Sức hút của bản sắc văn hóa

Sức hút của bản sắc văn hóa
TP- Sự hội tụ văn hoá đặc sắc của 7 vùng miền đã tạo nên một không gian văn hóa đa dạng, sống động. Giới trẻ đã có dịp chiêm ngưỡng không gian văn hóa các vùng miền, diễn ra từ ngày 6-9/10 tại số 2 Vân Hồ, Hà Nội.

Đọng lại trong lòng giới trẻ tham gia buổi giao lưu văn hóa vùng miền là nhiều nhạc cụ như: đàn đá, cồng, chiêng, khèn bầu, tù và, đàn tơ rưng, đàn tre...được trưng bày bắt mắt.

Các chàng trai, cô gái Bình Phước biểu diễn đã thu hút đông đảo người xem. Vượt hơn nghìn cây số đường, đoàn Bình Phước với “độc đáo nét  S‘Tiêng” đã để lại ấn tượng tốt đẹp.

Bùi Kim Thư 24 tuổi, thành viên của đoàn với trang phục dân tộc S‘Tiêng chơi đàn đá suốt buổi sáng khai mạc. Khoảng hơn chục chàng trai, cô gái mặc trang phục truyền thống nắm tay nhảy múa.

Chị Kiều Thanh Giang, Trưởng đoàn Bình Phước, cho biết: “Để ra Hà Nội tham dự triển lãm lần này, cả đoàn đã phải tập luyện cả tháng. Ai cũng háo hức vì rất nhiều bạn trẻ lần đầu tiên được ra Hà Nội. Nhạc cụ đặc sắc nhất của vùng miền đó là cồng, chiêng”. 

Nguyễn Mạnh Nam, sinh viên trường Đại học Ngoại thương lại ấn tượng với đoàn đoàn Lào Cai, bởi điệu múa Pút tồng đầy đam mê. Nam hồ hởi: “Mình đã đến Lào Cai rồi nhưng đây là lần đầu tiên được chứng kiến những hình ảnh độc đáo như thế này”.

Ông Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch Lào Cai cho biết, múa Pút tồng là trích đoạn trong lễ hội dân gian dân tộc Dao. Ba thanh niên trong trang phục dân tộc nhảy múa quanh đống lửa, nhập đồng, bẻ cổ gà sống để cúng ông bà tổ tiên. Lúc lên đồng, những thanh niên này vốc than đang cháy tung lên quanh mình”.

Hà Nội ghi dấu văn hóa nghìn năm Thăng Long; Bắc Ninh giới thiệu sự ngọt ngào của những câu quan họ, sự ấm nồng của những miếng trầu têm cánh phượng. Tỉnh Đắc Lắk chủ yếu là cồng, chiêng, trang phục dân tộc.

Ông Ngô Quang Hưng - Phó Vụ trưởng - Phó trưởng ban tổ chức ngày hội ghi vào sổ lưu niệm của gian hàng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam: “73 bức tranh trưng bày hướng về đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã thực sự gây cảm xúc mạnh về bản sắc mỹ thuật truyền thống của đất nước ta”.

Quà quê hút khách teen

Từ trước đến nay, teen Hà thành vốn quen với những quán ăn trên phố, trong hẻm chen chúc, ồn ào. Ngày hội giao lưu, không gian văn hóa không thể quên đó là các gian hàng ẩm thực. Những món ăn dân dã truyền thống thôn quê như: bún ốc, nem cuốn, phở bò, bánh cuốn, bánh đúc, bánh tôm chiên... thực sự là những món khoái khẩu níu kéo khách teen.

Ông Từ Mạnh Lương, Trưởng ban tổ chức cho biết: Các vùng miền đều có những nét văn hóa truyền thống rất độc đáo, ý nghĩa, nhưng không phải ai cũng biết đến một cách sâu sắc, đặc biệt các bạn trẻ. Vì thế triển lãm lần này kéo dài 3 ngày sẽ là cơ hội quảng bá hình ảnh các vùng miền cũng như nền văn hóa đặc sắc của dân tộc. Mở cửa tự do, khuyến khích nhiều người đặc biệt học sinh, sinh viên tham dự để hiểu biết văn hóa là điều Ban tổ chức hướng đến. 

Những chiếc mẹt nan xinh xắn, chiếc quang gánh dáng dấp cổ xưa, những cô bán hàng yếm thắm lụa đào, mớ ba mớ bảy rạng ngời trở thành điểm nhấn của ngày hội.

Gian hàng chợ quê mang tên Hoa sữa gây ấn tượng đặc biệt bởi  những chàng trai trẻ với áo dài và khăn xếp đon đả mời khách.

Đức Duy trường THPT Trưng Vương chia sẻ: “Những gian hàng ăn uống này rất lạ mắt. Em đã ăn liền 2 bát bún đấy”.

Những món ăn bày bán tại lễ hội do các bạn sinh viên năm cuối trường Trung học Kinh tế du lịch Hoa Sữa tự thiết kế và trực tiếp phục vụ bày bán cho thực khách. Dịp lễ hội này giống như những buổi thực tập bổ ích để các bạn học viên rút ra cho mình được nhiều kinh nghiệm.

Nguyễn Văn Hân (20 tuổi) K12C nấu ăn Á, cho biết: “Được trực tiếp bán hàng cho khách sẽ giúp mình hiểu được tâm lý khách hàng, nhận biết được những khẩu vị khác nhau để từ đó nấu được những món ăn ngon, được nhiều người thích”. 

Những ngày văn hóa vùng miền toàn quốc diễn ra tại Hà Nội vào đúng dịp Thành phố kỷ niệm  54 năm Ngày Giải phóng Thủ đô thực sự là cơ hội tốt để giới trẻ hiểu thêm về bản sắc văn hóa Việt Nam.

MỚI - NÓNG