Từ bài: “Tình nguyện - Những sự cố bất ngờ”:

Sinh viên tình nguyện giải quyết sự cố - góc nhìn từ cơ sở

Sinh viên tình nguyện giải quyết sự cố - góc nhìn từ cơ sở
TP - Có một vấn đề chúng tôi cần phải nêu lên để sinh viên tình nguyện, cán bộ Đoàn các trường đại học, chính quyền địa phương, cán bộ Đoàn địa phương… cùng suy ngẫm, đó là cách giải quyết sự cố trong các chuyến tình nguyện.
Sinh viên tình nguyện giải quyết sự cố - góc nhìn từ cơ sở ảnh 1

Đêm giao lưu văn nghệ giữa Đội tình nguyện khoa Khoa học Quản lý và Đoàn xã Hương Ngải. Ảnh:Trung Thúy

Tiền phong số 248 (thứ Năm, ngày 4/9/2008) đăng bài Tình nguyện - Những sự cố bất ngờ, phản ánh một số tình huống bất ngờ trong chuyến tình nguyện hè năm 2008 của Đội tình nguyện khoa Khoa học Quản lý, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội (ĐHKHXH&NV) tại Thạch Thất, Hà Nội.

Sau khi báo phát hành, UBND xã Hương Ngải, Đoàn trường ĐHKHXH&NV Hà Nội đã có văn bản gửi Ban Biên tập báo Tiền phong trao đổi về một số chi tiết trong bài báo.

Phóng viên Tiền phong đã có các buổi làm việc với UBND xã, Đoàn xã Hương Ngải và Đoàn trường ĐHKHXH&NV Hà Nội. Từ đây, có một vấn đề chúng tôi cần phải nêu lên để sinh viên tình nguyện, cán bộ Đoàn các trường đại học, chính quyền địa phương, cán bộ Đoàn địa phương… cùng suy ngẫm, đó là cách giải quyết sự cố trong các chuyến tình nguyện.

Sự cố và cách ứng phó

Hoạt động của Đội tình nguyện khoa Khoa học Quản lý (KHQL) diễn ra từ 15/7 đến 5/8/2008 tại xã Hương Ngải. Trước khi Đội về Hương Ngải, Đoàn trường ĐHKHXH&NV Hà Nội đã cử đoàn cán bộ về tiền trạm. Trong 20 ngày làm việc tại đây, Đội đã nhận được sự giúp đỡ tận tình của Đảng ủy, UBND và sự phối hợp nhịp nhàng của Đoàn xã Hương Ngải.

Theo Chủ tịch UBND xã Hương Ngải Nguyễn Văn Hoa, Đội tình nguyện đã làm được khá nhiều việc cho địa phương và được bà con và các em thiếu nhi yêu quý. Đêm chia tay với Đội, bà con và các em thiếu nhi rất lưu luyến.

Tuy nhiên, thời gian tình nguyện tại đây đã xảy ra một số sự cố.

Sự cố thứ nhất: “Thực tế, theo báo cáo của Đội tình nguyện khoa KHQL, trong ngày thứ 6 và thứ 7 của đợt tình nguyện, có một nhóm thanh niên hư trong xã đến trêu và dọa nạt; do bảo quản không tốt nên trong đội có một số tình nguyện viên bị mất điện thoại di động và một bạn mất tiền.

Sau khi sự việc xảy ra, đại diện Đoàn Đại học Quốc gia Hà Nội, Đoàn trường ĐH KHXH&NV, Huyện Đoàn Thạch Thất và lãnh đạo địa phương đã có phiên làm việc rút kinh nghiệm với đội và an ninh xã…” -  (trích công văn Đoàn trường ĐH KHXH&NV Hà Nội gửi Ban Biên tập báo Tiền phong, do Bí thư Đoàn trường Trịnh Minh Thái ký ngày 8/9/2008).

Sự cố này cũng được Chủ tịch UBND xã Hương Ngải Nguyễn Văn Hoa xác nhận là có chuyện mất điện thoại trong đội tình nguyện. Xã Đội trưởng Hương Ngải Nguyễn Trần Vượng cũng khẳng định, có chuyện mất điện thoại và mất tiền (theo phản ánh của đội tình nguyện), tuy nhiên chưa xác minh (và khó xác minh) được nguyên nhân vì đội ở tập trung đông người...

Sự cố thứ hai: Trong thời gian tình nguyện tại Hương Ngải, tại một lớp học (tình nguyện viên dạy các em thiếu nhi của xã) có một người (theo lãnh đạo xã Hương Ngải là bị bệnh tâm thần) đã đến lớp và ném cành cây xuống bàn học, cành cây đập trở lại trúng trán một nữ tình nguyện viên, gây xây xước.

