Sát cánh với dân trong hoạn nạn

Sát cánh với dân trong hoạn nạn
TP - “Nơi nào khó có thanh niên”, với tinh thần ấy, thanh niên cả nước chung tay khắc phục hậu quả bão lũ. Từ miền Nam ra miền Bắc, tình nguyện viên cùng hướng tới bà con vùng lũ, mong chuyển từng bao gạo, thùng mì cùng tấm chân tình để san sẻ bớt khó khăn với người dân nơi đây.

> Người trẻ viết tiếp câu chuyện đất nước
>Chàng thủ khoa 8X đa tài

Trực bão 24/24h

Ngay khi nghe tin bão số 14 sẽ đổ bộ vào Quảng Ninh, tỉnh Đoàn Quảng Ninh đã chỉ đạo 19 cơ sở Đoàn trực thuộc và 186 phường, xã lập đội thanh niên tình nguyện trực bão. Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Ninh Lý Văn Thành cho biết: “Mỗi đội thanh niên tình nguyện trực bão gồm 10-20 người. Trước bão, thanh niên tình nguyện giúp bà con neo đậu tàu thuyền, bảo vệ nhà cửa, di dời tài sản và người dân đến nơi an toàn, đặc biệt là người dân ở các khu vực huyện Ba Chẽ, Đầm Hà. Tối 10/11, tỉnh Đoàn đã chỉ đạo các đội tình nguyện trực bão 24/24. Ngay sau khi bão đổ vào, gây một số thiệt hại cho người dân, đoàn viên thanh niên đã tham gia khắc phục hậu quả tại chỗ, giúp người dân lợp mái nhà, dọn cành cây đổ gẫy trên đường”.

Anh Lý Văn Thành cũng cho biết, một số nhà dân ở huyện Tiên Yên bị ngập, đoàn viên thanh niên đã có mặt kịp thời để di chuyển người và của đến nơi an toàn. Đồng thời Tỉnh Đoàn đã huy động một lực lượng lớn đoàn viên thanh niên gia cố các tuyến đê bao như Quan Lạn (Vân Đồn), Hà Dong (Tiên Yên).

Không chỉ giúp bà con gia cố lại nhà cửa, đoàn thanh niên đã chi viện, trực tiếp hỗ trợ người dân một số vùng khó khăn ở Hoành Bồ, Đông Triều, Cẩm Phả...

Theo anh Thành, Đoàn thanh niên sẽ tiếp tục đồng hành cùng bà con trong khắc phục hậu quả hoa màu, lồng bè nuôi trồng thủy hải sản.

San sẻ nỗi mất mát

Người dân huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) nhận quà của CLB Nét bút xanh. ảnh: Trương Vũ
Người dân huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) nhận quà của CLB Nét bút xanh. ảnh: Trương Vũ.
 

Ngay sau khi bão Nari tàn phá miền Trung, để lại hậu quả nặng nề, mạng tình nguyện Vì cộng đồng đã phát đi chương trình quyên góp Hướng về miền Trung. “Sau bão lũ là những hình ảnh tan hoang của nhà cửa, đường sá, cơ sở vật chất bị tàn phá nặng nề... Những đứa trẻ sẽ ra sao khi người thân đã mãi mãi ra đi? Và vẫn còn đó những ước mơ được tới trường nhưng trường ngập nước, sách bị cuốn trôi đi rồi các em biết học bằng gì đây?”.

Thông điệp phát đi đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo tình nguyện viên, Câu lạc bộ, nhóm tình nguyện. Tính đến ngày 11/11, đã có hơn 50 tổ chức tình nguyện tham gia chương trình hướng về miền Trung.

Nguyễn Văn Mạnh (mạng lưới Vì cộng đồng) cho biết: Các tình nguyện viên Vì cộng đồng đã trực tiếp đến Huế, Quảng Bình, Quảng Nam trao quà cho bà con vùng lũ với tổng số tiền mặt hơn 60 triệu đồng, tại Huế tặng hơn 100 suất quà, Quảng Bình 350 suất, Quảng Nam 200 suất.

Quà bao gồm gạo, mỳ tôm, quần áo và lương khô. Chương trình hướng về miền Trung vẫn được tiếp tục triển khai. Tối 14/11, tại TPHCM sẽ diễn ra đêm nhạc đấu giá từ thiện Thương về miền Trung.

 “Nơi chúng tôi đến là những điểm bị cô lập do đường sá cách trở, chia cắt. Khi thấy chúng tôi họ vui mừng, phấn khởi. Tôi thấy nhiều giọt nước mắt rơi, nhiều người khóc trong niềm vui được nhận quà. Họ rất trân trọng những gói quà”.  

Trương Văn Vũ,
Chủ nhiệm CLB Nét bút xanh

Cùng với mạng lưới Vì cộng đồng, CLB Nét bút xanh TPHCM đã đến chia sẻ với bà con vùng sâu vùng xa của tỉnh Quảng Bình như xã Tân Hóa, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, và xã Phù Hóa huyện Tuyên Hóa. Trương Văn Vũ, Chủ nhiệm CLB Nét bút xanh, cho biết, CLB đã tặng 1.000 suất quà cho bà con, hỗ trợ xây 4 căn nhà cho 3 em nhỏ bị mồ côi sau bão lũ. Mỗi phần quà gồm 10kg gạo, 1 thùng mì, 1 chai dầu ăn, dầu gió, màn, thuốc cảm, sách vở, quần áo.

Để có được những suất quà như thế, Vũ cùng các tình nguyện viên trong CLB đã kêu gọi vận động những mạnh thường quân tài trợ và tổ chức bán đấu giá từ thiện. Đường đi khá khó, có những lúc đoàn đối mặt nguy hiểm khi một bên là vực sâu, đường trơn trượt, nhiều lúc tình nguyện viên đã đi nhờ xe công nông của người dân, có lúc đoàn phải đi bộ xuyên qua núi đến với bà con.

“Nơi chúng tôi đến là những điểm bị cô lập do đường sá cách trở, chia cắt. Khi thấy chúng tôi họ vui mừng, phấn khởi. Tôi thấy nhiều giọt nước mắt rơi, nhiều người khóc trong niềm vui được nhận quà. Họ rất trân trọng những gói quà. Trương Văn Vũ nói.

Cũng theo Vũ, sau chuyến đi, mỗi tình nguyện viên thấu hiểu được hoàn cảnh, sự kiên cường của người dân trước những khắc nghiệt của thời tiết, thiên tai. Họ vẫn bám lấy quê hương để vượt qua khó khăn, tin vào cuộc sống, vào tương lai.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG