Sinh viên với nỗi niềm tăng giá

Sinh viên với nỗi niềm tăng giá
(TPO) Giá cả sinh hoạt, học phí và cả nhà trọ nữa…cứ tăng đều đều mà tiền gia đình chu cấp không phải lúc nào cũng tỷ lệ thuận với chúng.

Tôi đến thăm Tuấn- anh bạn cùng quê theo địa chỉ ghi trên một mảnh giấy nhỏ ở “làng sinh viên” Phùng Khoang (Hà Nội). Loanh quanh vòng vèo mãi, tôi mới tìm được căn nhà đúng theo địa chỉ trên giấy. Căn phòng bé tí, độ 4 mét vuông chỉ đủ kê một chiếc giường và dựng một chiếc xe đạp là không còn chỗ trống. Dưới gầm giường là cơ man đồ đạc: hòm xiểng, chậu thau, bát đũa chưa rửa vứt lỏng chỏng. Bờ tường được trát bằng thứ vữa kém chất lượng đến nỗi hơi chạm nhẹ là rơi từng mảng. Tất cả việc ăn, học, nghỉ ngơi của cậu đều diễn ra trên chiếc giường này.

Khát khô cổ, tôi ngửa cổ định uống một miếng lớn. Nhưng ngay lập tức, tôi phải vươn cổ phun hết cả ra. “Nước gì mà có mùi thum thủm?”- Tôi nhăn nhó. “Nước giếng khoan ấy mà. Hình như nguồn nước ở đây bị ô nhiễm. Nhưng không dùng thì biết lấy gì ăn uống, giặt giũ?”- Tuấn giải thích. “Ngày nắng còn đỡ đấy, chứ ngày mưa thì ẩm thấp lắm. Nước ngập cả sàn nhà. Nhiều chú giun đào cả đất để chui lên nữa cơ. Đã thế mà họ đòi mỗi tháng không dưới 200 ngàn!”.

Ngoài chuyện nhà cửa vừa đắt đỏ, vừa mất vệ sinh, những người chủ còn kiêm luôn dịch vụ điện, nước với giá cắt cổ. Bình thường điện “nhà nước” khoảng 500đ một số, nhưng sinh viên thường phải trả với cái giá gấp đôi, gấp ba là chuyện bình thường. Cho nên sinh viên luôn phải tiết kiệm triệt để. Tuấn suốt ngày lên thư viện để khỏi tốn tiền điện ở nhà. TV, máy tính cũng không dám mở “vô tư” như trước trước nữa. Xóm trọ trở nên im ắng hẳn. Khoản nước sinh hoạt cũng không khá hơn. Việc tắm rửa được hạn chế tối đa. Những ai có bạn bè người thành phố thì tranh thủ đến tắm nhờ. Nước rửa mặt được tận dụng để giặt quần áo. Nước vo gạo, rửa rau được giữ lại để dội toilet…

Những nhà trọ “bình dân” cách đây vài ba tháng có giá từ 200 –300 ngàn đồng (dành cho 2 người ở) thì nay đã lên giá tới 300 - 400 ngàn. Đó là chưa kể tiền điện, nước. Đây là những nhà trọ dãy, mái lợp phibrôximăng, nước giếng khoan. Còn với những nhà trọ “cao cấp” hơn như nhà mái bằng, nước máy thì giá cả thường gấp đôi, gấp ba. Các chủ nhà giải thích là do vật giá tăng nên họ cũng không thể không tăng tiền nhà để bù vào.

... đến ký túc xá

 So với những cánh ngoại trú, SV nội trú có những phần thuận lợi hơn. Tiền nhà ở đã đóng cả năm, không phải lo tăng giảm gì. Điện nước cũng khá đầy đủ. Tuy vậy không hẳn “”dân ký túc” đã sướng hơn dân ngoài. Do qui định ở ký túc xá là không được nấu nướng gì hết, nên dân ký túc buộc phải đi ăn cơm quán. Trong xu thế tăng giá, các quán cơm cũng không chịu “tụt hậu”. “Trước chỉ cần 3000-4000đ là đã có một bữa ăn tươm tất. Song bây giờ gọi suất 5000đ cũng “chưa đâu vào đâu” – Lan Phương- P401 ký túc xá Mễ Trì than thở.

Số tiền đó là đối với nữ, còn “nam thực như hổ” thì bao nhiêu cũng không vừa. “Ngày nào mình cũng ăn suất 7000đ mà chỉ vừa ăn xong là đã có cảm giác đói. Nhiều khi mình định chuyển ra ngoài để tự nấu nướng cho tử tế, song nếu ra ngoài lại phải lo chuyện tiền nhà cửa, điện nước cũng chết!”- Mạnh Hùng- P305 ký túc xá ĐH Ngoại ngữ giãi bày. Hùng vào các bạn trong phòng thường phải mua bánh mì về ăn thêm. Lắm hôm cậu còn phải mua nước sôi về để pha mì tôm. “Ngay cả mì tôm cũng tăng từ 1000đ lên 1200đ /gói!”- Chiến Thắng- một người bạn cùng phòng với Hùng than thở.

 SV tiếp tục phải oằn lưng với chuyện đi lại. Ban đầu là giá xăng tăng. Rồi từ 1/4 là đến vé xe buýt. Tuy chỉ nhích lên chút ít nhưng cũng khiến cho nhiều sinh viên phải bớt đi những khoản khác. Thu Phương- P202 ký túc xá ĐH Ngoại thương tâm sự: “Giá cả sinh hoạt đắt đỏ quá nên em đã phải bỏ cái lệ hàng tuần đi xem phim với bạn trai ở rạp. Mặc dù anh ấy thường “bao” nhưng em vẫn không đi bởi em biết anh ấy cũng như mình”.

 Giá cả tăng cao, SV đã khổ, song gia đình, người thân họ ở quê cũng khổ không kém. “Cơn lốc” tăng giá buộc gia đình phải tăng thêm kinh phí cho họ. Bác Nguyễn Văn Quyền- phụ huynh của SV Nguyễn Văn Quyết (K48, khoa Văn, ĐHKHXH&VN - ĐHQGHN) nói: “Mặc dù điều kiện gia đình rất khó khăn, song chúng tôi vẫn cố gắng chu cấp thêm cho em nó. Nếu không đảm bảo sức khỏe thì làm sao có thể học được”. Những gia đình có một người con đi học đã vậy, song có những gia đình có tới 2, 3 người con cùng học một lúc thì quả là cam go.

 Và chính sách đầu tiên của SV là “thắt lưng buộc bụng”-tiết kiệm bằng mọi giá.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.