Sói Biển đi lên từ bờ vực phá sản

Ông chủ chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển, Trần Quân
Ông chủ chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển, Trần Quân
TP - Trần Quân, sinh năm 1989, ông chủ trẻ của chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển đến điểm hẹn trễ khá lâu trong quần âu đen, áo sơ mi buông thõng, giản dị, chân xỏ giầy chưa được quá nửa bàn…

Quệt vội mồ hôi lấm tấm trên trán, Quân giải thích cho sự trễ giờ là anh đang bận chuẩn bị khai trương cửa hàng thứ 9 trên phố Trần Hưng Ðạo (Hà Nội). Quân bảo, mỗi lần mở cửa hàng đều bị vợ gàn vì sợ… thất bại nhưng các cửa hàng cứ thế lần lượt ra đời và thành công. “Vài tháng không mở được một cửa hàng là thấy bồn chồn, khó chịu. Nhưng để mở được một cửa hàng là mất ăn, mất ngủ, gầy rộc nhưng thích lắm”, Quân hào hứng mở đầu câu chuyện.

Gia đình Quân ở Ứng Hòa, Hà Nội. Từ nhỏ, Quân theo bố mẹ buôn bán phế liệu. Dù vậy, cậu luôn ao ước trở thành một doanh nhân thành đạt, tạo được sự ảnh hưởng trong xã hội. Cuốn sách: “Thế giới quả là rộng lớn và có rất nhiều việc phải làm” của tác giả Kim Woo Chung (nguyên Giám đốc Tập Ðoàn Deawoo) là một trong những tác nhân giúp Quân nuôi nguồn khát vọng đó.

Sau 2 năm ra trường, đi làm ở một vài công ty, Quân để dành được 20 triệu đồng, vay thêm 100 triệu đồng, năm 2013, Quân mở cửa hàng thực phẩm sạch mang tên Sói Biển. Mẹ phản đối quyết liệt. Phản đối không được còn… treo thưởng cho Quân 100 triệu đồng nếu cậu về quê làm việc với bố mẹ. Quân cứng đầu không chịu.

“Khi đi tìm nguồn thực phẩm sạch, tôi rất coi trọng tính cách của bạn hàng. Tôi chỉ làm bạn hàng với những người chân thành và thực sự tâm huyết, có tâm với thực phẩm sạch”.

Trần Quân, ông chủ Sói Biển

Ba tháng đầu, Sói Biển vắng hoe. Rau, củ úa vàng, thịt, cá ôi thiu phải mang đi đổ. Nhân viên chán xin nghỉ việc. Nguy cơ phá sản bên bờ vực thẳm. Quân không chấp nhận thất bại nhanh chóng thế. Anh gõ cửa từng nhà khách hàng đã mua sản phẩm của Sói Biển để tìm hiểu nguyên nhân. May mắn có những khách hàng góp ý chân thành, nguyên nhân chủ yếu do họ có lần mua thịt lợn về nấu có mùi hôi nên họ mất lòng tin về thực phẩm sạch của Sói Biển. Quân nhận lỗi, giải thích cho khách hàng hiểu nguyên do và cam kết hoàn tiền 100% nếu gặp lại sự cố như thế. Khách hàng dần quay trở lại nhưng cũng dè dặt.

Ðể chứng minh thực phẩm của Sói Biển tươi sạch, Quân tổ chức sự kiện mổ cá ngừ tại cửa hàng do chính tay anh thực hiện. “Thú thực từ nhỏ, tôi chưa bao giờ mổ cá. Tôi tìm các clip mổ cá ngừ của người Nhật Bản xem, học theo, rồi lấy từng miếng xốp cắt thực hành. Tôi còn kỳ công đặt một con dao dài, “sắc ngọt” tận Quảng Ngãi. Hôm đầu tiên mổ con cá ngừ nặng tới 60kg, tôi hơi rùng mình nhưng vẫn phải cố cười tươi trước mặt khách hàng”, Quân kể. Sự kiện trực tiếp mổ cá ngừ thành công ngoài mong đợi, khách đến xem, xếp hàng mua cá tắc cả đường. Cũng từ sự kiện đó, Sói Biển thoát cảnh ế ẩm. Khách hàng ngày càng đông, từ mua cá, họ mua thêm các sản phẩm khác của Sói Biển và dần tin yêu.

