Sinh viên làm giàu trên sàn chứng khoán

Sinh viên làm giàu trên sàn chứng khoán
TP - Trong tay có vốn hàng trăm triệu đồng, thậm chí tiền tỷ để mua bán cổ phiếu tại các sàn giao dịch, đó là “chân dung” của những sinh viên chơi chứng khoán.
Sinh viên làm giàu trên sàn chứng khoán ảnh 1
Nhiều bạn trẻ đang thử sức tại sàn giao dịch Cty chứng khoán Bảo Việt. ảnh: Hồng Vĩnh

Họ là những người đã chứng tỏ được bản lĩnh của mình, muốn được thử nghiệm và khao khát làm giàu trong một lĩnh vực kinh doanh còn rất mới mẻ…

Lên sàn!

Quán cà phê “vỉa hè” trên phố Lý Thường Kiệt là nơi mà Đường Khánh Việt cùng những người bạn thường ngồi thảo luận và nhận định về thị trường trước khi họ quyết định “đặt lệnh” cho những phiên giao dịch mua bán cổ phiếu tại các sàn chứng khoán.

Sinh năm 1984, quê ở Đức Thọ (Hà Tĩnh), hiện Việt đang là sinh viên năm cuối của khoa Quản trị kinh doanh, trường ĐH Dân lập Thăng Long. “Trước khi đến với chứng khoán em đã từng đi làm thêm ở nhiều nơi kể cả công việc lao động chân tay, nhưng rồi đều bỏ.

Em muốn thử sức để tự mình kiếm sống trong lĩnh vực kinh doanh còn mới mẻ với người Việt Nam này”-Việt thổ lộ.

Ngày đầu khi mới bước vào nghề, với số tiền vỏn vẹn chỉ có 1 triệu đồng của ông nội cho để mua tài liệu học tập, Việt đã quyết định lập tài khoản riêng tại VCBS (Cty chứng khoán ngân hàng Ngoại thương VN).

Trong đợt “ra quân” đầu tiên, cậu đã dồn hết số tiền trên để mua cổ phiếu Sam. Theo Việt, điều cần có ở một nhà đầu tư chứng khoán không phải là vốn nhiều hay ít mà là khả năng phân tích và nhận định về thị trường để có những quyết định đầu tư chính xác.

Để có được những quyết định đúng khi đầu tư, Việt đã miệt mài vừa tìm hiểu thông tin từ các nguồn khác nhau, vừa học hỏi kinh nghiệm của người đi trước. Cứ thế, nhà đầu tư trẻ này liên tục “ghi điểm” tại các sàn giao dịch và đến nay trong tay Việt đã có số vốn lên đến hàng trăm triệu đồng.

“Mấy ngày qua chỉ số Index Việt Nam liên tục tăng mạnh, hiện đã vượt ngưỡng 200 điểm. Sắp tới, em sẽ dồn hết số vốn mình có để mua cổ phiếu. Chơi chứng khoán chỉ dành cho những người mạo hiểm và biết nhận định về thị trường mà thôi…”-Việt tính toán.

Khác với Việt, con đường đến với thị trường chứng khoán của Hoàng Trọng Thành (SN 1984), sinh viên năm thứ 4 trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia HN) lại đi lên từ việc môi giới chứng khoán (broker) tự do.

Quê ở Vĩnh Phúc, Thành là một người rất mê chứng khoán. Khăn gói lên Hà Nội học, Thành quyết định hàng tháng sẽ không xin tiền gia đình mà tự lập bằng việc làm broker tại các sàn giao dịch. Công việc của một broker như Thành là tư vấn cho khách hàng khi mua bán cổ phiếu tại các sàn.

“Nhiều người cứ nghĩ chúng em là “cò” mua đứt bán đoạn, nhưng không phải vậy. Chúng em là những người tư vấn cho khách hàng. Chẳng hạn vào thời điểm này khi giá cổ phiếu đang tăng cao, vậy có nên giữ cổ phiếu hay bán đi để kiếm lời.

Tất cả điều đó những người làm như em phải biết để tư vấn cho khách hàng của mình ”-Thành giải thích. Trong nhiều “thương vụ” môi giới, số tiền mà Thành kiếm được có khi lên tới chục triệu đồng.

