Sẻ chia với học sinh nghèo Hà Tĩnh

Tặng cờ Tổ quốc và nhiều phần quà ý nghĩa động viên ngư dân vươn khơi bám biển. Ảnh: Xuân Tùng.
Tặng cờ Tổ quốc và nhiều phần quà ý nghĩa động viên ngư dân vươn khơi bám biển. Ảnh: Xuân Tùng.
TP - Thông qua chương trình Kỳ nghỉ hồng “Nâng bước em đến trường”, nhiều suất học bổng, nhiều phần quà đã được trao cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn cũng như ngư dân nghèo bám biển ở vùng ảnh hưởng bởi sự cố môi trường do Formosa xả thải tại xã Kỳ Ninh (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh).

Chương trình do Đoàn Thanh niên Cơ quan T.Ư Đoàn, Đoàn Thanh niên Văn phòng Quốc hội phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức. Tham dự có Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Dương Tất Thắng cùng cán bộ, đoàn viên thanh niên Cơ quan T.Ư Đoàn, Văn phòng Quốc hội, Tạp chí Cộng sản, Ban Dân vận T.Ư. Vượt chặng đường 400km từ Hà Nội, đoàn tình nguyện Kỳ nghỉ hồng đã có mặt tại xã bãi ngang ven biển Kỳ Ninh – một trong những địa phương chịu ảnh hưởng từ sự cố môi trường biển Fomosa.

Tàu thuyền đắp chiếu

Có mặt tại âu thuyền Kỳ Ninh với nhiều tàu thuyền neo đậu, “đắp lưới”, ông Trần Ngọc Phú - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Ninh cho biết, xã có 2.170 hộ và hơn 7.000 nhân khẩu, sống chủ yếu dựa vào nghề nông lâm ngư nghiệp. Trong đó, có 80% người dân sống nhờ vào biển. “Từ khi xảy ra sự cố đến nay, ngư dân được khuyến cáo không đánh bắt trong vùng 20 hải lý; hoạt động khai thác, buôn bán thủy hải sản trên địa bàn ngưng trệ. Đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn không có nguồn thu”, ông Phú cho biết.

Như nhiều hộ gia đình khác, gia đình chị Vân (30 tuổi, xã Kỳ Ninh) lâm vào cảnh túng thiếu khi chồng và bố chồng nghỉ đi biển. Chị cũng gác nghề buôn bán thủy hải sản suốt mấy tháng nay. Chị chia sẻ, trước đây đi buôn cá mỗi ngày cũng kiếm được 500 - 600 nghìn đồng. Giờ, các thuyền thôi đánh bắt, nghề buôn cá của chị cũng đành nghỉ vì không có hàng. Nếu có thì bán cũng không ai mua. “Người lớn không có việc gì làm ở nhà, còn con nhỏ - một cháu 5 tuổi đi học mẫu giáo hàng tháng vẫn đóng tiền ăn, học phí. Cháu thứ hai còn đang bế ẵm trước còn có đồng ra đồng vào còn mua thêm sữa, giờ mẹ ăn gì con ăn nấy”, chị Vân nói.

“So với đầu năm học trước khi chưa xảy ra sự cố môi trường biển, năm nay các khoản thu có phần khó khăn hơn. Lớp tôi sĩ số 31 học sinh, nhưng chỉ gần 1/3 gia đình các cháu đóng các khoản thu đầu năm đúng hạn”.

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, giáo viên THCS Kỳ Ninh

Chị Nguyễn Thị Nga (48 tuổi, thôn Tân Thắng) cho biết hai vợ chồng đều sống với nghề đi biển, đánh bắt hải sản, có tí đất ruộng cũng chỉ làm được một vụ. “Giờ không ra biển đánh bắt được nên chẳng có tiền chi tiêu. Để có tiền cho hai đứa con đang học lớp 11 và 12, tôi đành vay mượn xung quanh, chẳng nhẽ bắt chúng nghỉ học”, chị Nga cho biết.

Chị Trần Thị Hương, giáo viên trường Mầm non Kỳ Ninh chia sẻ, từ sau sự cố môi trường, đời sống nhiều gia đình học sinh bị ảnh hưởng. Nhiều phụ huynh xin chậm đóng tiền học phí nhiều tháng liền, thậm chí một số cháu gửi đến lớp mà không có tiền ăn trưa.

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, giáo viên THCS Kỳ Ninh cũng cho biết, so với đầu năm học trước khi chưa xảy ra sự cố môi trường biển, năm nay các khoản thu có phần khó khăn hơn. “Lớp tôi sĩ số 31 học sinh, nhưng chỉ gần 1/3 gia đình các cháu đóng các khoản thu đầu năm đúng hạn”, chị Hiền nói.

Nâng bước em tới trường

Chia sẻ về Kỳ nghỉ hồng “Nâng bước em đến trường”, anh Vũ Minh Thảo, Bí thư Đoàn thanh niên cơ quan T.Ư Đoàn cho biết: Chương trình là hoạt động có ý nghĩa, phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ tham gia tình nguyện vì an sinh xã hội; kịp thời hỗ trợ, động viên các em thiếu nhi, gia đình ngư dân có hoàn cảnh khó khăn chịu ảnh hưởng từ sự cố môi trường biển trên địa bàn.

Trong chương trình, các tình nguyện viên đã tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, biểu diễn ảo thuật, làm bóng bay nghệ thuật và tiết mục văn nghệ dành tặng cho các em nhỏ trường Mầm non Kỳ Ninh. Ban tổ chức đã trao 100 suất quà, 100 áo khoác mùa đông và 30 suất tiền mặt (300 nghìn đồng/suất) cho các em mầm non. Tại trường THCS xã Kỳ Ninh, chương trình đã trao 200 đôi dép Bitis, 40 áo khoác mùa đông, 40 suất học bổng (300 nghìn đồng/suất) cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, chương trình đã tặng cho Liên đội Trường THCS Kỳ Ninh quà của Trường THCS Mạc Đĩnh Chi gồm: khăn quàng, đồ dùng học tập và những bức thư là tình cảm của học sinh Hà Nội gửi tới các bạn học sinh Hà Tĩnh.

Dịp này, chương trình đã trao tặng 300kg gạo, 500 lá cờ Tổ quốc, 30 áo bảo hộ lao động và 30 suất tiền mặt (500 nghìn đồng/suất) cho bà con ngư dân bám biển. Tổng kinh phí quà tặng và tiền là 120 triệu đồng.

MỚI - NÓNG