Sáng tạo phải có đóng góp cho xã hội

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong phát biểu tại hội nghị Ban Thường vụ T.Ư Đoàn lần thứ 2 khóa XI. Ảnh: H.H
Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong phát biểu tại hội nghị Ban Thường vụ T.Ư Đoàn lần thứ 2 khóa XI. Ảnh: H.H
TP - “Để trở thành điểm sáng trong sáng tạo của tuổi trẻ thì phải có kết quả vượt trội, có sự chuyển biến thật sự tích cực, mang lại hiệu quả cả về mặt phong trào và về mặt đóng góp cho xã hội”, anh Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, nhấn mạnh.

Trong 2 ngày (7&8/4), tại Cần Thơ, Ban Thường vụ T.Ư Đoàn họp hội nghị lần thứ 2 khóa XI tập trung thảo luận các vấn đề quan trọng trong dự thảo đề án tuổi trẻ sáng tạo, giai đoạn 2018 - 2022.

 Đổi mới trong sáng tạo

Anh Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, cho biết, phong trào tuổi trẻ sáng tạo trong thời gian qua có sự đóng góp khá lớn của tổ chức Đoàn và được xã hội công nhận. “Chúng ta duy trì nhiều năm có kết quả, có con người và sản phẩm cụ thể. Đồng thời, ý thức triển khai phong trào này chúng ta làm khá ổn. Đặc biệt là các đối tượng có tiềm năng, thế mạnh như sinh viên, học sinh, thanh niên công nhân có sáng kiến đổi mới quy trình nâng cao chất lượng lao động”, anh Phong nói.

Theo anh Phong, hầu hết các chi đoàn đều đặt tiêu chí là phải đổi mới, tính sáng tạo, hiệu quả trong câu chuyện của mình từ các giải thưởng cho cán bộ viên chức, thanh niên công nhân, cán bộ đoàn là giải thưởng Lý Tự Trọng, Lương Định Của... “Chúng ta yêu cầu phải có sự đổi mới của những đối tượng được tuyên dương, yêu cầu phải sáng tạo hơn nữa. Đây cũng là một trong những tiêu chí tất yếu phải có”, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn nhấn mạnh.

Anh Phạm Hồng Sơn, Bí thư Thành Đoàn TPHCM, cho biết, trong tổ chức hoạt động phong trào, cán bộ đoàn phải là người đầu tiên có tư duy tiếp cận và thay đổi trước, tạo nên hướng đi trong các hoạt động. Đồng thời, tạo ra môi trường, đưa ra giải pháp mang tính chất động lực để thanh thiếu nhi có thể phát huy sáng tạo một cách tốt nhất. Theo anh Sơn, muốn phát triển, phải có cơ chế cụ thể, chuyện này các tỉnh, thành đoàn không làm một mình được, nhưng có thể kí kết với các sở ban ngành để tạo nguồn kinh phí, giúp phát triển các ý tưởng.

Anh Nguyễn Văn Vũ Minh, Bí thư Tỉnh Đoàn Đồng Tháp, cho rằng, điều quan trọng nhất là nâng cao nhận thức sáng tạo trong thanh thiếu nhi. Tuy nhiên, về các cán bộ đoàn, nếu không đổi mới, không đủ nhận thức về việc sáng tạo thì khó có thể tạo ra nhiều câu chuyện sáng tạo khác cho thanh thiếu nhi. Theo anh Minh, muốn sáng tạo, trong giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức để tiếp nhận ý tưởng sáng tạo, cần phải nhận diện được tình hình, gợi mở các vấn đề cần giải quyết, đặt hàng những ý tưởng sáng tạo trong thanh thiếu nhi. “Nếu chúng ta không gợi mở được nội dung thì tôi thấy cứ đặt ra vấn đề sáng tạo mà không biết được đâu là khả năng nhận diện giải quyết vấn đề của thanh niên thì rất khó”, anh Minh nói.

