Sinh viên đang thờ ơ với quyền lợi sức khỏe

Sinh viên đang thờ ơ với quyền lợi sức khỏe
Vì những thủ tục phức tạp, nhiều sinh viên (SV) hiện nay còn thờ ơ với chính quyền lợi sức khoẻ của mình khi không tham gia mua bảo hiểm (thân thể và y tế)...
Sinh viên đang thờ ơ với quyền lợi sức khỏe ảnh 1
Nhiều sinh viên còn thờ ơ với quyền lợi sức khỏe

T.K là SV năm cuối của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. Một lần đi hiến máu nhân đạo, K phát hiện mình mắc bệnh thận. Không lâu sau, cậu đã phải đi chạy thận nhân tạo tại bệnh viện Bạch Mai.

Một tuần 3 lần, 120 nghìn đồng tiền giường, 650 nghìn đồng tiền thuốc. Tất cả gia đình T.K phải tự thanh toán vì cậu... không có bảo hiểm y tế. Nhà K đã phải đi cầm sổ đỏ để chạy thận cho con, hơn 3 tháng mà đã mất ngót nghét 30 triệu đồng.

T. Thanh học tại Hoc viện Tài chính, một lần do bất cẩn, cậu dẫm phải đinh và bị uốn ván. Tình thế rất nguy cấp khi bác sĩ nói nếu không phẫu thuật, Thanh chỉ còn 20% hy vọng sống.

Khi gia đình Thanh đồng ý phẫu thuật, thì cũng là lúc bố mẹ Thanh phải chạy vạy khắp nơi lo khoản tiền lớn đáng giá cả gia tài để làm phẫu thuật cho con.

Khi mọi chuyện đã qua, gia đình hỏi thủ tục để thanh toán bảo hiểm thì mới ngã ngửa, Thanh chỉ được thanh toán bảo hiểm thân thể, còn bảo hiểm y tế, do không nộp nên gia đình phải tự chi trả.

Theo chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc mua bảo hiểm đối với SV là tự nguyện. Trên 500 phiếu khảo sát mà báo Sinh viên Việt Nam đã tiến hành, có tới 80% các bạn SV không hiểu rõ về vấn đề này. 23% các bạn SV cho rằng bảo hiểm là bắt buộc,  57% các bạn SV nghĩ là cả hai loại đều là tự nguyện.

Bác sĩ Thùy Mai - Trưởng trạm Y tế (ĐH Mỏ - Địa chất) -kể: "Một lần, có cậu SV bị dập đầu gối, sau khi sơ cứu băng bó vết thương, chúng tôi có hướng dẫn cậu ấy làm thủ tục để lên tuyến trên vì dễ có khả năng sẽ bị chảy dịch khớp gối. Tuy nhiên, lúc này chúng tôi mới phát hiện cậu ấy không có bảo  hiểm y tế. Rất đáng tiếc, nhưng cậu ta phải chịu mọi chi phí để điều trị bệnh".

Chính do tâm lý chủ quan nên rất nhiều bạn SV đã không ý thức được lợi ích của việc tham gia bảo hiểm. Cho đến khi gặp tai nạn hay bệnh tật mới thấy thiệt thòi.

Có một thực tế, nhà trường chỉ bán bảo hiểm tập trung cho SV khi nhập học. Thông thường đó là tiền 4 năm đóng bảo hiểm thân thể, 1 năm đầu bảo hiểm y tế. Những năm sau, việc mua bảo hiểm y tế ít được thông báo rộng rãi.

Minh Nga, SV năm thứ 2 ĐH Công nghiệp đã từng mang thắc mắc này đến phòng y tế của trường thì nhận được câu trả lời: "Các Cty bảo hiểm có quy định tối thiểu phải trên 30 người mua bảo hiểm thì mới cung cấp dịch vụ. Nếu chỉ là vài cá nhân muốn mua thì sẽ không mua được".

Thế mới có chuyện, sau một năm chạy thận, ngoài việc vận động các bạn cùng lớp mua bảo hiểm y tế, gia đình T.K đã bỏ ra gần 4 triệu đồng "xin" nộp hộ các bạn còn lại để T.K có bảo hiểm thanh toán các khoản tiền khi chạy thận.