Sự việc xảy ra, nữ sinh đã được trưởng trạm y tế chăm sóc vết thương và khẳng định chỉ xây xước nhẹ. Gia đình của người bị bệnh tâm thần kia cũng đã đến thăm hỏi và xin lỗi nữ sinh tình nguyện.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, Bí thư Đoàn xã Hương Ngải… cũng đã đến thăm và lấy làm tiếc về sự việc kể trên. Tuy nhiên, theo lãnh đạo xã, Đội tình nguyện vẫn đề nghị lãnh đạo xã điều xe ô tô đưa nữ sinh bị thương đến Bệnh viện Việt Đức để điện não đồ. Tuy nhiên, các nhân viên y tế đã khẳng định, vết thương không nguy hiểm nên không nhất thiết phải đến Bệnh viện Việt Đức.

Cũng theo Chủ tịch UBND xã, Bí thư Đoàn xã, Xã đội trưởng Hương Ngải…, sáng hôm sau, theo kế hoạch Đội tình nguyện phối hợp cùng Đoàn xã đi quét dọn, làm sạch bia tưởng niệm liệt sỹ (chuẩn bị kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7/2008), cách trụ sở UBND xã và chỗ ở của Đội tình nguyện khoảng 15 - 20 m.

Có lẽ do sự cố mất cắp xảy ra, cộng với việc nữ sinh tình nguyện bị thương nên đội đã không tham gia hoạt động ấy như kế hoạch đề ra. Điều này khiến lãnh đạo xã và Đoàn xã phiền lòng.

Thậm chí khi xảy ra sự cố đội tình nguyện có dấu hiệu bất ổn về tâm lý, một số thành viên đã đòi bỏ về khi đợt tình nguyện chưa kết thúc. Được biết, sau đó Đoàn trường ĐH KHXH&NV Hà Nội đã cử cán bộ về Hương Ngải giải quyết sự cố này và mọi việc mới trở lại bình thường.

Tình nguyện: Không thể là cậu ấm, cô chiêu?

Sinh viên tình nguyện giải quyết sự cố - góc nhìn từ cơ sở ảnh 2
Lãnh đạo xã Hương Ngải tại buổi làm việc với phóng viên Tiền phong, ngày 4/10/2008 

Có lẽ nếu không có buổi làm việc giữa lãnh đạo xã Hương Ngải và phóng viên báo Tiền phong, buộc phải nói thẳng ra một số chuyện liên quan sinh viên tình nguyện, đặc biệt là cách giải quyết sự cố ở địa phương thì những “chuyện nhỏ” này sẽ chẳng có cơ hội được giãi bày. 

Tại buổi làm việc với chúng tôi đầu tháng 10/2008, đại diện lãnh đạo và các ban ngành xã Hương Ngải đã mổ xẻ rất nhiều vấn đề liên quan đến sinh viên tình nguyện, đặc biệt là cách giải quyết sự cố.

Các ý kiến cho rằng, tình nguyện là về với dân, giúp dân (nghèo, khó khăn, lạc hậu…) nên phải là những người có bản lĩnh, khỏe mạnh, biết xử lý tình huống, biết cách vượt qua khó khăn… để đạt được hiệu quả tốt nhất trong thời gian tình nguyện tại địa phương, để đi dân nhớ, ở dân thương. Tình nguyện viên không nên là những người yếu ớt, nhút nhát, kém bản lĩnh…

Nếu chỉ vấp một vấn đề lặt vặt trong cuộc sống hằng ngày mà không xử lý nổi, không làm chủ được bản thân hoặc làm to chuyện một cách không đáng có thì sao có thể giúp dân giải quyết khó khăn, sao có thể xông pha vào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, nguy hiểm.

Nếu bị trai làng trêu ghẹo mà nữ sinh coi đó là mối đe dọa rồi trốn tránh, phòng thủ thì có ổn không? Sao không nghĩ cách cảm hóa họ, kết bạn với họ? Gặp con nghiện hay thành phần bất hảo thì co cụm lại, đối phó, xa lánh…, thì đến những xóm liều, đến vùng có tệ nạn xã hội, sinh viên tình nguyện sẽ phải xử lý tình huống ra sao? Kỹ năng sinh viên tình nguyện được trang bị những gì?

Theo lãnh đạo xã Hương Ngải trước khi đi tình nguyện, sinh viên phải xác định mục đích rõ ràng, phải lượng cả sức mình nữa. Tình nguyện có nghĩa là lao vào nơi có khó khăn, gian khó, để cải tạo môi trường sống, để giúp đỡ người dân; qua đó sinh viên tình nguyện thu nhận được kinh nghiệm để lớn lên trong thực tiễn cuộc sống. Tình nguyện phải theo tinh thần: Đâu cần thanh niên có/Đâu khó có thanh niên.

Còn nữa

Lê Đạt - Phạm Anh

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.