Phải xã hội hóa

Chị Nguyễn Thị Thu Vân, Trưởng Ban Đoàn kết tập hợp thanh niên T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Hội LHTN Việt Nam, cho rằng, hạn chế hiện nay là nhận thức cán bộ đoàn, của người trẻ về tuổi trẻ sáng tạo còn khá e dè. Hơn nữa, việc đổi mới sáng tạo trong thanh niên còn hạn chế, cùng với đó là cơ chế ứng dụng sáng chế chưa tốt. Chị Vân cho rằng, cần có giải pháp khuyến khích xây dựng kĩ năng, tư duy sáng tạo. Đồng thời, phối hợp bộ ngành, doanh nghiệp ứng dụng được vào thực tiễn để thanh niên có động lực sáng tạo nhiều hơn.

“Tôi nghĩ chúng ta nên thoát ra các phong trào nhánh. Ví dụ, với nông thôn thì không cần gắn nông thôn mới và văn minh đô thị mà chúng ta cần đưa ra giải pháp riêng cho phong trào sáng tạo trẻ này vì phong trào nông thôn mới và văn minh đô thị đã làm rồi, họ sẽ có sự chủ quan căn cứ vào hai phong trào trên”, anh Trần Hữu, Bí thư Đoàn Khối các cơ quan Trung ương, đề xuất. Anh Hữu cho rằng, không cần đẩy mạnh gắn với nông thôn mới và văn minh đô thị vì sáng tạo là môi trường thoải mái nhất, tư duy tư tưởng thoải mái nhất. “Nếu bây giờ sáng tạo trẻ chỉ căn cứ vào một tiêu chí thì khó sáng tạo”, anh Hữu nói.

 Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong nhấn mạnh, năm 2018, sáng tạo sẽ là điểm sáng của tuổi trẻ Việt Nam. Để trở thành điểm sáng, phải có kết quả vượt trội, phải có những sự chuyển biến thật sự tích cực, mang lại hiệu quả cả về mặt phong trào và đóng góp cho xã hội, đóng góp cho sự phát triển của các đơn vị. “Chúng ta không cần phải băn khoăn về việc chọn vấn đề này có phải là vấn đề lấn cấn trong tư duy, nhận thức hay không. Ví dụ như cuộc cách mạng công nghệ 4.0, quá trình phát triển đất nước, công nghiệp hóa – hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, khởi nghiệp sáng tạo... Tất cả mọi thứ về không gian, điều kiện, bối cảnh đều hội tụ để chúng ta đủ điều kiện làm nhanh vấn đề này, nếu không chúng ta sẽ chậm”, anh Phong nói.

“Nếu tuổi trẻ mà không sáng tạo nữa thì nói lực lượng nào sáng tạo đây. Chúng ta chiếm ¼ dân số, nếu ngần ấy dân số này mà sáng tạo tốt, hiệu quả tốt thì giá trị đầu người phát triển sẽ rất cao”, anh Phong nhấn mạnh.

Theo anh Phong, về nguồn lực để hỗ trợ, không thể dựa hết vào ngân sách, không thể dựa hết vào nguồn lực của các bộ ngành, các đơn vị có liên quan mà phải vận động xã hội hóa. “Nguồn xã hội hóa để triển khai các mục tiêu đề án, chứ không phải duyệt đề án để kiếm tiền trong ngân sách. Do đó, tôi đề nghị thống nhất quan điểm là phải có nhiều giải pháp rộng hơn và đòi hỏi sự vận động. Tất nhiên, mục tiêu cuối cùng chúng ta mong muốn là có cơ chế, có điều kiện để làm, nhưng điều đó không có nghĩa là phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn thu từ ngân sách”, anh Phong nói.

Đề án Thúc đẩy hoạt động sáng tạo trong thanh thiếu nhi giai đoạn 2018 – 2022 được Ban Thường vụ T.Ư Đoàn tập trung 4 nhóm giải pháp chính, gồm: Thứ nhất, nâng cao nhận thức của thanh thiếu nhi về sáng tạo; thứ hai, tạo môi trường cho thanh thiếu nhi phát huy phẩm chất sáng tạo; thứ ba, các cấp bộ đoàn phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục tham mưu hoàn thiện các cơ chế, chính sách; thứ tư, rà soát, nâng cao chất lượng các hoạt động biểu dương, tôn vinh, khen thưởng.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.