Sinh viên kham khổ thời dịch tiêu chảy cấp

Sinh viên kham khổ thời dịch tiêu chảy cấp
Thời dịch tiêu chảy cấp, sinh viên (SV) bỏ các quán ăn vỉa hè, chung nhau tiền mua đồ về tự nấu. SV nội trú không được nấu nướng thì ăn những món đồ khô chờ hết dịch...

Nhiều SV ở các khu nhà trọ đã “rút êm” khỏi các quán ăn vỉa hè, bình dân và chung nhau tiền sắm đồ nấu cơm.

Nguyệt, Hà, Thanh - nhóm SV Đại học Hà Nội, cùng phòng trọ tại khu vực Phùng Khoang (quận Thanh Xuân - Hà Nội), đã nấu cơm được 5 ngày nay. Họ cho biết: “Nghe nói dịch tiêu chảy nguy hiểm dễ lây lan qua đường ăn uống nên cả phòng góp mỗi người 200.000 đồng để sắm bếp về tự nấu nướng. Mất thời gian và có tốn tiền hơn nhưng ăn có cảm giác an toàn vì chính tay mình làm, không còn kiểu ăn khuất mắt trông coi”.

Tại các khu vực tập trung đông SV ở Hà Nội như Phùng Khoang, Mễ Trì (SV các trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Hà Nội, Đại học Khoa học Tự nhiên), Tạ Quang Bửu (Đại học Bách Khoa), Cầu Giấy (Đại học Quốc gia Hà Nội)… đều đang áp dụng kiểu “tự chăm sóc và bảo vệ mình". Vì thế, các quán cơm bụi bình dân đã ít khách hơn hẳn, một số quán bún đậu, bún riêu đã đóng cửa vì ế khách.

“Từ hôm nghe ti vi nói dịch tiêu chảy cấp lây lan nhanh, khách là SV đến quán ngày càng ít. Tối 10/11, một nửa thức ăn của quán bị ế, phải đổ đi nên ngừng bán luôn” - Chị Đoàn Thu Hồng, chủ quán cơm bình dân và bún riêu tại Phùng Khoang đã tạm thời đóng cửa, cho biết.

Nhiều SV nội trú và trong kí túc xá không được nấu nướng lại chọn giải pháp an toàn khác: ăn khô chờ… hết dịch. Đã 6 ngày nay, SV nhiều phòng trong KTX Học viện Báo chí Tuyên truyền lựa chọn cách ăn kiểu “giữ mình” vơi đồ chủ yếu là bánh mì, mì tôm.

“Ăn mãi cũng cảm thấy khó nuốt lắm rồi nhưng cứ bước vào mấy quán cơm vỉa hè thường ngày là cảm thấy rờn rợn, nuốt không trôi” - nhóm bạn Hà, Hương, Quý nội trú trong KTX của Học viện cho biết.

Ăn khô, không có rau, nhiều SV tìm cách mua các thứ hoa quả như cam, dưa chuột, củ đậu… ngâm muối kĩ và gọt vỏ để ăn kèm trong bữa cho đỡ ngán. “Thỉnh thoảng mới được bữa cải thiện bằng xúc xích hay thịt hộp nhưng cũng ngán lắm rồi. Ăn kiểu này chờ hết dịch không khéo thành suy dinh dưỡng mất” - nhóm bạn này than thở.

Không chỉ kiềm chế, giữ mình trong chuyện ăn, nhiều SV cũng tìm đồ uống an toàn. Sợ đá bẩn và không vệ sinh nên trà đá - loại thức uống “thịnh hành” trong SV, đang bị “thất sủng” và được thay thế bằng trà nóng. Nhiều nữ SV có thói quen ăn sữa chua và kem cũng phải gắng nhịn để “khi nào dịch hết thì ăn bù”.

Ý thức là “hàng rào” chống dịch

Trước cảnh báo của những cơ quan y tế về dịch tiêu chảy cấp có nguy cơ lây lan nhanh, rộng trong khu nội trú, nếu dịch bùng phát, ban quản lý KTX đã tìm mọi cách để ngăn ngừa. Tuy nhiên, các Ban quản lý đều cho rằng, “hàng rào” ngăn dịch quan trọng nhất là ý thức SV.

Ông Đào Văn Hải, Trưởng ban Quản lý KTX Mễ Trì, nơi từng bùng phát dịch sốt xuất huyết khiến một số SV phải nhập viện cho biết: Trong suốt một tuần nay, Ban Quản lý đã đưa những bản tin về tình hình dịch tiêu chảy cấp và những cách phòng tránh cơ bản trong ăn uống và vệ sinh chỗ ở cho SV nội trú trên đài phát thanh KTX.

Những tờ rơi cung cấp thông tin về dịch tiêu chảy cấp của Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Nội được Ban quản lý KTX phát tận phòng SV. “Ban quản lý KTX cũng khuyến cáo SV tự bảo vệ mình bằng cách ăn chín uống sôi và không ăn ở những quán ăn thiếu vệ sinh” - Ông Hải cho biết thêm.

Tại KTX trường Đại học Bách khoa, một trong những trường có số lượng SV nội trú lớn nhất Hà Nội, Ban quản lý KTX cũng đã phối hợp với Trung tâm Y tế của trường tiến hành kiểm tra các bể nước sinh hoạt, những nhà ăn tập thể. Ban quản lý KTX cũng đã huy động SV dọn dẹp toàn bộ những bãi rác quanh khu KTX để phòng dịch.

Ông Phạm Thanh Nghị, Giám đốc KTX Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, một ban vệ sinh của KTX đã được thành lập để giám sát việc giữ gìn vệ sinh của từng phòng và sẵn sàng chống dịch nếu bùng phát.

“Tuy nhiên, nhiều SV vẫn còn thờ ơ và tỏ ra chưa hiểu hết nguy cơ của dịch tiêu chảy cấp. Bằng chứng là việc ăn uống và giữ vệ sinh chung còn khá bừa bãi” - Ông Nghị nhận định.

Hiện nay, Ban quản lý các KTX đang lo lắng dịch tiêu chảy cấp lây lan trong SV từ các bếp ăn tập thể và căn-tin không đủ vệ sinh an toàn thực phẩm. Trưa 12/11, nhà ăn của KTX trường Đại học Xây dựng đã phải tạm thời đóng cửa vì một nhân viên nhà ăn mắc dịch tiêu chảy cấp, nằm tại viện Bạch Mai.

Ông Trần Quang Xứng, trưởng Ban quản lý KTX Đại học Xây dựng cho biết, đã phối hợp với các cơ quan y tế tiến hành rắc vôi bột khử trùng tại nhà ăn và xung quanh khu vực nơi có dịch. “Sợ mắc dịch, nhiều SV đã tìm đến những quán ăn thật xa khu nhà ăn phát dịch” - Lê Thanh Nghị, một SV của Đại học Xây dựng nói.

Theo Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.