Sinh viên 'chạy sô' giúp việc nhà

Sinh viên 'chạy sô' giúp việc nhà
"Ngày 6/8: Ủi đồ, rửa chén và lau sàn bếp. Lau nhà, nhớ lau sạch cầu thang và thanh vịn...". Sau khi đọc mảnh giấy nhỏ treo sau cánh cửa, Thanh (SV trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) cắm đầu vào công việc.
Sinh viên 'chạy sô' giúp việc nhà ảnh 1
Một nữ SV trường ĐH Sư phạm TP.HCM giúp việc nhà - Ảnh: N.Lịch

Đây là hè đầu tiên Thanh (quê Nghệ An) xa gia đình. Sau những ngày bù đầu với sách vở, cô chỉ muốn lên tàu về quê, ao ước được thư giãn trong khu vườn rợp bóng mát của gia đình.

Nhưng nghĩ đến tiền mua vé tàu, nan giải hơn là chi phí học hành đến mấy triệu đồng cho năm học mới, Thanh phát hoảng. Thế là ngày ngày, Thanh đến xếp hàng ở các trung tâm giới thiệu việc làm.

Khó tìm được những việc "ngon ăn" như bán hàng, dạy kèm... nhìn tới nhìn lui Thanh thấy còn sót lại một số công việc như giúp việc nhà, tiếp thị sản phẩm...

"SV trí thức như tụi mình mà lại đi làm giúp việc nhà à? Lỡ ai nhìn thấy, về quê kể thì xấu hổ chết!" - Thanh nhớ lại cảm giác miễn cưỡng khi bắt đầu công việc làm thêm này.

Thế nhưng, sau hơn một tuần thử sức, Thanh đã không còn ngần ngại. Mỗi tuần, cô chạy như con thoi giữa ba gia đình ở Q.1, Q.3 và Q.6 (TP.HCM) để kịp "tiến độ" công việc.

"Dù làm công việc này nhưng mình luôn được chủ nhà tôn trọng, lại được nhận "tiền tươi" mỗi ngày" - Thanh cho biết. Chịu khó "chạy sô", mỗi ngày Thanh kiếm được gần 100 ngàn đồng.

Nguyễn Thị Nghĩa (quê Long An, SV trường ĐH Sư phạm TP.HCM) đã có thâm niên trong nghề này. Ban đầu, Nghĩa cũng chăm chăm tìm chỗ dạy kèm cho phù hợp với "mác" cô giáo tương lai.

"Số SV giúp việc nhà tăng cao trong hè", đó là nhận định của chị Nguyễn Thị Nguyệt Hoàng, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ SV TP.HCM.

Theo chị Nguyệt Hoàng, từ giữa tháng 6/2007 đến nay, trung tâm đã giới thiệu thành công hơn 20 bạn SV giúp việc nhà với thu nhập từ 8 ngàn đồng - 10 ngàn đồng/giờ.

Nghĩa so sánh: "Dạy kèm không hề dễ: phải biết tính nết học trò, phải soạn bài giảng, giờ giấc cố định mà thu nhập lại không cao. Trong khi đó, chỉ cần vui vẻ, trung thực, siêng năng là có thể trở thành người giúp việc với tiền công khá cao".

Mỗi tuần, Nghĩa dành 4 buổi đến giúp việc cho 2 gia đình. Mỗi buổi, Nghĩa làm trong vòng 3 tiếng (8 ngàn đồng/giờ) nhưng chủ nhà thường "làm tròn" lên đến 30 ngàn đồng, có khi 40 ngàn đồng trả công cho Nghĩa.

Bên cạnh đó, chủ nhà còn hay mời Nghĩa ăn cơm, thỉnh thoảng có thức ăn ngon lại bảo Nghĩa mang về nhà trọ... Ngoài thu nhập khá (dư tiền gửi về cho mẹ), Nghĩa còn học được rất nhiều "bí kíp" nấu ăn từ bếp của những bà nội trợ.

Nguyễn Thị Nghĩa được đối xử ưu ái vì cô "chịu khó, làm việc sạch sẽ" theo như nhận xét của anh, chị Thanh Hà - Xuân Hương (nhà ở đường 3 Tháng 2, P.14, Q.10, TP.HCM). Chị Hương cho biết, trước đây chị từng thay 6 người giúp việc trong vòng 6 tháng vì không hợp.

"Những người khác cầm tay chỉ việc có khi không hiểu, còn SV nói ít hiểu nhiều. Các em biết quý thời gian nên tới là cắm đầu làm ngay", chị Hương so sánh. 

Sinh viên 'chạy sô' giúp việc nhà ảnh 2
Nhiều SV đến tìm việc làm thêm tại Trung tâm Hỗ trợ SV TP.H

Chuyện xảy ra gần đây khiến chủ nhà càng thêm ấn tượng tốt về người giúp việc: lúc ủi đồ, Nghĩa phát hiện trong túi ông chủ có tiền và đã tự động trả lại.

Hỏi chuyện, Nghĩa nói giản dị: "Nếu mình gian dối thì sẽ gây khó khăn cho những người giúp việc đến sau và ảnh hưởng đến danh dự của giới SV nói chung"...

Chính nhiều "điểm cộng" như vậy nên Nghĩa được chủ nhà đề nghị chuyển đến ở chung và làm việc lâu dài. Thậm chí, khi vào năm học mới, chủ nhà sẽ "chạy" theo lịch học của Nghĩa để bố trí giờ giấc thuận tiện cho cô!

Còn Thu Sương (SV trường ĐH Mở TP.HCM) cho hay, làm nghề này khá nhẹ nhàng nhưng cũng không ít thử thách. Đó là những khi chủ nhà tạo "tình huống giả" (để tiền, vật hớ hênh...) để thử lòng người giúp việc.

Cũng có một số chủ nhà vô cùng khó tính, kỹ lưỡng, ví dụ yêu cầu người giúp việc phải giữ miếng vải chùi chân lúc nào cũng sạch sẽ, trắng tinh như... khăn lau mặt.

"Đôi khi mình thấy may mắn khi được "tôi luyện" bản lĩnh chịu đựng, thích nghi trong những môi trường như vậy. Nếu chủ nhà khó tính mà cuối cùng cũng hài lòng về bạn, thì càng đáng tự hào chớ sao!", Sương khẳng định.

Hầu hết những SV làm nghề giúp việc đều không muốn người khác gọi mình là "ô-sin". Theo các bạn, gọi như vậy chẳng khác gì đầy tớ; còn các bạn chỉ giúp việc theo giờ và nếu cần, có thể chủ động đề nghị ngưng hợp đồng nếu thấy công việc không phù hợp hoặc chủ nhà đối xử không tốt.

Theo Thanh Niên

MỚI - NÓNG