Tâm sự của nhóm sinh viên Mỹ đến VN ủng hộ nạn nhân chất độc da cam

Tâm sự của nhóm sinh viên Mỹ đến VN ủng hộ nạn nhân chất độc da cam
(TPO) Tại Mỹ, để có kinh phí cho chuyến đi này, họ đã phải làm mọi việc từ đưa bánh pizza, nấu các món ăn Việt Nam để bán đến quét tuyết, đi bán đồ cũ...
Tâm sự của nhóm sinh viên Mỹ đến VN ủng hộ nạn nhân chất độc da cam ảnh 1
Nhóm sinh viên Mỹ ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam  trước khi lên đường sang VN.

"30 năm đã trôi qua kể từ khi cuộc chiến tranh ở Việt Nam kết thúc. Một thế hệ đã sinh ra và lớn lên. Nhìn bề ngoài có thể nghĩ cuộc sống bình thường đã quay trở lại đối với người dân. Sự thật hoàn toàn không như thế!

Bóng ma có tên “Chất độc da cam” đang lơ lửng và phá hủy cuộc sống của cả triệu người dân Việt Nam. Chúng tôi là nhóm sinh viên và cán bộ giảng dạy của trường Đại học Ohio Wesleyan (OWU) đến Việt Nam trong kỳ nghỉ Xuân để chia sẻ tình yêu và sự chăm sóc của mình đối với các trẻ em là nạn nhân chất độc da cam.

GS Nhân cho biết việc đoàn sang Việt Nam với mục đích ủng hộ nạn nhân chất độc da cam cho thấy thanh niên Mỹ quan tâm đến hậu quả cuộc chiến tranh hóa học mà Mỹ tiến hành ở nước ta. Trong cuộc gặp, các sinh viên Mỹ bày tỏ mong muốn những Cty hóa chất Mỹ phải có trách nhiệm đối với các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Tại cuộc gặp đoàn sinh viên Mỹ tặng Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam 10 triệu đồng.

Theo lịch trình đoàn đã giao lưu với học sinh Làng Hoà Bình Thanh Xuân (Hà Nội), Làng Hữu Nghị (Vân Canh, Hoài Đức, Hà Tây) và trường Hoa Phượng (Hải Phòng). Đoàn sinh viên Mỹ đã tặng mỗi cơ sở 10 triệu đồng.

Chất độc này không chỉ tác động đến người Việt Nam mà rất nhiều binh sĩ Mỹ cũng đã bị nhiễm độc. Hiện vẫn còn những đứa trẻ sinh ra bị dị tật do tác động của loại chất độc nguy hiểm này".

Đó là những lời tâm sự chân tình của nhóm 8 sinh viên và 2 giáo viên người Mỹ sang Việt Nam để ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam.

Chuyến đi của nhóm sinh viên chỉ được Đại học Ohio Wesleyan (OWU) tài trợ 1/3 kinh phí, còn lại đều do các bạn sinh viên trong nhóm tự quyên góp. Để có tiền các bạn đã đi đưa bánh pizza, nấu các món ăn Việt Nam để bán, quét tuyết, đi bán đồ cũ... Ngoài ra, là tiền họ quyên góp.

GS Jon Powers, 55 tuổi: Nạn nhân chất độc da cam là nhân chứng cho những sai lầm của Chính phủ Mỹ

Tâm sự của nhóm sinh viên Mỹ đến VN ủng hộ nạn nhân chất độc da cam ảnh 2
Giáo sư Jon Powers

GS Jon Powers cho biết gia đình ông có 6 anh chị em. Khi còn trẻ ông là một trong những người tham gia tích cực trong việc chống chiến tranh ở Việt Nam. Đây cũng chính là lý do dẫn đến việc ông từng bị bắt vài lần.   

Ông nói: "Vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đang diễn ra được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm. Với tư cách là một công dân Mỹ tôi muốn Chính phủ thừa nhận đã sai lầm khi gây ra cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Họ đã sai lầm khi sử dụng các chất độc hóa học nguy hiểm. Các Cty hóa chất Mỹ phải chịu trách nhiệm về những sai lầm của họ.

Tôi đã viết như vậy gửi Chính phủ cùng các tờ báo ở Mỹ. Các nạn nhân chất độc màu da cam vẫn tiếp tục là nhân chứng cho những hành động sai lầm mà Chính phủ Mỹ đã làm trong quá khứ.

Tôi rất ngạc nhiên về những gì mà các cán bộ nhân viên ở Làng Hòa Bình Thanh Xuân và Làng Hữu nghị để chăm sóc những đứa trẻ. Nhìn những đứa trẻ rất vui, hạnh phúc nhưng tôi hiểu rằng trong lòng các cháu vẫn còn những vết sẹo, vết thương vẫn chưa thể lành. Những vết thương này do Chính phủ Mỹ đã gây ra".

GS Jon Powers cho biết sau khi trở về Mỹ ông sẽ tiếp tục nói lên những gì mà ông đã nói. Tháng 5 tới ông sẽ gặp một số thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ Mỹ cùng một số nhân viên của Ngoại trưởng C.Rice để nói về vấn đề này. 

