Sau ca gác cuối...

Cán bộ trường Trung cấp nghề số 10 - Bộ Quốc phòng hướng dẫn các chiến sĩ ra quân đăng ký học nghề
Cán bộ trường Trung cấp nghề số 10 - Bộ Quốc phòng hướng dẫn các chiến sĩ ra quân đăng ký học nghề
TP - Bâng khuâng, xao xuyến và có cả những giọt nước mắt đã rơi. Đó là hình ảnh xúc động về những chiến sĩ trẻ làm nhiệm vụ đặc biệt ở Đoàn H75 - Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trước ngày ra quân.
Cán bộ trường Trung cấp nghề số 10 - Bộ Quốc phòng hướng dẫn các chiến sĩ ra quân đăng ký học nghề
Cán bộ trường Trung cấp nghề số 10 - Bộ Quốc phòng hướng dẫn các chiến sĩ ra quân đăng ký học nghề . Ảnh: Nguyễn Minh

Tháng 3-2008, hơn 100 chàng trai được tuyển lựa kỹ càng từ ba vùng quê Hưng Yên, Hải Dương và Hoà Bình tạm biệt gia đình, bạn bè, khoác balô về nhận nhiệm vụ thiêng liêng bên Bác.

Do nhiệm vụ đặc thù, những chàng tân binh vừa bước sang tuổi đôi mươi này thực hiện nghĩa vụ trong thời gian khá dài: 27 tháng. Từ những ngày đầu huấn luyện trên K9 – Đá Chông, nhằm thực hiện sao cho thuần thục những tư thế đứng nghiêm, đi đều bước, bồng súng… cho đến khi chính thức nhận nhiệm vụ tại các đơn vị nghiệp vụ của Đoàn H75, họ gắn bó với nhau bằng tình đồng đội, tình anh em một nhà. Bất kể đêm ngày, thời tiết nắng mưa, gió bão, họ vẫn luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.

Bàn giao quân trang cho đơn vị xong, chàng thượng sĩ quê Khoái Châu, Hưng Yên Đào Văn Đường (Tiểu đội trưởng tiểu đội 13 - Đội cảnh vệ vũ trang) bồi hồi tâm sự: “Tất cả chúng tôi đều xung phong thực hiện ca gác cuối cùng trong ngày hôm qua.

Ngày viết đơn tình nguyện nhập ngũ, tôi không nghĩ sẽ được làm nhiệm vụ tại Lăng Bác. Khi biết tin, gia đình tôi tự hào lắm. Hằng ngày, chứng kiến dòng người từ khắp nơi có những cụ già, những bà má lặn lội từ miền Nam xa xôi về đây thành kính viếng Bác, chiến sĩ chúng tôi đều cảm thấy xúc động và yêu công việc thầm lặng của mình. Sau khi ra quân, tôi sẽ tìm một công việc phù hợp và ôn thi vào Đại học Công nghiệp”.

Những đồng đội của Đào Văn Đường biết chàng thượng sĩ có gương mặt điển trai này đã từng cứu sống một cháu bé vào ngày 20-3-2009.

Chiều tối hôm đó, đang làm nhiệm vụ canh gác vũ trang tại vọng gác số 1, Đường nhìn thấy một cặp vợ chồng trẻ đang to tiếng trên quảng trường. Người chồng giằng đứa con nhỏ mới vài tháng tuổi trên tay vợ, định ném xuống thềm sỏi. Không kịp suy nghĩ thêm, Đường rút bộ đàm gọi đồng đội hỗ trợ rồi nhảy qua cửa vọng gác, rơi cả mũ… Nhận lại đứa con gái bé bỏng, người mẹ trẻ chỉ biết khóc và líu ríu cảm ơn các anh bộ đội.

Đại tá Nguyễn Trọng Khánh - Tham mưu trưởng BTL Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn Huy hiệu Bác Hồ cho chiến sĩ ra quân, ngày 26 - 5
Đại tá Nguyễn Trọng Khánh - Tham mưu trưởng BTL Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn Huy hiệu Bác Hồ cho chiến sĩ ra quân, ngày 26 - 5 . Ảnh: Trần Duy Hưng

Vừa tranh thủ ra ngoài doanh trại mua quà về cho gia đình và người yêu, thượng sĩ Bùi Văn Son (SN 1988, quê Lạc Sơn, Hoà Bình) cho biết dự định của bạn sau ngày ra quân là đăng ký thi vào trường Cao đẳng Kinh tế Hà Nội.

Kỷ niệm những ngày trong quân ngũ của chàng tiểu đội trưởng thuộc Đội cảnh vệ đặc biệt có rất nhiều. Nhưng xúc động nhất là những hôm làm nhiệm vụ, khi thấy nhiều người vào viếng Bác bật khóc, Son và đồng đội cảm động rơi nước mắt.

Tại Lễ tiễn quân nhân hoàn thành nhiệm vụ năm 2010, lần đầu tiên, hơn 100 chiến sĩ của Đoàn H75 đã được lãnh đạo BTL Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn H75 trao tặng Huy hiệu Bác Hồ. Đây cũng là lần đầu tiên 100% chiến sĩ ra quân được cấp thẻ học nghề (trình độ trung cấp) miễn phí.

Nhiều ngày lễ lớn, do lượng người vào Lăng tăng nhiều, các chiến sĩ tự nguyện làm nhiệm vụ thêm thời gian, 2 giờ chiều mới nghỉ ăn trưa. “Tôi vinh dự là một trong những thanh niên dân tộc Mường được tuyển chọn về Đoàn H75. Từ nhỏ, tôi đã ước mơ được vào quân ngũ. Ra quân, anh em chúng tôi rất nhớ đơn vị, nhớ những ngày thiêng liêng bên Bác”.

Còn với chiến sĩ Bùi Văn Lệ (Trung đội vệ binh thuộc Ban tham mưu H75), những ca gác đêm đã trở thành kỷ niệm không thể quên. Trong ca gác cuối cùng vào đêm hôm trước, Lệ làm nhiệm vụ với một tâm trạng bồi hồi khó tả. “Quê tôi ở Hoà Bình, bố mẹ đều làm ruộng, kinh tế khá khó khăn. Món tiền 8 triệu được lĩnh trong đợt này, tôi sẽ mua một chiếc máy xay xát cho bố mẹ đỡ vất vả. Tôi cũng đã đăng ký học nghề lái xe tại Trường trung cấp nghề số 10 - Bộ Quốc phòng”.

Đại tá Nguyễn Hữu Mạnh – Chính ủy Đoàn H75 cho biết, tuy thời gian phục vụ là 27 tháng so với 18 tháng ở các đơn vị khác, nhưng các chiến sĩ đều ý thức được trách nhiệm công việc thiêng liêng của họ là canh giữ giấc ngủ của Bác, thực hiện tuyệt đối an toàn các nghi lễ trang trọng, hướng dẫn tận tình đồng bào và khách quốc tế đến viếng Bác.

Ngoài thực hiện tốt ba không (không hút thuốc lá; không uống rượu bia; không có vi phạm phải xử lý kỷ luật), đã có 58 lượt chiến sĩ được tặng Bằng khen, Giấy khen, 9 đồng chí đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua và 22 người được vinh dự kết nạp Đảng.

MỚI - NÓNG