Sáng tạo trong cách ly

Hoa hậu Hoàn vũ Khánh Vân cổ vũ thanh niên ở nhà để chống dịch
Hoa hậu Hoàn vũ Khánh Vân cổ vũ thanh niên ở nhà để chống dịch
TP - Giới trẻ tích cực lần nữa chứng tỏ khả năng thích nghi của mình khi liên tiếp tạo ra những trend tận hưởng cuộc sống ở phạm vi mấy chục mét vuông trong thời gian khuyến cáo để tránh dịch.

Ngay sau khi các y bác sĩ trên toàn thế giới lan truyền thông điệp “Chúng tôi đi làm vì bạn, xin hãy ở nhà vì chúng tôi”, phong trào “ở nhà chống dịch” và “Cô Vy đi đi” trong một bộ phận lớp trẻ đã chính thức khởi động. Những người xưa nay được xếp vào nhóm: năng động, thừa năng lượng, ưa di chuyển, xê dịch, thích bay nhảy, hẹn hò... đồng loạt rủ nhau gác hết mọi hoạt động thu về trong “căn phòng riêng” ở nhà. Chỉ trong một thời gian ngắn, chính những người này lần lượt tìm (tạo) ra và lan tỏa hàng loạt hoạt động thú vị khi bị bó chân trong một không gian hẹp.

Sáng tạo trong cách ly ảnh 1

Các bác sĩ Việt Nam lan tỏa thông điệp “chúng tôi đi làm vì bạn, bạn ở nhà vì chúng tôi”

Niềm vui điền viên

Trò vui này bắt đầu từ một nhóm du học sinh Pháp. Nguyễn Quỳnh Hương (hiện đang cách ly tại Lyon) cho biết: “Nước Pháp hiện tại đang trong giai đoạn phong tỏa toàn quốc để chống lại đại dịch COVID-19. Ngày 24/3, Bộ trưởng Nông nghiệp Didier Guillaume đã kêu gọi những người đang cách ly “không có việc gì làm” ra đồng giúp nông dân thu hoạch nông sản, bởi hiện tại nước Pháp đang thiếu nhân công cho những việc này. Dĩ nhiên, những người tham gia đều sẽ được trả tiền. Thấy lời kêu gọi này hay quá, tôi mới lập ra nhóm “Tự túc là hạnh phúc” kêu gọi bạn bè cùng tham gia”.

Theo đó, tất cả các phương pháp sinh tồn và “tự sản xuất” ở mức độ đơn giản đều được các thành viên chia sẻ rộng rãi. Cuộc chơi này sau đó lan tỏa ra cả cộng đồng nói tiếng Anh và tiếng Đức.

Phạm Anh Quân (du học sinh tại Anh) chia sẻ: “Vì trong lúc cách ly vừa hoang mang vừa buồn chán, đầu tiên mình gia nhập nhóm chỉ để nói chuyện chia sẻ thôi, sau lại học được rất nhiều kinh nghiệm sống. Ví dụ, mình học được cách ủ giá đỗ bằng vỏ hộp sữa để cung cấp thêm rau xanh cho bữa ăn. Hết đậu xanh, thấy trong tủ còn đậu đen mẹ gửi cũng đem làm giá nốt. Rồi mình học được cách làm những món “vét tủ lạnh”, đại ý là tận dụng thực phẩm không bỏ sót thứ gì. Toàn những việc trước đây không hề để ý, giờ thấy quan trọng quá”.

Nhom tự túc, điền viên này chủ yếu dạy nhau “không phụ thuộc mì tôm” khi nhà ăn đóng cửa và để thoát khỏi phụ thuộc vào đồ ăn nhanh. Thanh Celeb sau vài đêm bỗng thành KOL của nhóm khi liên tục sáng tạo ra những công thức “sống còn với nồi cơm điện” như: làm cơm gà trong một thao tác, cháo ngũ cốc giữ eo, xôi vò vi-na-pháp... “Thật là, vừa tìm được nguồn vui, lại bồi bổ sức khỏe khi tham gia nhóm này” (Huy Soi Même). “Hôm qua gửi cái ảnh cơm gà về nhà, u mình bảo, thôi cứ yên tâm ở đấy con ạ, nấu ăn thế là đủ sống rồi” (Trà Nguyễn)...

Để “tạo công ăn việc làm” cho các thành viên, một số admin khéo tay còn làm mẫu và kêu gọi mỗi người tham gia trồng một vài cái cây để “vực tinh thần”. Điều thú vị là hầu hết “cây xanh” được trồng trong nhóm đều tận dụng từ hạt, gốc... của rau ăn lá. Lần lượt có người khoe “cây bơ”, “cây dứa”, “cây hành, cần tây”, “cây cà chua”... với những tiến triển không thể nhìn bằng mắt nhưng “quan trọng gì, vui là được”.

Vitamin cho tinh thần

Sáng tạo trong cách ly ảnh 2 Tranh thủ học chơi một nhạc cụ mới

Rất nhiều thanh niên đang đi đầu trong việc tận dụng những ngày nghỉ bất đắc dĩ để học thêm ngoại ngữ, tập chơi thêm nhạc cụ hay tìm hiểu thêm những kiến thức mới.

Blogger Thủy Nguyễn hiện đang thực hiện cách ly tại Úc kể: “Không được đi ra ngoài, shopping cũng chả có gì mà mua. Nước Úc đang trong những ngày hết sức bi đát. Tôi quẫn quá, lên mạng đặt một cái guitar về mày mò tập theo youtube. Một tuần đầu đau tay khủng khiếp, chỉ muốn bỏ. Nhưng qua được đoạn này thì khá hơn. Mỗi ngày có thể ngồi học ba bốn giờ mà không chán. Xưa đi làm tối ngày làm gì có thời gian”.

“Trước đây, khi hộ tống một bà bác về hưu đi tập, tôi đã ao ước mình có những ngày rảnh rỗi chỉ để dành cho việc ve vuốt bản thân như vậy. Nay nhờ Cô Vy, sáng tôi tập chạy bộ, trưa cày phim, chiều đắp mặt nạ. Mới nghỉ ở nhà hai tuần mà da tôi sáng lên mấy tông. Tóm lại, không có gì phải phàn nàn về kỳ nghỉ bất đắc dĩ này cả”. Hoàng Minh Thùy - Công ty tư vấn du học CFV chia sẻ.

“Mỗi ngày làm việc online 4 tiếng, thời gian còn lại tôi dành cả cho việc chế mặt nạ và làm mỹ phẩm thiên nhiên. Trong bếp có gì tôi mang thử nấy. Cà chua, dưa chuột, củ đậu, cần tây... Hết thử cho mình lại bắt mẹ và em gái thử cùng. Tuy không ra đường nhưng cũng không cảm thấy buồn bã gì lắm”. Nick Tôi là Hương (ở nhà là Hường) cho biết.

Kiến trúc sư Nguyễn Thanh Tùng (TP Hồ Chí Minh) cho biết, anh dành hầu hết thời gian ở nhà để đọc sách. “Tôi đang đọc cuốn “Đinh trang mộng” của Diêm Liên Khoa. Những hậu quả của dịch bệnh đang diễn ra trên toàn thế giới đã được tác giả dự đoán chính xác đến mức khiến người đọc giật mình”, anh kể.

Có lẽ bởi vì phù hợp, những hội nhóm dành cho người đọc và các “kẻ mê sách” lần lượt nở rộ trên mạng xã hội thời gian gần đây. Không gì có thể “giết thời gian” và yên tĩnh cho bằng một cuốn sách. Một đại diện của Tiki (trang thương mại điện tử về sách gần như lớn nhất hiện nay) cho biết: “tất cả các hạng mục hàng hóa khác đều sụt giảm, riêng sách có dấu hiệu nhích lên. Chúng tôi cũng tạo ra nhiều đợt giảm giá, khuyến mại để thu hút thêm khách hàng. Và cho dù là dịch bệnh, phương án chuyển hàng sau 2h đặt của Tiki vẫn được duy trì”.