Kevin Barron, 20 tuổi:

Tâm sự của nhóm sinh viên Mỹ đến VN ủng hộ nạn nhân chất độc da cam ảnh 3
Kevin Barron

Tôi là sinh viên năm thứ 2 trường OWU. Hiện tôi phải dùng nạng do bị tai nạn. Một người bạn đã gợi ý với tôi là có thể đăng ký tham dự chương trình tình nguyện ở Việt Nam. Tôi trả lời: “Được thôi”. Tôi thật sự không nghĩ tôi có thể tham gia chuyến đi, nhưng dầu sao tôi vẫn đăng ký và nộp đơn dự thi.

Jennie Brunsdon, 21 tuổi: Rất hạnh phúc khi được chơi với các em nhỏ tật nguyền

Tôi là sinh viên năm cuối của trường và đến từ Northfield (Ohio). Tôi sẽ tốt nghiệp với một chuyên ngành về Tâm lý và một chuyên ngành khác về Xã hội học/Nhân loại học. Tôi rất vui mừng khi tham gia đội tình nguyện này. Nhưng điều thú vị hơn cả là tôi được chia sẻ thời gian và tình cảm của mình với trẻ em bị tật nguyền.

Hãy làm tất cả những điều tốt đẹp mà bạn có thể, bằng tất cả những phương tiện mà bạn có, bằng tất cả những cách mà bạn làm được, tại mọi nơi mà bạn có thể đến cho tất cả mọi người có thể gặp… Đó là phương châm của tôi.

Nói về những ấn tượng khi gặp các trẻ em là nạn nhân chất độc da cam tại Làng Hòa Bình Thanh Xuân, Làng Hữu nghị Vân Canh (Hà Nội)... Jennie Brundson, 21 tuổi, nói: Tôi rất vui và hạnh phúc khi được chơi với các em nhỏ tật nguyền, các em là nạn nhân chất độc da cam. Sự vui vẻ, tự tin của các em nhỏ tại những nơi tôi đến đã giúp tôi phần nào bớt đi sự buồn bã vì những gì mà Chính phủ Mỹ đã gây ra 

Kumar Chheda, 22 tuổi

Tâm sự của nhóm sinh viên Mỹ đến VN ủng hộ nạn nhân chất độc da cam ảnh 4
Kumar Chheda

Tôi là sinh viên năm cuối chuyên ngành Khoa học máy tính và Toán học. Trong vài năm vừa qua, tôi được biết khá nhiều về Việt Nam và những tác động của chiến tranh. Chuyến đi sẽ giúp tôi học và biết thế nào là những tác động của chiến tranh và chất độc màu da cam.

Sau khi trở về Mỹ tôi sẽ gửi các thông điệp cho bạn bè về những khó khăn mà các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đang phải gánh chịu.

Jennifer Fabritius, 21 tuổi : Sẽ gửi thông điệp cho những người dân Mỹ 

Tâm sự của nhóm sinh viên Mỹ đến VN ủng hộ nạn nhân chất độc da cam ảnh 5
Jennifer Fabritius

Tôi là sinh viên năm cuối của trường. Tôi sẽ tốt nghiệp chuyên ngành Di truyền học và Tâm lý học. Tôi rất thích chơi đùa với trẻ em và hy vọng sẽ được làm việc cho một tổ chức hoạt động vì trẻ em trong tương lai.

Tôi đã may mắn có cơ hội chia sẻ tình yêu và tình thương với những trẻ em bị ảnh hưởng của chất độc da cam. Tôi sẽ gửi một bức thông điệp hòa bình cho bạn bè, những người dân Mỹ khác biết về những gì mà tôi đã được chứng kiến.

Lauren Griffith, 21 tuổi: Tình yêu, sự cảm thông và giúp đỡ  vẫn luôn cần thiết

Tôi là sinh viên năm thứ 2 chuyên ngành Nghệ thuật tạo hình và Báo chí. Tôi hy vọng chuyến đi đến Việt Nam là một cơ hội để hoàn thành lời dạy bảo lớn thứ hai: Hãy yêu thương những người xung quanh giống như yêu thương chính bản thân bạn.

Tôi hy vọng sẽ sử dụng được khả năng của mình để “nắm bắt” được công việc trong làng dành cho trẻ mồ côi, khuyết tật để miêu tả cho mọi người thấy khi chiến tranh đã kết thúc, tình yêu, sự cảm thông và sự giúp đỡ của chúng ta vẫn luôn cần thiết.

Melanie Hill, 22 tuổi : Tôi sẽ gửi thư cho Hạ nghị sĩ của bang Ohio để ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

Tâm sự của nhóm sinh viên Mỹ đến VN ủng hộ nạn nhân chất độc da cam ảnh 6
Melanie Hill

Tôi là sinh viên năm cuối 2 chuyên ngành Động vật học và Nhân loại học. Cô khẳng định sau khi trở về Mỹ sẽ tổ chức các buổi nói chuyện với mọi người về những trẻ em là nạn nhân chất độc da cam.