Những con số trái ngược song song nhau

Khi đưa ra câu hỏi: "Bạn có biết thủ tục chi trả tiền bảo hiểm của trường mình không?", có đến 98% trả lời là không biết. Lý do là vì không quan tâm và chưa đi khám bệnh bằng thẻ bảo hiểm được cấp bao giờ. 2% ít ỏi thì đưa ra những ý kiến rất chung chung như: qua nhiều bước, rất phức tạp.

Hiện nay, đa số các trường chỉ làm trung gian cho các Cty bảo hiểm. Đối với Bảo hiểm xã hội, các Cty bảo hiểm sẽ trích một số tiền nhất định (20 - 40%) cho phòng y tế các trường.

Có một hình thức khác là nhà trường sẽ đóng vai trò như một Cty bảo hiểm, có trách nhiệm thanh toán tiền bảo hiểm cho SV khi gặp sự cố, như ĐHDL Hải Phòng.

Khi đưa ra câu khảo sát: "Bạn có quan tâm đến việc sử dụng tiền bảo hiểm y tế tại trường bạn như thế nào không?" 47% nói không vì không biết, 53% nói có.

Vấn đề quan tâm nhất của các bạn SV chính là: thủ tục chi trả viện phí, chính sách cho người bệnh, các loại thuốc (tránh tình trạng ốm cái gì cũng cho B1, vitamin!!!), các khoản chi thu tiền bảo hiểm trích lại, bao nhiêu SV thường xuyên được khám sức khoẻ.

Mỹ Dung ở Học viện Ngân hàng - nói: "Tôi quan tâm đến thủ tục, quyền lợi, nghĩa vụ của mình khi tham gia bảo hiểm. Hầu hết tôi chỉ biết nộp tiền là xong. Không ai phổ biến những điều này cho tôi hiểu để ý thức rõ quyền lợi của mình".

Câu hỏi khảo sát cuối cùng được đưa ra: "Nếu bạn bị ốm bạn có lựa chọn dịch vụ bảo hiểm y tế hay không?". Chúng tôi đã nhận được 50% chia đều cả hai câu trả lời có và không.

Các bạn SV nói có vì đó là quyền lợi của người đóng bảo hiểm, giúp chi trả những khoản tiền viện phí cần thiết. Nhưng lại không dùng dịch vụ bảo hiểm.

Anh Đức, ĐH Bách khoa HN, thẳng thắn: "Tôi đã từng đi khám bằng dịch vụ y tế, rất lâu và phức tạp. Hơn nữa, các bác sĩ không nhiệt tình, đến lúc thanh toán lại khó khăn. Dù biết đó là quyền lợi của mình, nhưng không thuận tiện".

Như vậy SV ý thức được quyền lợi của bảo hiểm, song lại từ chối sử dụng nó vì quá nhiều phức tạp. Đây cũng chính là tâm lý không thích nộp tiền bảo hiểm y tế trong SV.

Trách nhiệm từ hai phía

SV với tâm lý chủ quan, nghĩ rằng mình không ốm đau bệnh tật gì, việc nộp bảo hiểm y tế là không cần thiết. Nhà trường không chú trọng quan tâm tới vấn đề bảo hiểm vì cho đó là tự nguyện.

SV thờ ơ với chính quyền lợi sức khoẻ của mình. Nhà trường không có những biện pháp tuyên truyền đúng đắn về quyền lợi của SV khi tham gia bảo hiểm.

Xuân Minh - K50 Bách khoa - nói: "Nếu như đầu năm, nhà trường tổ chức nói chuyện về quyền lợi, nghĩa vụ của SV khi tham gia bảo hiểm, đồng thời phổ biến hoạt động chăm sóc sức khoẻ của phòng y tế, các bước thanh toán tiền khi SV có ốm đau..., tôi tin chắc SV sẽ hiểu và tự nguyện tham gia. Bảo hiểm là mình vì mọi người, mọi người vì mình mà".

Theo Hồng Minh
Sinh viên Việt Nam

MỚI - NÓNG