Trong các hội nhóm của người đọc, thường xuyên xuất hiện rất nhiều bài điểm sách mới. Việt Thanh (admin của trang Bookaholic) cho biết: “Mọi người cùng lúc được giãn việc nên có nhiều thời gian để đọc và viết. Trước đây trung bình một tuần chúng tôi có 6-7 bài review thì giờ số lượng tăng lên gấp ba. Mọi người cũng tạo ra những hội đổi sách rất xôm. May mà vẫn còn những shiper nhận làm công việc này”.

Để việc ở nhà không nhàm chán, rất nhiều nhạc sĩ, ca sĩ đã mở các khóa “dạy nhạc miễn phí” hoặc “hát theo yêu cầu trực tuyến” như Lê Hùng Phong, Mỹ Linh, Tuấn Hưng...

“Tranh thủ lúc rảnh tôi học thêm một khóa beatbox, rất thú vị”. Lê Minh Hà (Hàng Bông, Hà Nội) hào hứng kể. Du học sinh này cũng cho biết, anh và nhóm bạn được nghỉ học kỳ này đã lên kế hoạch sẽ tham quan trực tuyến một số bảo tàng nghệ thuật đang phục vụ miễn phí trong mùa COVID-19. Hà khuyên bạn đọc của TPCN nên vào Google Arts & Culture - một địa chỉ giống như một bảo tàng lớn trực tuyến, nơi mọi người có thể truy cập và xem miễn phí các tác phẩm nghệ thuật với những hình ảnh có độ phân giải rất cao. Google Arts & Culture hiện đã liên kết với khoảng 150 viện bảo tàng, phòng triển lãm và tổ chức nghệ thuật có uy tín nhất trên thế giới, chẳng hạn như Tate Gallery ở Luân Đôn; Viện bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan của New York, Rijksmuseum của Hà Lan hay là Bảo tàng Hermitage ở thành phố Saint Petersburg, Nga, Bảo tàng Nghệ thuật Hồng Kông, Trung tâm văn hóa Beaubourg tại thủ đô Madrid...

Giữ kết nối với thế giới

Nói đi cũng phải nói lại, đối với một số người việc tự nhiên phải hạn chế đi lại, gặp gỡ... không gây ức chế gì, song đối với một số khác, việc này có chút khó khăn.

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Mai Hoa cho biết: “Nghỉ dịch tôi lại có bệnh nhân cần tư vấn vì quá stress khi ở nhà mãi. Đa phần là người trẻ, những người hướng ngoại và ưa hoạt động. Nhịp sống thay đổi bất ngờ khiến họ không kịp thích nghi. Một số khác phiền nhiễu vì cuộc sống cá nhân bị nhìn ngó khi cả nhà cùng phải sinh hoạt trong một không gian hẹp. Trầm cảm vì áp lực công việc cũng có khi họ vừa phải hoàn thành deadline vừa phải trông con và làm việc nhà”.

Đa số các ca tư vấn của Tiến sĩ Mai Hoa trong giai đoạn này là trực tuyến. Chị khẳng định: “Tôi nói với khách hàng của mình, việc bạn khó thích nghi hay cảm thấy không ổn khi đột ngột phải ở nhà 24/24 là hoàn toàn bình thường. Cho nên, không việc gì phải bấn lên khi cả xã hội “tận hưởng kỳ nghỉ dài”. Đây là phản ứng bình thường trước những xáo trộn của cuộc sống. Khi nhịp điệu sinh hoạt trở lại bình thường, các trạng thái tâm lý tiêu cực này cũng sẽ từ từ ổn định lại”.

Chị Hoa cũng khuyên các cá nhân “đang cảm thấy tù túng”: chỉ cần giữ khoảng cách vật lý với mọi người để phòng bệnh, mà không cần giữ khoảng cách về giao tiếp. Bạn có rất nhiều cách kết nối với thế giới để cân bằng cảm xúc, nhất là trong thời đại 4.0 như hiện nay. Nói chuyện online, điện thoại, chat, ghi âm giọng nói, hát, kể chuyện, thậm chí than vãn... với bạn bè, người thân đều được, miễn việc đó làm bạn cảm thấy khá hơn!

MỚI - NÓNG