Sĩ tử 'vật vã' theo Euro

Sĩ tử 'vật vã' theo Euro
Là tín đồ túc cầu nên dù đang là thời điểm nước rút cho kỳ thi đại học nhưng nhiều sĩ tử không thể bỏ qua các trận đấu Euro xuyên đêm suốt sáng. Cũng cuồng nhiệt như ai nhưng sĩ tử mê bóng đá còn mang theo tâm trạng lo lắng.

Sĩ tử 'vật vã' theo Euro

Là tín đồ túc cầu nên dù đang là thời điểm nước rút cho kỳ thi đại học nhưng nhiều sĩ tử không thể bỏ qua các trận đấu Euro xuyên đêm suốt sáng. Cũng cuồng nhiệt như ai nhưng sĩ tử mê bóng đá còn mang theo tâm trạng lo lắng.

Kỳ thi quan trọng cận kè nhưng nhiều sĩ tử vẫn không thể bỏ qua các trận cầu Euro hấp dẫn
Kỳ thi quan trọng cận kè nhưng nhiều sĩ tử vẫn không thể bỏ qua các trận cầu Euro hấp dẫn.

Vật vã theo bóng

“Đến giờ rồi anh em ơi!”, giữa đêm, đang ngồi bên bàn học, nghe tiếng các anh chị trong xóm trọ “gõ kẻng” hò nhau sang phòng có ti vi để xem bóng đá, Nguyễn Đức Hùng, thí sinh quê ở Cà Mau lên TP.HCM ôn thi lại nhấp nhổm không yên.

Ông anh họ trước khi nhập hội đã nhắc “Hôm nay nghỉ xem, lo học đi” nhưng ngồi cạnh sách vở mà học không vô vì tiếng hò hét bên cạnh, Hùng bật người dậy chậc lưỡi: “Thề, xem trận này nữa thôi”.

Một tuần thức theo Euro, Hùng thú nhận việc học của mình đã bị ảnh hưởng thấy rõ. Nhiều bữa xem xuyên đêm, sáng mai Hùng mở mắt không nổi, bỏ luôn buổi học ở lớp luyện thi chỉ để… ngủ. Hùng ngáp ngắn ngáp dài: “Mình mê banh từ nhỏ rồi, giờ đến trận đấu, không xem cũng không học được. Nhưng nếu xem thì lo quá”.

Bố mẹ nhắc nhở liên tục, thi ĐH là quan trọng nhưng Tuấn (cựu học sinh lớp 12 trường THPT Hùng Vương, TP.HCM) cũng không thể bỏ niềm say mê 4 năm mới có một lần. Cái khổ nhất với Tuấn là… mấy ĐT tham gia Euro, mỗi ĐT có một đặc trưng, cái hay riêng đều hấp dẫn nên phải bỏ trận nào cậu đều tiếc hùi hụi.

Không chỉ mất 90 phút của trận đấu mà theo Tuấn, hệ lụy là sau đó người rất mệt mỏi, buồn ngủ. Xem bóng xong, cậu căng mắt ra học bù nhờ nước trà, cà phê đặc mà vẫn cứ gật gù, hay hậu trận đấu như kết quả, những đường banh, những cú phạt góc… vẫn không thôi ám ảnh Tuấn nên bài vở bị dồn ứ lạ.

Cậu học trò than vãn: “Sao Euro lại diễn vào đúng tháng chuẩn bị cho thi đại học, mà lại đúng năm mình thi mới xui. Kiểu này đến ngày thi chắc mình nhập viện”.

Kiên quyết không theo ngoài trận khai mạc nhưng Dũng (nhà ở Phan Xích Long, Q. Phú Nhuận, TP.HCM) bày tỏ, dù chiến thắng bản thân nhưng cậu lại cứ rấm rứt, khó chịu. Từ hồi tiểu học đến giờ, cậu chưa bỏ mùa Euro cũng như World Cup nào. Ảnh “sao” dán trong phòng ngủ của Dũng không phải là ca sĩ, diễn viên mà là các cầu thủ - hầu hết là những người đều có mặt trong mùa đấu này. Nhưng nếu xem thì… cũng hỏng vì thói quen của Dũng, chỉ học tập trung từ sau 12 giờ đêm, trùng giờ diễn ra các trận đấu.

Sĩ tử cần có sức khỏe và tinh thần thoải mái nhất cho kỳ thi
Sĩ tử cần có sức khỏe và tinh thần thoải mái nhất cho kỳ thi.

Để không thành… “tử sĩ”

Trong sự háo hức với các giải Euro, có lẽ không ít sĩ tử đang “sống chung” với với cảnh vật vờ vừa thức xem bóng, vừa chạy đua với việc học. Sự cuồng nhiệt của họ rất cần được thông cảm vì độ tuổi này, nhu cầu bày tỏ, thể hiện với niềm đam mê hay thần tượng của mình rất lớn. Trong khi, các cầu thủ ngôi sao chính là thần tượng của không ít bạn. Tuy nhiên, nếu quá cuồng nhiệt kéo theo các hệ lụy về sức khỏe, tinh thần, kết quả học thì các sĩ tử cũng rất dễ thành… “tử sĩ”

Anh Phạm Đức Cường, cựu SV một trường ĐH về kỹ thuật công nghệ cho biết, năm anh thi cũng trùng vào mùa World Cup. Không thể lựa chọn “2 trong 1”, anh lên kế hoạch xem đá banh cho mình rất cụ thể để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến việc học.

Ở vòng ngoài anh Cường chỉ xem những trận có đội bóng mình thích, còn đội ít quan tâm thì làm ngơ ngay từ đầu không theo. Chủ yếu ưu tiên cho các trận tứ kết và chung kết.

“Xem đá banh xong nếu mệt đừng cố ngồi vào bàn học vì học đâu vô mà cứ ngủ nghỉ cho lại sức đến khi tỉnh táo lại học tiếp. Thời gian học không cần quá nhiều nhưng phải thật sự tập trung”, anh Cường chia sẻ.

Anh Cường tiết lộ thêm, sĩ tử mê bóng hay gặp mâu thuẫn với bố mẹ vì bị cấm xem. Theo anh, hãy thương lượng với bố mẹ mình chỉ xem những trận đó. Điều này, không chỉ giúp phụ huynh bớt lo lắng mà lời hứa cũng là động lực giúp mình giữ chữ tín, không sa vào tất cả các trận. Nhờ áp dụng nguyên tắc trên năm đó, anh vẫn đạt 25,5 điểm.

Các bác sĩ từ Trung tâm Chăm sóc sức khỏe cộng đồng TP.HCM nhấn mạnh, việc thức xem Euro sẽ làm đảo lộn đồng hồ sinh học thức ngày ngủ đêm của con người. Nếu việc thức đêm kéo dài rất nguy hại cho sức khỏe, làm giảm trí nhớ, khó tập trung… Vì thế, việc thu xếp để ngủ bù lấy lại sức là rất cần thiết, đặc biệt là giấc ngủ sâu.

Về dinh dưỡng, cơ thể vẫn bị tiêu hao năng lượng khi xem bóng đá đêm. Vì thế, cần bổ sung năng lượng khi thức khuya bằng những món ăn nhẹ như súp, bánh ngọt, ly sữa… Ngoài ra chú ý bổ sung vitamin và khoáng chất bằng các loại hoa quả hoặc chế biến thành nước ép.

Theo Hoài Nam
Dân Trí

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.