Sưu tầm những hạt mồ hôi

Sưu tầm những hạt mồ hôi
TP - Học điêu khắc, hội họa một năm ở Ý, đặt chân tới những bảo tàng của Turin (Ý), Berlin (Đức), Amsterdam (Hà Lan), Warsaw (Ba Lan) và Brussels (Bỉ)… nhưng trở về Việt Nam, Phương Linh (SN 1985) lại ra mắt triển lãm Muối.
Sưu tầm những hạt mồ hôi ảnh 1
Nguyễn Phương Linh


Làm cách nào Phương Linh có thể thu thập 700 bộ quần áo cũ để tạo nên tác phẩm Hoa, trong đó 1/10 là của diêm dân?

Trong quá trình đi thực tế ở các vùng làm muối ven biển từ miền Bắc đến miền Nam, Linh ghé vào từng nhà xin quần áo của diêm dân. Tổng số quần áo xin được là 70 chiếc.

Những quần áo của người dân làm muối có đặc điểm là chống sờn rách hơn các quần áo của người dân lao động khác vì họ phải làm việc với nước biển, dưới nắng gắt cộng với công việc nặng nhọc.

Sau đó, Linh quyết định đi xin thêm quần áo của lao động ở nông thôn: Người làm lúa, thợ thủ công mỹ nghệ, nhân viên nhà máy, xe ôm, và cả quần áo của bạn bè… vì Linh nghĩ tất cả chúng ta đều có mồ hôi, tất cả chúng ta đều có muối trong người. Linh làm công việc đi sưu tầm những hạt mồ hôi của mọi người.

Câu chuyện trong video về diêm dân có tác dụng tương hỗ trong triển lãm ra sao?

Sưu tầm những hạt mồ hôi ảnh 2
Tác phẩm Thuyền làm từ 3 tấn muối

Phim tài liệu ghi lại cách làm muối khác nhau giữa ba miền, thể hiện những con người, những mối quan tâm giống nhau và khác nhau. Nó cũng giống như một đoạn phim nhật ký về những người Linh đi nghiên cứu và sống cùng người dân làm muối, nói chuyện và tạo mối quan hệ với họ để họ thoải mái tâm sự về cuộc sống.

Video này được đặt giữa những tác phẩm điêu khắc, ảnh và sắp đặt… tất cả “muối” và áo quần Linh lấy về đều có gốc từ những con người và vùng miền làm muối trong phim.

Rớt đại học hai lần, lập nghiệp từ những ý tưởng mỹ thuật của riêng mình, giờ Phương Linh có thấy cần vào đại học?

Nếu được học những bộ môn mình thiếu như lịch sử mỹ thuật, trình diễn hay video…, được nghe những lời phê bình sâu sắc từ các giáo sư về công việc thực hành nghệ thuật đương đại, và được sáng tác với những người cùng đam mê… thì việc đi học quá cần thiết và tuyệt vời.

Tiếc là Linh không tìm được những điều như thế ở trường đại học trong nước, nên không học đại học tiếp nữa. Nếu có cơ hội học các chương trình sáng tác cho nghệ sĩ hay học thạc sĩ ở nước ngoài thì chắc chắn Linh sẽ đi.

Ngoài vải vóc, áo quần, chất liệu tạo nên “Muối” còn gì nữa?

Trong triển lãm có trưng bày thêm 11 bức ảnh Linh chụp muối trong quá trình đi thực tế ở các làng muối Việt Nam. Tất nhiên, còn có ba tác phẩm điêu khắc bằng chất liệu muối đất Việt nữa.

Tung tẩy Bắc - Trung - Nam để ra “Muối”, đột phá tiếp theo của Phương Linh sẽ... lên rừng?!

Bây giờ Linh chưa nghĩ tới. Lên rừng để đi chơi thôi, không đặt ra kế hoạch phải làm gì, cũng có khi lại tìm thấy chất liệu và cảm hứng gì mới Linh cũng chưa biết nữa.

+ “Rất đa dạng và bất ngờ. Có người nói cái thuyền muối của Linh giống như một kho báu được đào lên và đặt ngay chính giữa gallery. Mặc dù chất liệu muối Việt Nam là những hạt thô, to và vẫn còn dính bẩn nhưng dưới ánh sáng của đèn, lại được ép gọn vào một khối điêu khắc đặc, trông cũng lấp lánh và tỏa sáng.Khối muối đấy thì thấy sợ, ba tấn muối cũng có thể làm nên sức phá hoại khủng khiếp cho máy móc, sức khỏe” – Độc giả đến với triển lãm “Muối” của Phương Linh, khai mạc hôm  21/8.

+ “Muối” đặt tại Phòng tranh Quỳnh, 65 Đề Thám, quận 1, TPHCM kéo dài đến 5/9 do Quỹ Phát triển và Trao đổi Văn hóa CDEF của Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội hỗ trợ.

Phương Linh dùng tới 4 tấn muối để tạo nên các tác phẩm “Thuyền”, “Núi”, “Hoa” và “Tan chảy”.

Muối - chất liệu chính, Phương Linh mua ngay tại Sài Gòn, dùng một chiếc khuôn nhỏ, vồ và nước muối hòa tan để cô đặc. Để hoàn thành “Muối” và mất bốn tháng mới ra mắt công chúng. 18 giờ hôm nay, 25/8, Phương Linh sẽ thuyết trình và trò chuyện cùng người xem.

MỚI - NÓNG