Tháng Thanh niên tại Sơn La:

Sức sống mới trên cao nguyên

Sức sống mới trên cao nguyên
TP - Từ Quốc lộ số 43 phải vượt qua hơn 4km đường lầy lội và mù sương, vòng vèo qua những triền núi đá lởm chởm mới đến Trung tâm phát triển nông lâm nghiệp của Tổng đội TNXP Vạn Xuân.
Sức sống mới trên cao nguyên ảnh 1
Công nhân Tổng đội TNXP Vạn Xuân chăm sóc cây ngân hạnh trong vườn ươm

Qua được quãng đường gập ghềnh ấy, ta sẽ bắt gặp cả một triền núi đất đỏ thoai thoải với những mầm xanh trải ngút tầm mắt hiện ra.

48 ha đất thuộc xã Phiên Luông, huyện Mộc Châu trước đây vốn chỉ để trỉa ngô, giờ đây đã được dùng để ươm trồng một loại cây mới với cái tên thật quyến rũ: ngân hạnh ( tên khoa học là ginko biloba, còn có tên gọi khác là bạch quả, hạnh nhân).

Theo chân những công nhân trẻ của Tổng đội TNXP Vạn Xuân, chúng tôi leo lên những luống đất cao nơi những cây ngân hạnh đang sinh sôi. Những vườn cây ngân hạnh hơn 1 năm tuổi vừa qua mùa rụng lá, đang nhú lên những chồi non xanh biếc.

Ở một góc vườn ươm, cây ngân hạnh chúa được cấy ghép đã cao hơn đầu người, ra những chùm lá hình rẻ quạt xum xuê , báo hiệu sự sinh trưởng tốt.

Nếu thuận lợi, chỉ 5-10 năm nữa, những cây ngân hạnh này sẽ được nhân rộng khắp tỉnh Sơn La và nhiều địa phương trên toàn quốc. Vừa cho loại gỗ tốt, không cong vênh, cây ngân hạnh vừa cho lá và quả đều có thể làm dược liệu quý chữa nhiều bệnh và phục vụ công nghiệp thực phẩm...

Ngoài ra cây ngân hạnh còn có khả năng chịu nhiệt tốt, thích hợp cho việc trồng vành đai rừng phòng hộ, và có khả năng cung cấp ô xi gấp 5-6 lần những loại cây bình thường, nên có giá trị rất cao về mặt môi trường.

Nếu được trồng ở những thành phố lớn và khu công nghiệp, chúng sẽ có tác dụng thanh lọc độc và bụi bẩn, đem lại cảnh đẹp cho đô thị.

“Huyện Mộc Châu lâu nay được biết đến chỉ với 3 loại cây: mận, đào và chè. Chúng tôi hy vọng chỉ trong vài chục năm nữa, cây ngân hạnh cũng sẽ là một loại cây chủ đạo ở đây” - Tổng đội phó thường trực của Tổng đội TNXP Vạn Xuân kiêm Giám đốc Trung tâm - ông Hà Đức Thuần cho biết.

Dự án ươm trồng cây ngân hạnh chính là dự án mà Cty Vạn Xuân đang làm chủ đầu tư, với sự hợp tác của Cty Shinwha Hàn Quốc. Đây là dự án của T.Ư Đoàn được Bộ NN & PTNT cấp phép hơn 2 năm nay, nhằm đem lại hiệu quả kinh tế và môi trường mới cho cao nguyên Mộc Châu.

Hiện nay, ngoài 48 ha tại Phiên Luông, cây ngân hạnh còn được ươm trồng trên diện tích hơn 1 ha trong khu tái định cư Tân Lập thuộc dự án thuỷ điện Sơn La.

Đây cũng là một cơ hội và hướng đi mới tạo điều kiện công ăn việc làm cho bà con khu tái định cư. Sắp tới, cây ngân hạnh cũng sẽ được đem trồng thử ở nhiều tỉnh và thành phố, cũng như nhiều khu di tích thắng cảnh như Lăng Bác, Đền thờ các vua Hùng...

Những lợi ích của cây ngân hạnh chính là động lực để Tổng đội TNXP Vạn Xuân gắn bó với ngân hạnh suốt 2 năm qua. “Trồng và phát triển ngân hạnh không khó, song vẫn đòi hỏi sự kiên trì và thời gian thử nghiệm lâu dài” - Anh Lê Đức Việt, Phó Giám đốc trung tâm cho hay.

“Thời gian đầu tiên phát triển cây, những tưởng ngân hạnh sẽ có thể phát triển bình thường như tại nước bạn Hàn Quốc, song cũng có nhiều vấn đề nảy sinh như bọ cánh cứng xuất hiện ăn lá phá hoại cây. Tuy vậy chúng tôi đã có ngay thuốc để phòng và cố gắng tạo điều kiện cho cây phát triển bình thường”.

Dự án trồng ngân hạnh chính là công trình đầu tiên gắn với sự nghiệp của chàng kỹ sư lâm nghiệp trẻ tuổi này. Niềm tin vào khả năng phát triển của ngân hạnh không chỉ có ở kỹ sư Việt mà còn có ở 22 cán bộ thanh niên thuộc tổng đội, những người đang ngày đêm gắn bó với vườn ươm.

Những công nhân ở đây đa phần còn rất trẻ, tuổi đời mới chỉ từ 22 đến 30, và trong đó có tới 15 người là thanh niên dân tộc tại địa phương. Rất nhiều người có gia đình, đã chấp nhận rời xa mái ấm để lập nghiệp và chịu thử thách với ngân hạnh.

Sống và làm việc trong một môi trường sinh hoạt khá thiếu thốn: đường sá lầy lội và cách xa trung tâm, điện mới được kéo đến chưa đầy nửa năm, phải trồng thêm rau và nuôi thỏ để tăng gia cải thiện bữa ăn hàng ngày... song họ vẫn gắn bó và miệt mài với công việc của mình.

Bản thân Giám đốc Trung tâm Hà Đức Thuần cũng phải chấp nhận cảnh một tháng ít nhất 5 lần vượt gần 200km từ Hà Nội đến Mộc Châu để trông coi và quản lý dự án.

Anh Nguyễn Ngọc Thủy, một công nhân người Hà Nội cho hay: “Sống ở thủ đô, lại đã có vợ và con, tôi xa gia đình lên đây đã 2 năm. Công việc tuy có vất vả, tùy thuộc vào nắng mưa, song cây cối vẫn sinh trưởng tốt, anh em chúng tôi càng có động lực để làm việc.

Sống giữa thiên nhiên ngút ngàn, lại sắp được đầu tư tivi và sân bóng để cải thiện đời sống tinh thần, chúng tôi thấy yên tâm công tác hơn”.

Với nhiều công nhân là người dân tộc địa phương, dự án trồng ngân hạnh chính là cơ hội cải thiện thu nhập và tạo việc làm cho họ. Thu nhập của mỗi người giờ đã đạt từ 900 nghìn đến 1 triệu đồng mỗi tháng. Tất cả đều tin tưởng ngân hạnh sẽ đem lại một sức sống mới cho cao nguyên Mộc Châu.

MỚI - NÓNG