BTV VTC Nguyễn Tuyết Nhung:

Tập hợp ĐVTN qua fan club và các “sao”

Tập hợp ĐVTN qua fan club và các “sao”
TP - Nguyễn Tuyết Nhung sinh năm 1985 tại Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái hiện là Biên tập viên kênh VTC5 của Đài truyền hình kỹ thuật số Việt Nam (VTC). Là một cựu cán bộ Đoàn, cô có nhiều suy nghĩ về các hình thức tập hợp thanh niên.
Tập hợp ĐVTN qua fan club và các “sao” ảnh 1
Nguyễn Tuyết Nhung

Nhung gắn bó với công tác Đoàn, Đội từ khi còn học phổ thông và nguyên là Phó Bí thư Đoàn trường THPT Nghĩa Lộ, từng đạt giải thưởng “Nữ sinh Việt Nam” của T.Ư Đoàn năm 2002. Và mặc dù không học chuyên ngành về Maketting nhưng cô đã lọt vào vòng 10 cuộc thi “Ước mơ của tôi” năm 2007 do VTV3 tổ chức...

Hiện rất bận rộn với công việc của một biên tập viên truyền hình nhưng cô vẫn luôn quan tâm đến các hoạt động và phong trào của Đoàn thanh niên. Nhung cho rằng, vấn đề khó khăn lớn nhất hiện nay của tổ chức Đoàn chính là công tác tập hợp, đoàn kết, thu hút thanh niên tham gia vào tổ chức.

Theo Nhung, để làm được việc đó trước hết phải làm tốt công tác chăm lo cho thanh niên mà trong giai đoạn hiện nay là “chăm lo đào tạo nghề, vay vốn, bồi dưỡng kiến thức hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh góp phần xoá đói, giảm nghèo và từng bước giúp thanh niên vươn lên làm giàu chính đáng.

Tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ dành 1 tỷ USD để giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho thanh niên thông qua tổ chức Đoàn là cơ hội vàng cho thanh niên nhất là thanh niên nông thôn, đồng thời đây cũng là điều kiện vô cùng thuận lợi để tổ chức Đoàn thu hút thanh niên vào tổ chức”.

Một yếu tố rất quan trọng nữa là, công tác cán bộ nhất là cán bộ cơ sở, những người trực tiếp gần gũi thanh niên. Cán bộ cơ sở rất tâm huyết và nhiệt tình, họ thực sự là những người ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng nhưng cần phải tăng cường bồi dưỡng về kỹ năng để có khả năng thu hút thanh niên và cần quan tâm đến đời sống của cán bộ Đoàn nhất là ở cấp chi đoàn thôn, bản.

Cán bộ chi đoàn trên địa bàn dân cư phần lớn chưa độc lập về kinh tế, vẫn phụ thuộc gia đình và nhiều người còn là lao động chính của gia đình; tổ chức thường yêu cầu đội ngũ này phải gắn bó, phải là người bạn đồng hành của thanh niên nhưng cũng cần quan tâm đến các chính sách, cơ chế chăm lo cho đội ngũ này.

Ở cấp thôn, bản chủ tịch chi hội nông dân, phụ nữ hay cựu chiến binh phần lớn đã là chủ hộ nên có thể chủ động về kinh tế, có điều kiện hơn để hoạt động còn Bí thư chi đoàn thì hầu hết vẫn đang phải ở nhờ và sống phụ thuộc và gia đình.

Quan tâm chăm lo cho thanh niên trước hết cần quan tâm đến cán bộ đoàn cơ sở vì “chỉ khi Bí thư chi đoàn, Phó Bí thư chi đoàn được vay vốn hay bồi dưỡng kiến thức phát triển kinh tế, đời sống khá giả hơn thì mới có điều kiện để hoạt động và thanh niên mới có thể tin tưởng noi theo – không thể đi vận động thanh niên làm giàu trong khi mình vẫn nghèo được!”.

Nhung cho rằng, cần phải có các hình thức đoàn kết, tập hợp các đối tượng thanh niên cụ thể trên cơ sở bám sát nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của họ vì “thanh niên nông thôn, thanh niên miền núi, có những đặc điểm chung nhưng cũng có nhiều đặc điểm riêng khác với thanh niên đô thị, thanh niên trí thức...”.

Những hình thức đoàn kết, tập hợp thanh niên trong giai đoạn mới hiện nay mà theo Nhung, tổ chức Đoàn nên quan tâm đó là đoàn kết tập hợp thông qua các câu lạc bộ của các ngôi sao thể thao, ca nhạc, điện ảnh vì có nhiều ngôi sao hiện có hàng chục nghìn thậm chí hàng trăm nghìn thành viên là thanh niên hâm mộ, những người này thường hành động theo thần tượng, vì vậy chỉ cần động viên, khuyến khích các ngôi sao này dành thời gian tham gia các hoạt động của Đoàn, Hội... thì sẽ tác động tích cực đến các fan của họ.

Quyết Tiến
Ghi

MỚI - NÓNG