Qua tìm hiểu của chúng tôi tại các sàn giao dịch lớn của Hà Nội như VCBS, ACBS, BSC…, ngoài số sinh viên của các trường kinh tế như: ĐH Kinh tế Quốc dân; Học viện Tài chính, Học viện Ngân hàng; ĐH Ngoại thương…, hiện có rất nhiều nhiều sinh viên của các ngành khác cũng tham gia.

Với họ, có nhiều cách để “chơi” chứng khoán với phương thức giao dịch khác nhau. Có sinh viên chơi nhỏ lẻ để học hỏi thực tế, có sinh viên chơi với số tiền lớn lên đến hàng tỷ đồng.

Với Phạm Thị Hoa- cô sinh viên năm thứ 4 chuyên ngành chứng khoán của khoa Tài chính (Học Viện Ngân hàng) vì thời gian biểu kín mít lịch học, lịch thi và làm thêm, Hoa đã chọn hình thức giao dịch bằng cách ngồi ở nhà “ôm” vi tính đặt lệnh qua mạng hay gọi điện thoại đến các sàn giao dịch để đặt lệnh thông qua người đại diện.

“Qua một đêm có thể trở thành tỷ phú, cũng có thể trắng tay” 

Câu nói trên thật thấm thía đối với Việt Hùng, sinh viên ĐH Kinh tế quốc dân. Dù đã trải qua một khoá đào tạo nghiệp vụ 3 tháng về chứng khoán do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức; từng tập dượt qua nhiều phiên giao dịch “ảo” trên mạng nhưng không ít lần Việt Hùng trắng tay.

“Lúc mới vào nghề thấy cổ phiếu của mấy Cty miền Nam tăng, em đã dồn hết số tiền mình có là 4 triệu đồng để mua cổ phiếu. Nhưng rồi giá cổ phiếu liên tục mất điểm. Thế là em gần như trắng tay”- Hùng kể.

Sau lần “ngã đau”, Hùng đã xem đó là tiền phí cho những lần thử nghiệm tiếp theo.

Còn đối với broker Hoàng Thành- người được mệnh danh là “thầy thiên hạ”, nắm bắt nhiều thông tin, đưa ra những quyết định chính xác cho khách hàng trúng lớn ở nhiều thương vụ, thế nhưng cũng đã không ít lần thua đậm.

“Có ngày em “máu” quá, khi mua vào đến hàng trăm triệu cứ nghĩ giá cổ phiếu sẽ tăng nên cứ giữ không bán. Nhưng không ngờ càng giữ, giá càng giảm. Có ngày mất đứt chiếc xe máy tay ga xịn”-Thành than phiền.

Tuy nhiên, những nhà đầu tư chứng khoán trẻ tuổi này cho rằng: Do thị trường chứng khoán ở Việt Nam chưa thực sự sôi động như các nước nên tính rủi ro không lớn, chưa đến nỗi phải trắng tay.

Đam mê với hướng kinh doanh mới, với mong muốn khám phá và khẳng định mình, nhiều bạn trẻ “vấp” phải sự phản đối quyết liệt của gia đình. Ban đầu gia đình của Việt, Thành, Hoa...đều có chung suy nghĩ: “Chơi cái này chẳng khác gì đánh bạc, liều lĩnh thế có ngày trắng tay...”, nhưng họ đã vượt qua lo lắng đó bằng cách khẳng định mình.

Giờ đây, Hoa đã có số vốn kha khá để lập nghiệp khi ra trường. Thành thì mở Cty cổ phần phần mềm và truyền thông OTC. Vốn liếng thu từ việc chơi chứng khoán, Thành đầu tư mở trang web http://www.otc.com.vn  cung cấp miễn phí thông tin về thị trường chứng khoán và thường xuyên mở các lớp đào tạo, các buổi hội thảo cho sinh viên đam mê lĩnh vực mới mẻ này.

Còn Việt tham gia vào câu lạc bộ những người “chơi” chứng khoán của Hà Nội với số vốn có trong tay hàng trăm triệu đồng...

MỚI - NÓNG