Sói Biển đi lên từ bờ vực phá sản ảnh 1

Trần Quân chan hòa bên những thành viên của Sói Biển

Ðể đảm bảo nguồn hàng sạch, Quân trực tiếp đi tìm nguồn hàng, tìm hiểu thông tin bạn hàng qua nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt, Quân trực tiếp kiểm tra, kiểm soát sản phẩm trước khi lên kệ bán cho khách hàng. “Khi đi tìm nguồn thực phẩm sạch, tôi rất coi trọng tính cách của bạn hàng. Tôi chỉ làm bạn hàng với những người chân thành và thực sự tâm huyết, có tâm với thực phẩm sạch”, Quân nói về tiêu chí lựa chọn thực phẩm của mình. Mỗi sản phẩm khi về cửa hàng, Quân đều cập nhật lên fanpage nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Quân cầu kỳ, kỹ tính và ham học hỏi. Quân kể, từ năm nhất đại học, dù cuộc sống sinh viên thiếu thốn nhưng cậu thường chọn các quán ăn ngon, đông khách để ăn với mục đích tìm hiểu: Vì sao quán đó đông khách, thái độ phục vụ, vị trí, thức ăn ra sao… Mở điện thoại với một kho hình ảnh, Quân khoe những ảnh chụp khi đến khảo cứu nguồn hàng và cả hình ảnh của những cửa hàng liên quan đến thực phẩm. Quân hào hứng chỉ vào từng bức ảnh rồi say sưa khen quán cà phê này biển hiệu sắc nét, dễ nhận diện, quán ăn này menu viết ấn tượng, độc đáo, cửa hàng tạp hóa này có các hộc kệ tiện ích,… Quân chụp những hình này lại để về tham khảo cho Sói Biển ngày càng hoàn hảo về mọi mặt.

Nói với nhau bằng ái ngữ

Quân luôn đề cao văn hóa doanh nghiệp. Quân bảo, dù làm gì, bán con cá, miếng thịt, mớ rau cũng phải có văn hóa riêng. Cùng với việc đặt mục tiêu lợi nhuận kinh doanh, Quân luôn nỗ lực xây dựng một môi trường làm việc giàu tính nhân văn, nhân ái tại Sói Biển. “Mỗi nhân viên khi đến với Sói Biển, yêu cầu cơ bản đầu tiên là biết “chào hỏi”, “dạ”, “vâng”, lắng nghe và chia sẻ với người khác. Nếu không có những vấn đề căn cốt đầu tiên đó, dù nhân viên đó giỏi đến mấy tôi cũng cho “out”, Quân chia sẻ. “Mỗi ngày đến cửa hàng, thấy nhân viên tíu tít, đoàn kết là tôi vui lắm, dù ngày đó doanh số bán hàng không đạt như mục tiêu. Dù có chuyện gì xảy ra, tôi luôn yêu cầu các nhân viên nói với nhau bằng những ái ngữ, đừng chỉ trích, xúc phạm nhau”, Trần Quân bộc bạch.

Sói Biển đi lên từ bờ vực phá sản ảnh 2

Nhưng điều khiến ông chủ chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch hãnh diện nhất là sự yêu quý của khách hàng. “Nhiều khách hàng mua sản phẩm của Sói Biển về xay sinh tố, nấu chè…  rồi mang ra mời nhân viên ăn. Có những khách hàng đi du lịch còn mua quà về tặng, hay có người còn làm phong bao lì xì mừng tuổi nhân viên Sói Biển nhân dịp năm mới”, Quân chia sẻ.

Từ nguy cơ phá sản, sau gần 3 năm, Quân xây dựng được chuỗi 9 cửa hàng thực phẩm sạch, giải quyết việc làm cho hơn 60 nhân viên. Tính trung bình mỗi ngày có 1.500 khách hàng đến với Sói Biển. Khát vọng lớn nhất của Quân là xây dựng 1.000 cửa hàng thực phẩm sạch trải dài khắp đất nước.

MỚI - NÓNG