Robocon Việt Nam 2007:

'Tân binh' hạ bệ 'đại gia'

'Tân binh' hạ bệ 'đại gia'
TP- Vượt qua các “đại gia” trong làng robocon, tân binh BKDC (đội robocon Đại học Bách Khoa Đà Nẵng) bất ngờ giành chiến thắng trong trận chung kết Robocon Việt Nam 2007, mở ra giai đoạn mới cho quá trình xã hội hóa phong trào robocon ở Việt Nam.

Được đánh giá không cao, thậm chí không có tên trong danh sách ứng cử viên của bảng vàng, nhưng BKDC - đội robocon duy nhất còn lại của Đà Nẵng và của cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên trong đêm chung kết, bất ngờ gây sốc bằng chức vô địch Robocon 2007 kết thúc tối 10/6.

Đỗ Thế Cần - Đội trưởng BKDC tâm sự: “BKDC không được đánh giá cao. Đó cũng là lý do khiến đội thi đấu tự tin hơn, không bị đặt nhiều áp lực tâm lý. Đến với Robocon 2007, BKDC luôn đặt ra mục tiêu học hỏi những cái hay của hai đầu đất nước nhưng cũng tâm niệm rằng sẽ có cái riêng của miền Trung”.

Cái riêng đó được thể hiện trong chính những robot linh hoạt, lập trình theo nhiều hướng và di chuyển với tốc độ vừa phải và biết nắm bắt thời cơ để giành chiến thắng.

Theo thầy Trần Minh Chính, chỉ đạo viên BKDC, robot của Bách Khoa Đà Nẵng không có gì mới. Thậm chí so với những  robot của đội bạn còn không hoàn thiện bằng. “Chỉ có điều chúng tôi biết tận dụng những gì mình có”, thầy Chính nói, “Khi chế tạo, lắp ráp để thành một robot hoàn chỉnh, phải mất nhiều công sức và có thể thử nghiệm hỏng nhiều lần.

Chúng tôi không dư dả về tài chính. Tận dụng triệt để những gì mình có đó cũng là sức ép khiến chúng tôi phải làm sản phẩm kỹ lưỡng và cẩn thận hơn”. 

Xu thế xã hội hóa

Với việc BKDC của Bách khoa Đà Nẵng và DT03 của Đại học Công nghiệp Hà Nội về nhất và nhì, lần đầu tiên, giải Robocon ở Việt Nam được chứng minh không còn là sân chơi riêng cho một số trường đại học lớn.

Nguyễn Hoàng Thanh, thành viên đội BKDC lại cắt nghĩa thắng lợi của đội là dám duy trì cuộc chơi ở tốc độ cao. Đặc biệt “sự ổn định trong lối chơi của các robot tự động và sự linh hoạt của những người điều khiển robot bằng tay là hai yếu tố quan trọng nhất làm nên chiến thắng cho BKDC”, Thanh nói.

Không nói ra song hầu như ai cũng hiểu việc BKDC thi đấu trận mở màn dường như chỉ để làm nền cho ứng viên chức vô địch, đội FAM của Học viện Kỹ thuật Quân sự. FAM là đội liên tục chiến thắng tại vòng loại với phong độ cực kỳ ổn định trên những robot tự động và robot điều khiển bằng tay thiết kế cầu kỳ.

Thật ngạc nhiên, vừa dứt tiếng đếm ngược năm - bốn - ba - hai - một của hội đồng trọng tài, BKDC Đà Nẵng đã “xông” lên tức thì. Các robot cản phá tự động của họ lao về phần sân đối phương, chia cắt, phong tỏa các con đường của FAM tiến tới vòng tam giác trung tâm.

Khi robot bằng tay của FAM còn mải mê đặt những viên ngọc ở vòng ngoài, robot tự động của BKDC nhanh chóng đột nhập thẳng vào trung tâm chiếm trọn hai đảo ngọc trong tích tắc. Rồi đảo ngọc thứ ba cũng dần thuộc về BKDC. Chiến thắng Victory Islands, một chiến thắng tuyệt đối cho đại diện duy nhất của miền Trung và Tây Nguyên.

Tại trận bán kết, BKDC gặp đối thủ nặng ký không kém - đại diện còn lại duy nhất của Đại học Bách khoa Hà Nội, BK BAMBOO. Trận đấu hứa hẹn kịch tính nếu biết, ngay trước trận đấu gặp BKDC, chính BK BAMBOO là đội đi vào lịch sử robocon Việt Nam khi họ giành chiến thắng tuyệt đối trước BK TECH trong vòng chưa đến 60 giây.

Không chiến thắng knock-out, nhưng BKDC vẫn vượt qua đối thủ đáng gờm với tỷ số 10-7 sau những pha truy cản quyết liệt. Sự khéo léo về kỹ- chiến thuật không những khiến BKDC giành thêm hai điểm đặt ngọc mà còn khiến đối phương phạm quy và bị trừ một điểm.

Và bất ngờ nữa là đối thủ của BKDC tại trận chung kết cũng là “anh lính” mới toe, ĐT03 của Đại học Công nghiệp Hà Nội lần đầu tham dự giải.

Để có mặt trong trận chung kết, ĐT03 giành một chiến thắng sít sao 8-7 trước BK DRAGON do BK DRAGON bị trừ một điểm phạm quy. Trong lúc chờ ban giảm khảo công bố điểm, MC của nhà đài thậm chí nghĩ đến khả năng ra rìa của ĐT03 bằng việc hỏi trước thành viên đội này rằng nếu thua sẽ chuẩn bị mùa thi sau thế nào.

Thế mà càng vào trong, họ chơi càng hay. Đánh bại Đại học Bách Khoa TPHCM và hạ nốt MTA – Sunpac của Học viện Kỹ thuật Quân sự với tỉ số cách biệt 13 – 4.

Dường như quá thoải mái về tâm lý thi đấu trước những chiến thắng bất ngờ, cả hai tân ứng viên chức vô địch bất ngờ đưa ra thỏa thuận mới. Cả hai bên đồng ý bỏ robot cản phá. Thay vào đó, hai bên chỉ sử dụng robot bằng tay và robot tự động để cùng gia tăng khả năng ghi bàn.

Đấu pháp tương tự nhau nhưng BKDC bản lĩnh hơn nhanh chóng bỏ qua những điểm đặt ngọc vòng ngoài để tiến thẳng vào khu trung tâm. Một đảo ngọc bị chiếm. Rồi hai và cuối cùng kịch bản của trận mở màn lặp lại, chiến thắng Victory Islands cho BKDC. 

Sau chiến thắng Robocon 2007, các thành viên trong đội BKDC sẽ quay trở về Đà Nẵng để hoàn thành đồ án tốt nghiệp của mình, và chuẩn bị cho vòng chung kết Robocon châu Á – Thái Bình Dương tổ chức tại Việt Nam sắp tới.

“Hai tháng không đủ thời gian để làm robot mới, bọn mình sẽ chỉ hoàn thiện lại những robot đã có và chiến đấu hết mình như ở vòng chung kết vừa rồi chúng mình đã làm” - Đỗ Thế Cần cho biết.

MỚI - NÓNG