Sĩ tử vùng lũ đi thi

Sĩ tử vùng lũ đi thi
TP - Những sĩ tử từ các địa phương vừa bị những cơn lũ kinh hoàng quét qua không quản ngại đường sá xa xôi, hiểm nguy, khăn gói về Hà Nội tham dự đợt 2 kỳ thi tuyển sinh đại học 2009.

Hoàng Thu Môn, thuộc Bản Cài (Bảo Lâm, Cao Bằng) kể, cơn mưa lớn đổ ập đến bản, ngập cả đường đi, em đang chùn bước thì mẹ động viên: “Cả Bản Cài này có được mấy người học hết cấp III. Cố gắng thi đỗ về cho mẹ và cả bản vui”.

Nghe lời mẹ, Môn xuống Thái Nguyên, dự thi khối A trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Lúc em đi, trời vẫn ầm ầm đổ nước xuống bản làng, đường lầy lội, nước trắng xóa không kịp chuyến xe nên anh trai phải chở em xuống Thái Nguyên bằng xe máy.

Để tránh nước ngập, hai anh em đi đường Bắc Kạn, mất hơn 10 giờ đồng hồ, vượt qua hơn 300 km mới xuống đến Thái Nguyên. Nhưng khi đến nơi tất cả quần áo, sách vở đều bị ướt hết, rét cầm cập, không còn quần áo thay. Ngày hôm sau, anh trai phải về bản, mình em ở lại Thái Nguyên.

Ngay ngày thi đầu tiên em đã muốn về vì không thể tập trung làm bài: “Trước khi vào phòng thi, em gọi về huyện được biết bản bị ngập nước trắng xóa, trời vẫn mưa to không ai biết tình hình trong ấy thế nào. Rồi mất luôn liên lạc”.

Nhà Môn có bốn anh chị em, em là thứ hai. Môn tâm sự : “Ở bản em, rất ít người học hết cấp III vì không có điều kiện. Em thi khối A đã không được như ý, nên lần này, dù thế nào cũng phải cố hết sức. Mẹ và cả nhà đang gặp lũ. Em không thể thất bại”.

Cuộc điện thoại bất ngờ từ huyện Bảo Lâm cho em biết mọi người trong gia đình đều ổn. Trong ánh mắt của em hiện lên vẻ tự tin khác hẳn lúc mới gặp.

Thương mẹ, con sẽ cố

Lục Văn Thông, sinh năm 1990, dân tộc Tày, xã Yên Thổ, huyện Bảo Lâm thi năm ngoái nhưng bị trượt nên năm nay em quyết đậu vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Thông cho hay: “Em không muốn mẹ buồn, nên quyết đỗ năm nay”.

Thông xuống Hà Nội từ ngày 7/7 sau khi đánh vật với quãng đường dài dằng dặc trong mưa lũ. Thông kể: “Hôm 3/7, khi thấy trời bắt đầu mưa, sợ xe không vào được nên em ra thị trấn ở nhờ nhà người quen.

Đêm hôm ấy, sông Gâm gào thét dữ dội, nước đầu nguồn kéo về, cả thị trấn ngập sâu trong nước, phải chuyển hết đồ lên đồi ở tạm nhà người khác”.

Cơn mưa to chưa từng thấy đã nhấn chìm huyện Bảo Lâm trong màn nước trắng xóa, mọi thứ bị nhấn chìm trong biển nước. Đến ngày 5 - 6 /7, cả thị trấn mất liên lạc, gọi về nhà nhưng không được.

Thông nhờ người chở qua Hà Giang, rồi từ đó bắt xe xuống Thái Nguyên, từ Thái Nguyên bắt xe xuống Hà Nội. Thông nhớ lại: “Hai bên đường đất đá ngổn ngang, xe có khi nghiêng hẳn một bên. Nhiều bạn xuống Hà Nội thi, nhìn nhau cầu mong qua nhanh quãng đường khó khăn”.

Vẻ ngoài cứng rắn không giấu được nỗi nhớ nhà và lo sợ dù cơn lũ đã đi qua: “Nhà bây giờ chỉ có em là đàn ông trong nhà. Không biết mẹ và chị sẽ xoay xở thế nào”.

MỚI - NÓNG