Cô cũng sẽ gửi thư cho Hạ nghị sĩ của bang Ohio - Nơi cô sống - để đề nghị có những hành động thiết thực ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Matthew Laferty, 19 tuổi

Tôi là sinh viên năm thứ nhất chuyên ngành Khoa học chính trị và Chính quyền. Công việc tình nguyện là điều khiến tôi say mê. Vốn tâm đắc với câu nói của John Wesley, tôi thử sống theo nguyên tắc này: "Hãy làm điều tốt nếu bạn có thể, bằng mọi cách, khắp mọi nơi, bất cứ khi nào, đối với tất cả mọi người và cho đến khi bạn còn có thể".

Eric Magnus, 20 tuổi: Vụ kiện là một hành động thiết thực giúp bảo vệ quyền lợi cho các nạn nhân

Tâm sự của nhóm sinh viên Mỹ đến VN ủng hộ nạn nhân chất độc da cam ảnh 7
Eric Magnus

Tôi là sinh viên ngành Nghệ thuật, nhưng có liên quan đến điều tra xã hội. Chuyến đi tới Việt Nam lần này chắc chắn sẽ giúp tôi và các bạn trong đoàn có thêm kinh nghiệm.

Chiến tranh đã kết thúc từ lâu, nhưng tác động của nó vẫn còn. Giúp đỡ và hiểu được những trẻ em nạn nhân chất độc da cam  là chiếc cầu nối  hàn gắn nền văn hóa giữa hai nước. Tôi hy vọng, mọi cố gắng của chúng tôi đều được đánh giá cao.

Sau khi xem xong cuốn băng về các nạn nhân chất độc da cam do Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam chiếu, tôi cũng như tất cả các thành viên trong đoàn rất giận dữ.

Hiện rất nhiều tổ chức đã đứng ra chăm sóc và bảo vệ những trẻ em là nạn nhân chất độc da cam. Tôi thấy vụ kiện là một hành động thiết thực giúp bảo vệ quyền lợi cho các nạn nhân. Bản thân tôi thấy cũng cần có rất nhiều việc phải làm để giúp đỡ các trẻ em bị nhiễm chất độc da cam ở Việt Nam.

Nguyễn Phương Thanh, 22 tuổi: Phải làm gì đó để xoa dịu những nỗi đau.

Tâm sự của nhóm sinh viên Mỹ đến VN ủng hộ nạn nhân chất độc da cam ảnh 8
Nguyễn Phương Thanh

Tôi là sinh viên năm cuối và đang hoàn tất 2 chuyên ngành Toán học và Quản lý kinh tế tại OWU. Sinh ra ở Việt Nam 7 năm sau khi chiến tranh kết thúc. Tôi chỉ biết đến chiến tranh qua sách vở và những câu truyện do bố mẹ kể lại. May mắn là tôi không phải chịu những tác động trực tiếp của cuộc chiến tranh.

Nhưng rất nhiều người đã không được may mắn như vậy. Vẫn có những trẻ em sinh ra bị tật nguyền do chất độc da cam. Những đứa trẻ này đã làm gì mà phải chịu những tác động này? Tôi cảm thấy có trách nhiệm làm cho mọi người quan tâm đến vấn đề này và phải làm gì đó để xoa dịu những nỗi đau.

Chính vì vậy Phương Thanh cùng người bạn là Nguyễn Phương Nga, 22 tuổi đã có sáng kiến tổ chức một chuyến đi tình nguyện cùng các bạn sinh viên Mỹ về Việt Nam để ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam . 

Jessica Schaffner, 19 tuổi: Tình hữu nghị trên thế giới là tài sản quý giá nhất

Tâm sự của nhóm sinh viên Mỹ đến VN ủng hộ nạn nhân chất độc da cam ảnh 9
Jessica Schaffner

Tôi là sinh viên năm thứ 2 chuyên ngành Tâm lý học. 2 câu châm ngôn  ưa thích của tôi là câu của Margaret Mead: “Đừng bao giờ nghi ngờ rằng một nhóm nhỏ có suy nghĩ, những công dân tận tụy có thể thay đổi thế giới. Thực tế đây là điều duy nhất và bất kỳ lúc nào cũng luôn đúng” và câu của Mark Twain: “Tình hữu nghị trên thế giới là tài sản quý giá nhất”.

GS Lisa Spradley, 48 tuổi: Không phải mọi người Mỹ đều không quan tâm đến những gì đang và đã diễn ra

Tôi là cố vấn của trường trong nhóm sinh viên tình nguyện đến Việt Nam. Tôi là giáo sư khoa Giáo dục của trường. Lĩnh vực tập trung của tôi là giáo dục sớm cho trẻ. Đối với tôi, chuyến đi đến Việt Nam đặc biệt quan trọng, nhất là vào thời điểm hiện nay. Tôi muốn giúp mang tới thông điệp thiện chí là không phải tất cả người Mỹ không quan tâm đến những gì đang và đã diễn ra.

MỚI - NÓNG