Sức hút của một hội thi

Trần Văn Đông (thứ 3, từ trái qua) cùng đồng đội giành giải Nhất vòng thi Cụm.
Trần Văn Đông (thứ 3, từ trái qua) cùng đồng đội giành giải Nhất vòng thi Cụm.
TP - Sự đổi mới, sáng tạo về cách thi các bộ môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của Hội thi “Ánh sáng soi đường” lần thứ 2, năm 2017 đã thu hút hàng ngàn sinh viên tham gia.

Trần Văn Đông, sinh viên năm 3, khoa Quản lý Tài nguyên, ĐH Nông Lâm Thái Nguyên là một trong những thí sinh của Hội thi “Ánh sáng soi đường” lần thứ II, năm 2017. Đông cho biết, mình có niềm đam mê học các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đông nói, sau hơn 2 tháng tham gia Hội thi “Ánh sáng soi đường”, cậu bị sụt cân và rất “đói ngủ”. Bởi đêm nào Đông cũng chong đèn học đến 3 giờ sáng.

Trước khi đến với hội thi, Đông không mấy mặn mà với mấy môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vì thấy “khó nhằn”. Khi tham gia “Ánh sáng soi đường”, cậu đã lao vào học vì càng học càng thấy thuyết phục bởi những nội dung của môn học. “Trừ những lúc ngủ, nghỉ còn lại em học suốt ngày. Thời gian biểu của em bị đảo lộn. Những thói quen, sở thích hàng ngày như chơi thể thao, đi dạo với bạn bè em đều bỏ hết.

Em học không hẳn vì để thi đạt giải cao mà khi học một cách bài bản, dưới sự chỉ dẫn của thầy cô giáo em thấy mấy bộ môn này rất thú vị, khai thông sự hiểu biết, tư tưởng của em rất nhiều”, Đông tâm sự. Ngoài đọc các cuốn sách giáo trình, Đông sử dụng internet như một công cụ hỗ trợ đắc lực trong tra cứu thông tin, tài liệu để học và liên hệ thực tiễn. Đông còn kiên trì đọc, chép để ghi nhớ kiến thức được lâu hơn.

Để trở thành 1 trong 7 thành viên đội tuyển Thái Nguyên tranh tài tại hội thi, Đông đã vượt qua vòng tuyển chọn khắt khe của Tỉnh Đoàn Thái Nguyên, vượt qua 50 sinh viên xuất sắc đến từ các trường đại học, cao đẳng khác trên toàn tỉnh. Hiện Đông cùng đội tuyển Thái Nguyên đang tích cực ôn thi để chuẩn bị bước vào vòng thi chung kết khu vực miền Bắc.

“Mọt sách” Trần Văn Đông là chàng trai dân tộc Ráy, sinh ra, lớn lên tại xã Bản Qua, Bát Xát (Lào Cai). Để có chi phí trang trải cuộc sống sinh viên, Đông làm thêm nhiều nghề khác nhau. Đông ước mơ, sau này ra trường sẽ về quê làm việc góp phần đổi thay quê hương.

Càng học càng thấy hữu ích

“Khi đăng ký tham gia Hội thi “Ánh sáng soi đường”, mấy đứa bạn cứ “ố”, “á” ngạc nhiên, không tin em làm được. Chúng bảo, người học giỏi mấy bộ môn khoa học Mác - Lênin phải trông trầm tĩnh, mọt sách… “bác học” chút, chứ em “quậy” thế này không hợp. Thú thực, trước đây, em học mấy môn này theo kiểu đối phó lấy điểm thôi nhưng giờ thì khác rồi”, Triệu Nguyễn Ngọc Bình, sinh viên năm 3, khoa Nhân học, ĐH KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội mở đầu câu chuyện. Ngọc Bình tự tin, sau hơn 2 tháng tham gia hội thi, giờ có thể làm gia sư cho các bạn khác học các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đạt điểm khá. Có sự tự tin đó, Ngọc Bình cho rằng do được các thầy cô giáo truyền lửa và chia sẻ phương pháp học.

“Càng học càng thấy thú vị, hữu ích chứ không khô cứng chút nào, Triết học Mác - Lênin giúp chúng ta giải thích được các hiện tượng xung quanh mình; tư tưởng Hồ Chí Minh giúp vận dụng vào đời thường”, Bình nói.

Hiện Bình được tin tưởng giao giữ vai trò là đội trưởng đội tuyển TP Hà Nội. Bình kể thời gian này, khi tìm ra được phương pháp học hay, cả đội học không thấy mệt. Những thời điểm cao điểm ôn thi vòng thi cụm, rồi chuẩn bị bước vào thi khu vực, cả đội học ôn cả ngày trên trường cùng thầy cô giáo, tối học nhóm hoặc tự ôn. “Chúng em lập một nhóm để chia sẻ tài liệu, chia chủ đề ôn thi, thảo luận, có khi tranh luận “nảy lửa”, thầy cô phân giải mới xong”, Bình chia sẻ.

Hội thi Olympic toàn quốc các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh “Ánh sáng soi đường” lần thứ II, năm 2017 do Ban Tuyên giáo T.Ư Đảng, T.Ư Đoàn, Bộ GD&ĐT tổ chức. Hội thi đã tìm ra 9 đội lọt vào vòng chung kết khu vực. Ngày 5/5, diễn ra vòng chung kết khu vực miền Bắc và miền Nam.

GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn, nguyên Viện trưởng Viện Triết học, Trưởng ban giám khảo Hội thi “Ánh sáng soi đường” lần thứ II, năm 2017, đánh giá: “Điều tôi trân trọng nhất là tinh thần ham hiểu biết, chịu khó học hỏi của các em. Có những câu hỏi rất khó, đề cập đến mảng kiến thức sâu, toàn diện về Triết học, Kinh tế Chính trị, Tư tưởng Hồ Chí Minh nhưng các em đều nhanh chóng trả lời được. Điều đó chứng tỏ, có thể do phương pháp dạy, giáo trình chưa hợp lý khiến trước nay phần đông các em sinh viên có tâm lý e ngại”.

MỚI - NÓNG