Sức mạnh của cô bé tật nguyền

Sức mạnh của cô bé tật nguyền
TP - Bị tai nạn mất một chân từ khi học mẫu giáo, bố bại liệt, gia đình nghèo khó, nhưng vẫn vươn lên học giỏi, là câu chuyện xúc động về cô bé Lê Thị An (thôn Duy Hòa, xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong, Quảng Trị).
Sức mạnh của cô bé tật nguyền ảnh 1
Hai cha con tật nguyền vẫn khát khao ngày mai tươi đẹp hơn

Men theo con đường làng đầy cát trắng, không quá khó khăn để hỏi nhà cô bé An, vì hầu như ai cũng thốt lên: “Cái con bé học giỏi khủng khiếp nớ phải không? Ai mà không biết”.

Ngôi nhà vỏn vẹn chưa đầy 20 mét vuông, hai phần ba chỗ trống trong nhà phải dành để bố trí giường bệnh và bàn học.  Đồ đạc giá trị nhất chỉ có chiếc tivi cũ. Dù vết thương đang sưng tấy, cô bé vẫn tỏ ra vui vẻ, lạc quan khi chuyện trò.

“Họa vô đơn chí”

Năm 1999, một lần đi học mẫu giáo về, An bị một chiếc xe tải chở cát cán nát chân trái phải cắt bỏ, thời gian nằm viện ròng rã gần nửa năm trời. Từ đó đến nay, em trải qua chín lần phẫu thuật để tái tạo mỏm cùi làm chân giả. Phần đùi bị dập nát phải lấy da từ bộ phận khác để cấy vào nhiều lần nay cũng đã hết sạch da. Vết thương nhiễm trùng nặng khiến cô bé quằn quại.

“Vậy mà mỗi lần lên cơn đau, cháu không cho bố mẹ biết vì sợ chúng tôi lo lắng “ - Anh Lê Văn Anh, ba của An kể.

“Họa vô đơn chí”, người cha ốm đau dần chuyển thành bại liệt, vừa đau nỗi đau của con và của mình. Anh không làm gì được, đành ngồi vá lốp xe đạp trước nhà, mong kiếm thêm tiền thuốc thang cho con.

Các anh chị lớn của An đều đi vào Nam làm ăn, những đứa em còn lại thì quá bé để hiểu được nỗi đau của mọi người. Việc mưu sinh và thuốc thang chữa chạy đều trông cậy vào chị Phạm Thị Thiết, mẹ em An, với ba sào ruộng cỏn con.

Chị Thiết bùi ngùi: “Mỗi lần đưa cháu đi Huế mổ là cả nhà phải vay mượn khắp nơi. Đợt này, bệnh viện đưa ra chi phí là tám triệu. Không biết làm sao mà xoay xở nữa”.

Chống nạng học mót tiếng Anh

Trước khi gặp An, tôi cứ hình dung đó có lẽ là một cô bé ốm yếu, với vẻ mặt buồn rầu, đầy bi quan về cuộc sống. Nhưng khi gặp, tôi mới biết là mình đã lầm. Phải nói rằng, An rất tự tin, trong giao tiếp, lời lẽ tràn đầy niềm lạc quan về một tương lai tươi sáng hơn.

Hỏi về nỗi đau, em chỉ nói: “Lúc đó, em còn quá bé để cảm nhận. Chỉ thấy bố mẹ khóc nhiều mà thôi. Còn hôm nay, dù đau đớn vẫn còn nhưng em vẫn tự nhủ mình càng phải cố gắng hơn”.

Nghị lực ấy giúp em vượt qua khó khăn để đạt được những thành tích đáng nể. Liên tục trong chín năm liền em luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Gần đây nhất là giải khuyến khích môn Tiếng Anh cấp tỉnh, giải Ba Tiếng Anh của huyện.

Hiện, em là học sinh lớp 10 trường THPT Nguyễn Hữu Thạnh. Môn học mà An yêu thích nhất là Tiếng Anh và Toán. An mê môn Tiếng Anh đến mức mỗi lần nhà hàng xóm mở truyền hình cáp có kênh thời sự của nước ngoài, em lại tập tễnh chống nạng sang xem. Rồi tranh thủ ghi chép các từ mới, cấu trúc ngữ pháp vào quyển sổ được chắp vá từ những mảnh giấy nháp thô ráp.

Dù biết con gái mình giàu nghị lực, sống luôn đầy những hoài bão và mơ ước về ngày mai, bố An vẫn buồn. Làm sao anh quên được cái lúc con mình tập đi từng bước khó nhọc, rồi ngã nhào trên con đường làng. Rồi trong vài tháng tới, khi mà mùa mưa bão đến gần, lấy gì để ăn qua ngày chứ chưa nói đến việc chữa lành vết thương cho con. Anh khóc và nói: “Không biết khi vợ chồng tui chết rồi, ai sẽ lo cho nó đây”.

Chia tay gia đình, tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh về hai bố con. Bố  An cứ nhắc đi nhắc lại tâm nguyện cao cả nhất của đời mình là mong An sớm lành lặn để có thể biến ước mơ của mình thành sự thật.

MỚI - NÓNG