội hoặc công việc đoàn thể sẽ coi là...không bình thường! Đối với nữ Bí thư Thuần Anh không ngoại lệ. Và sức ép này khiến cô gái mảnh dẻ phải chịu suốt 11 năm gắn bó với công tác Đoàn, tính từ năm 1997 khi cô còn là học sinh phổ thông.

Nữ cán bộ Đoàn 8X, chia sẻ: “Con gái Huế thường buổi tối 8 – 9 giờ đã có mặt ở nhà rồi nhưng làm công tác Đoàn với nhiều phong trào có khi phải đi sớm về khuya hơn. Nhiều lúc áp lực công việc quá nhiều bởi vừa giảng dạy, vừa làm công tác Đoàn và Hội Sinh viên trong khi tiếng xì xèo của nhiều người... khiến em cũng băn khoăn.

Nhưng lúc ấy, sự động viên của gia đình, các em SV luôn ở bên cạnh hỗ trợ và thấy mình còn có thể mang lại nhiều việc có ích cho các bạn trẻ, em lại cố gắng vượt điều tiếng và áp lực ấy để trụ lại với Đoàn”.

Niềm an ủi lớn nhất mà Thuần Anh có được là hiệu quả của các phong trào, các công việc mà cô góp phần mang lại như: Tổ chức giao lưu SV ĐH Huế với 3 Bộ trưởng về công nghệ thông tin, chương trình Tiếp sức mùa thi, Chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè, các chương trình văn hóa gây quỹ hỗ trợ SV...

Say sưa với công tác giảng dạy, nghiên cứu, đam mê việc của Đoàn và giành rất nhiều giải thưởng nhưng Sao Tháng Giêng năm 2002 (một giải thưởng của T.Ư Đoàn, Hội SVVN dành cho sinh viên xuất sắc) Thuần Anh bẽn lẽn khi nhắc tới chuyện tình duyên: “Có lẽ em đợi đến...hết tuổi Đoàn mới nghĩ cho mình được!”.

Nguyễn Tri Thức - Bác sĩ và chiến sĩ tình nguyện

Giải thưởng 26/3 của T.Ư Đoàn(Báo Tiền phong vinh dự là đơn vị cung cấp kinh phí) được tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh những cán bộ Đoàn cấp cơ sở có nhiều đóng góp nổi bật không chỉ với công tác Đoàn mà còn xung kích trong phát triển kinh tế, xã hội, giải quyết việc làm cho nhiều thanh niên...

Đây là năm thứ ba Giải thưởng được tổ chức và số cán bộ Đoàn được trao Giải hàng năm bằng đúng số năm kỷ niệm thành lập Đoàn. Đến nay đã có 228 bí thư Đoàn cấp cơ sở vinh dự được nhận Giải thưởng này. 

Nhắc tới bác sĩ Nguyễn Tri Thức, sinh năm 1973 (Khoa Tim mạch, BV Chợ Rẫy TP HCM) nhiều bệnh nhân thầm tự hào và cám ơn về người cán bộ Đoàn mang 2 sắc áo blu trắng và áo xanh tình nguyện.

Với cương vị là Bí thư Đoàn của BV, anh Thức đã chủ trì soạn thảo 7 tiêu chí rèn luyện đoàn viên theo đặc thù của ngành y, trong đó nhấn mạnh việc thực hiện y đức. BV Chợ Rẫy lập ra đơn vị Y xã hội học và hàng tháng, cán bộ y, bác sĩ đóng góp 1 ngày lương vào quỹ này.

Đồng thời, tại mỗi khoa có 1 bác sĩ thực hiện công việc này để biết được bệnh nhân nào gặp khó khăn nhất đang điều trị trong khoa để hỗ trợ và số tiền, quà làm từ thiện cũng được trích từ quỹ này.

Điều đáng mừng là trong các phần việc chung của bệnh viện, lãnh đạo thường giao cho Đoàn thanh niên tổ chức thực hiện và thành phần tham gia không chỉ là đoàn viên mà tất cả y, bác sĩ, nhiều người đã 50, 60 tuổi cũng nhiệt tình tham gia. BV Chợ Rẫy đã tổ chức được 42.000 lượt khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo và cấp phát thuốc với số tiền 2,4 tỷ từ quỹ 1 ngày lương.

Là bác sĩ điều trị nội khoa Tim mạch, Thức cùng với bác sĩ Chủ nhiệm khoa thực hiện nghiên cứu kéo dài về biến chứng sớm và muộn trên bệnh nhân đặt máy tạo nhịp tạm thời và vĩnh viễn tại bệnh viện suốt từ năm 2000 đến 2006.

Trong máy tạo nhịp tim có 2 loại là tạm thời và vĩnh viễn được đặt vào cơ thể bệnh nhân sẽ gây những biến chứng có thể dẫn tới tử vong như: rối loạn nhịp tim, xúc dây điện cực, nhiễm trùng... Sau 6 năm nghiên cứu, Thức làm thống kê những biến chứng nào hay gặp nhiều nhất, kiên trì tìm nguyên nhân để tránh tối đa biến chứng cho bệnh nhân.

