Tám tuần thoát khỏi thế giới ảo

Tám tuần thoát khỏi thế giới ảo
TP- Sau bảy tuần tổ chức cai nghiện game tại Trung tâm Văn hóa Thanh Thiếu niên miền Nam, nhiều game thủ đã trở về với đời thực.

Sau khi bố mẹ đưa đến cổng trường là Phạm Lê Long (13 tuổi) lại trốn đến quán nét để tìm lại vị trí đại bang chủ của mình trong thế giới ảo.

Sinh ra trong gia đình khá giả, được bố mẹ cưng chiều Long lại không quan tâm ai, ngoài game. Cậu học sinh lớp 8 này say mê các màn đấu võ, như: hiệp khách giang hồ cứu mỹ nhân, tuyệt kỹ, giết quái... hơn là các tiết học và trò chơi bổ ích ở trường.

Chuyện vỡ lở khi chị Lê Thị Hương (mẹ Long) được cô giáo chủ nhiệm thông báo Long nghiện game. Chị Hương càng buồn hơn khi biết học lực của Long xếp loại yếu, hạnh kiểm kém.

“Lúc đó, tôi biết ở Trung tâm Văn hóa Thể thao Thanh Thiếu niên miền Nam mở lớp cai nghiện game nên đưa con đến đăng ký học ngay” - chị Hương kể lại.

Sau tuần thứ bảy của khóa cai nghiện, Long trở về với thế giới thực. “Bây giờ một tuần em chỉ lên nét một tiếng để tìm thông tin và liên lạc với bạn bè. Em từ bỏ được game rồi” - Long tâm sự.

Như Long, Minh cũng nghiện game rất nặng. Sau mỗi lần say sưa đâm chém trong thế giới ảo, Minh trở nên hung hăng, không ít lần trộm tiền của bố mẹ để mua kim nguyên bảo và chiến đấu trên chiến trường Tống Kim. Sau bảy tuần học cai nghiện game, Minh cũng dần quay lại được với đời thường.

Trong lớp học đặc biệt này chỉ có Hải là thanh niên (20 tuổi) đi cai game. Hải nghiện game quá nặng. Anh ít giao tiếp với bên ngoài và cứ lơ ngơ như người rừng. Từ lớp học này, anh cũng được giải cứu khỏi thế giới ảo.

Tìm lại chính mình

Có dịp đi nhiều nơi, học hỏi nhiều mô hình ở các nước, anh Nguyễn Thành Nhân- Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao Thanh thiếu niên miền Nam cho biết, ngày đầu lớp học ghi danh, có khoảng 60 người đến xin học, và 20 em nghiện nặng nhất được chọn để mở lớp. Qua tuần thứ bảy (trong tổng số tám tuần) của khóa học, 14 em từ bỏ game hoàn toàn. Số còn lại cho rằng vẫn thích chơi game nhưng đã biết kiềm chế.

Lớp học có 20 con nghiện nhưng có tới 40 điều phối viên. Hàng ngày khi lên lớp, các điều phối viên điều trị cho các học viên bằng ba liệu pháp: Xúc cảm, thể lực và công tác xã hội.

Anh Nhân nói: “Chúng tôi thiết kế hộp cảm xúc, mỗi ngày các em viết cảm xúc của mình lên hộp này. Ban tổ chức tập hợp những vấn đề này để trả lời, cũng như tư vấn cho các em. Có thể thời gian đầu hộp cảm xúc gây khó chịu cho các em. Nhưng, đến tuần thứ tư, thứ sáu, hộp cảm xúc phát huy hiệu quả”.

Mỗi tuần các em phải có một câu chuyện do chính mình sưu tầm theo chủ đề ban tổ chức đưa ra… Ngoài ra, những ngày đầu, để quên game, các điều phối viên tổ chức lớp huấn luyện các môn thể thao và tổ chức cho các em chơi chung như hiphop, dance, bóng rổ, cầu lông, tennis... theo thời gian biểu nhất định.

Để luyện cho các em biết quan tâm người khác, Trung tâm tổ chức các hoạt động, như Ngày hội giặt áo trắng. Các em tự giặt áo, làm bánh... tặng trẻ em nghèo. Từ những hoạt động xã hội này, xúc cảm của các em dần được phục hồi và nuôi dưỡng.

Theo chị Trần Thị Giồng, điều phối viên, để thức tỉnh các em chúng tôi kể những chuyện giàu xúc cảm, hướng niềm đam mê trong thế giới ảo của các em sang niềm đam mê ở cuộc sống hàng ngày. Ngoài ra, mỗi tuần các em đều được nghe các chuyên gia tâm lý kể chuyện, phân tích; được sinh hoạt tập thể, tham gia các trò chơi vận động, học bài theo tổ, bình phẩm tranh, viết nhật ký...

Sau mỗi tuần, trung tâm có đánh giá, xếp hạng từng em. Nhiều em bị xếp hạng kém dần dần biết xấu hổ. Đó là tín hiệu của việc cai nghiện game sẽ thành công.

Tám tuần thoát khỏi thế giới ảo ảnh 1
Anh Nguyễn Thành Nhân
“Bí quyết cai nghiện game của chúng tôi là liệu pháp đám đông. Tức là tổ chức cho các em sinh hoạt tập thể để khôi phục xúc cảm và sự quan tâm người khác. Thực tế, cách này đã mang lại hiệu quả tốt. Mới đây, truyền hình Nhật Bản sang đây quay mô hình cai nghiện game của Trung tâm để về giới thiệu tại nước họ. Họ cũng đánh giá cao hiệu quả cai nghiện game của Trung tâm. Theo chỉ đạo của T.Ư Đoàn, thời gian tới lớp học sẽ được triển khai ở Hà Nội và các vùng khác”- Anh Nguyễn Thành Nhân, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao Thanh thiếu niên miền Nam, nói.
MỚI - NÓNG