Tăng sức “đề kháng” cho thanh niên

Thanh niên tình nguyện tham gia mở đường ở Yên Bái. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Thanh niên tình nguyện tham gia mở đường ở Yên Bái. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Cần tăng sức “đề kháng” cho thanh niên để họ có đủ bản lĩnh bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái xấu và hình thành được giá trị cốt lõi của thanh niên: Trung thành, sáng tạo, khát vọng, dấn thân, tôn trọng, trách nhiệm và biết yêu thương…

Đó là những chia sẻ của các đại biểu tại buổi hội thảo Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng trong sinh viên do Thành Đoàn Hà Nội phối hợp với trường ĐHKHXH và NV - ĐHQG Hà Nội tổ chức chiều 23/4. Tham dự hội thảo có Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Ngọc Lương; PGS. TS Nguyễn Văn Kim, Phó hiệu trưởng trường ĐHKHXH và NV - ĐHQG Hà Nội.

Không hô hào suông

Theo TS Nguyễn Thị Thúy Hằng, trong thời đại công nghệ thông tin, sự bùng nổ của internet và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng là một cuộc chiến khốc liệt và dai dẳng. TS Hằng cho rằng, giáo dục người trẻ muốn đạt được hiệu quả thiết thực điều quan trọng là phải liên hệ với thực tiễn xã hội để ngăn ngừa những gì có thể ảnh hưởng xấu đến thanh niên, nâng cao tinh thần cảnh giác trong thanh niên. “Thanh niên có lòng nhiệt tình, hăng hái tiếp nhận cái mới, nhưng thiếu từng trải, kinh nghiệm, có thể bị lôi kéo bởi những tư tưởng lệch lạc nên cần đến tổ chức Đoàn, Hội với những thủ lĩnh thanh niên có uy tín dẫn dắt. Phải làm sao để mỗi đoàn viên, thanh niên có “trái tim nóng và cái đầu lạnh”, sôi nổi, nhiệt tình nhưng cũng rất tỉnh táo trước âm mưu phá hoại, chia rẽ của các thế lực thù địch”, TS Hằng nhấn mạnh.

PGS. TS Nguyễn Quang Liệu, Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên, ĐHKHXH và NV - ĐHQG Hà Nội khẳng định, trong phương thức giáo dục của đoàn cần coi trọng giáo dục bằng hành động thực tiễn. Đây là một thế mạnh của tổ chức Đoàn, để làm sao tạo hứng thú, sự hấp dẫn cho sinh viên nói riêng, bạn trẻ nói chung chứ không phải là những lý thuyết suông, giáo điều khô cứng. Và trong công tác tuyên truyền lý tưởng cách mạng, dạy cho các bạn trẻ vận dụng được chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào trong cuộc sống. “Đặc biệt là định hướng, giáo dục cho thanh niên giữ vững bản lĩnh cách mạng, nhạy bén chính trị, tăng sức đề kháng cho thanh niên. Đây là một trong những vấn đề quan trọng và trong Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu nhấn mạnh về điều này, làm sao tránh tình trạng “nhạt Đảng, khô Đoàn”. Muốn làm được những điều trên, người cán bộ đoàn phải tiên phong, gương mẫu noi gương chứ không hô hào suông”, PGS. TS Nguyễn Quang Liệu nói.

Theo PGS. TS Nguyễn Quang Liệu, giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên là nhiệm vụ lâu dài cần có sự đầu tư thỏa đáng, triển khai dưới nhiều hình thức phong phú đa dạng để đạt được mục đích là xây dựng giá trị cốt lõi của thanh niên: Trung thành, sáng tạo, khát vọng, dấn thân, tôn trọng, trách nhiệm và biết yêu thương. Bên cạnh đó, đủ bản lĩnh, dũng cảm bảo vệ cái đúng, đấu tranh chống cái xấu, cần cù, sáng tạo trong học tập, lao động để lập thân, lập nghiệp và khởi nghiệp thành công.

PGS. TS Nguyễn Văn Kim, Phó Hiệu trưởng trường ĐHKHXH và NV - ĐHQG Hà Nội nhấn mạnh, giáo dục lý tưởng cách mạng cho bạn trẻ ngày nay là một công việc rất khó, cần có giải pháp đồng bộ, trong đó nhấn mạnh tinh thần học tập, chủ động sáng tạo trong mỗi bạn trẻ, tinh thần trách nhiệm bản thân, gia đình, xã hội; nói đi đôi với làm; tiên phong, gương mẫu.

Xây dựng lối sống đẹp trong sinh viên

Theo ThS Phạm Hoàng Giang, giảng viên khoa Triết học, giáo dục lý tưởng cách mạng cho sinh viên là phải làm sao xây dựng lối sống đẹp trong thanh niên, làm sao sinh viên lập thân, lập nghiệp, làm chủ bản thân. “Chúng tôi khi tổ chức bất cứ hoạt động nào đều xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng thiết thực của sinh viên. Nếu sinh viên không thích mà mình vẫn cố tổ chức thì chỉ là những phong trào bề nổi không lôi kéo, tập hợp được họ. Đối với sinh viên khoa Triết, chúng tôi luôn đặt ra câu hỏi: sân chơi thu hút sinh viên là gì? Từ đó thành lập các CLB thực sự hấp dẫn sinh viên”, thầy giáo Phạm Hoàng Giang chia sẻ.

Trần Việt Anh, sinh viên khoa Lịch sử, trường ĐHKHXH và NV - ĐHQG Hà Nội cho rằng, cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” luôn có sẵn tại trường ĐHKHXH và NV, diễn ra hàng ngày, hàng giờ chứ không đợi đến lúc được kêu gọi hay một dịp lễ nào đó. “Chúng tôi cho rằng, làm việc tốt là để góp sức, chung tay xây dựng cộng đồng, xây dựng đất nước, chứ không phải để tạo tiếng tăm. Từ một vài việc tốt để có thể tạo sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng cần sự chung tay chia sẻ, quảng bá rộng rãi”, bạn Việt Anh nói và đề xuất tổ chức Đoàn, Hội trong nhà trường cần lập ra một đội chuyên môn có nhiệm vụ tìm hiểu, đưa tin kịp thời các tin tốt, câu chuyện đẹp trong sinh viên để tạo sự lan tỏa. Bên cạnh đó, có cơ chế để khuyến khích mỗi đoàn viên, sinh viên trở thành một kênh thông tin, “tai, mắt” của đoàn và lan truyền các tin tốt.

Phát biểu kết luận hội thảo, Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Ngọc Lương cho rằng, lý tưởng cách mạng không phải là điều gì xa vời mà thực ra rất gần gũi. Các sinh viên cần nắm rõ những vấn đề xung quanh mình như lịch sử, sự đóng góp của lớp cha anh đi trước; sự nỗ lực học tập hàng ngày hay cách ứng xử, lối sống văn hóa với cuộc sống xung quanh mình.

Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng của Đoàn trong thời gian qua cũng đã có nhiều sự đổi mới để thực sự gần gũi, hấp dẫn người trẻ thông qua nhiều hình thức: Infographic, videoclip hay cung cấp bộ trắc nghiệm trực tuyến, thi online, sự tham gia của những nhân vật nổi tiếng có ảnh hưởng trong giới trẻ…

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.