Từ nghiên cứu này, người cán bộ Đoàn là bác sĩ đã  cứu sống được nhiều bệnh nhân thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Nguyễn Tri Thức nhận nhiều bằng khen của TP HCM và T.Ư Đoàn về thành tích chăm sóc bệnh nhân nghèo và tham gia tổ chức tốt chiến dịch Kỳ nghỉ hồng, Mùa hè xanh...

Nguyễn Thị Xuân Hiếu - Mỗi năm hiến máu 3 lần!

Sáng tạo, cống hiến và sẻ chia ảnh 3
Xuân Hiếu

Nhìn vóc người thấp nhỏ của Nguyễn Thị Xuân Hiếu, sinh năm 1983 – Bí thư Đoàn phường 8 (thị xã Bến Tre, Bến Tre) ít ai nghĩ cô là cán bộ Đoàn hăng hái và xông xáo.

Là Bí thư Đoàn ở một phường còn gặp nhiều khó khăn nhưng Hiếu thành lập CLB thanh thiếu nhi cộng đồng giúp đỡ các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để giúp đỡ. Cô đôn đáo vận động hàng trăm phần quà tặng các em nhỏ nhân dịp Tết Trung thu, Tết thiếu nhi 1/6 hàng năm.

Ít khi nghĩ mình là thân con gái, Hiếu tích cực tham gia đội thanh niên xung kích (thuộc Tiểu đoàn TNXK thị xã Bến Tre) thực hiện nhiều công trình thanh niên như nạo vét kênh rạch, đào đất đắp đường, vệ sinh các tuyến đường trọng điểm...

Nhưng thành tích mà ai cũng nhắc đến Hiếu với sự thán phục là từ năm 2003 đến nay cô đã 17 lần hiến máu (trung bình mỗi năm 3 lần)! “Từ nhỏ em đã sợ kim tiêm, uống thuốc lắm nhưng mỗi lần tổ chức phát động hiến máu cứu người, em không thể vì cảm giác sợ hãi mà lùi bước.

Năm 20 tuổi, lần đầu tiên cho máu, em sợ đến nỗi tim đập thật mạnh, mắt nhắm nghiền không dám nhìn vào kim tiêm. Các cô chú thấy vậy nắm chặt tay động viên và thế là chẳng có gì phải sợ nữa. Thế rồi, cứ mỗi năm em lại hiến máu 2 – 3 lần” - Hiếu bộc bạch.

Và cảm giác lần đầu cho máu được Hiếu rủ rỉ tâm sự đến hàng trăm đoàn viên trong các cuộc vận động của Đoàn. Đến nay Hiếu đã thành lập được tổ hiến máu dự bị với 15 bạn trẻ và 7 bạn tham gia hiến máu thường xuyên  - Đây là “ngân hàng máu” lưu động nổi tiếng ở thị xã Bến Tre.

Nguyễn Đức Phước - Sống cùng thanh niên Rắc - lây

Sáng tạo, cống hiến và sẻ chia ảnh 4
Đức Phước

Làm cán bộ Đoàn ở xã vùng sâu, vùng khó khăn Vĩnh Hải (Ninh Hải, Ninh Thuận, anh Nguyễn Đức Phước (sinh năm 1976) - Bí thư Đoàn xã ngấm không còn xa lạ gì với những lần quốc bộ gần chục cây số đến với thanh niên. Xã Vĩnh Hải có 5 thôn, trong đó có 2 thôn là người dân tộc Rắc-lây.

Việc đi lại giữa các thôn ở xã vùng sâu này hết sức khó khăn trong chưa thôn nào mắc điện thoại. Mỗi lần vận động hay phổ biến các chủ trương, chính sách anh Phước phải lặn lội đến từng thôn.

Nhiều đoạn đường không thể đi bằng xe máy nên anh phải đi bộ đến gần chục cây số chưa kể xách theo túi quà gồm bánh, kẹo, chè... đến lai rai mở đầu câu chuyện. “Đến với thanh niên dân tộc nói riêng và người dân tộc nói chung thì nói gì phải làm nấy.

Bởi thế, cán bộ Đoàn phải thật gương mẫu từ giờ họp cho đến việc thực hiện những chương trình đã đề ra” – Anh Phước tâm sự.

Vậy làm thế nào khi ngân sách cấp cho hoạt động Đoàn của xã chỉ có 2 triệu/năm, số tiền chưa đủ tổ chức vài chương trình, cuộc thi? Anh Phước đã tìm đến sự giúp đỡ của bà con dân bản.

Mỗi lần tổ chức chương trình, mình nêu những phần việc cần được hỗ trợ, vậy là các cô, bác, anh chị mỗi người đóng góp một chút, cũng có khi mình phải ứng tiền gia đình cho các hoạt động của Đoàn. Hầu hết những buổi sinh hoạt Đoàn đều được tổ chức vào buổi tối và số lượng ĐVTN tham dự đông đủ và đúng giờ là nhờ uy tín của người cán bộ Đoàn tận tâm với công việc.

Bí quyết thu hút và tập hợp thanh niên của anh Phước thật đơn giản: Phải sống cùng và chia sẻ cùng thanh niên, đặc biệt là với thanh niên dân tộc thì họ mới tin và làm theo.  

MỚI - NÓNG