Tật nguyền vẫn múa bút viết thư pháp

Tật nguyền vẫn múa bút viết thư pháp
TP- Cả hai chân, hai tay đều bị co quắp teo nhỏ, chưa một lần đến trường nhưng nghị lực phi thường đã khiến Ngô Trọng Thạo, người thôn Đông Yên (Đông Phong, Yên Phong, Bắc Ninh) không những biết đọc, biết viết mà còn có thể viết được cả thư pháp…
Tật nguyền vẫn múa bút viết thư pháp ảnh 1
Ngô Trọng Thạo tập viết thư pháp

Tiếp chúng tôi, ông Ngô Trọng Hùng, bố của Thạo cho biết, ngay từ khi sinh ra, Thạo không may mắn có được một hình hài lành lặn như những đứa trẻ bình thường.

Ngoài khuôn mặt và bộ não phát triển bình thường, cơ thể của Thạo vẫn như một đứa trẻ, cả chân lẫn tay đều teo nhỏ, gầy guộc.

Bàn tay co quắp rất khó cử động, đôi chân chỉ có da bọc xương, chân trái chỉ có thể duỗi mà không co được, chân phải thì ngược lại, chỉ có thể co gập mà không duỗi. Với Thạo, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ người thân giúp đỡ.

Kể đến đây, bố Thạo nghẹn ngào: “Nhìn con không được bằng bạn bằng bè mà chẳng thể thay đổi được gì cũng đau xót lắm. Được cái, Thạo rất ngoan và gương mẫu nên các em rất quý trọng và vâng lời anh. Mừng nhất là tinh thần lạc quan vào cuộc sống”.

Tật nguyền vẫn múa bút viết thư pháp ảnh 2
Thạo giải thích về những bộ phận trên cơ thể người trên bức tranh do chính em vẽ

Thạo khá sáng ý nên học đến đâu nhớ đến đó, dù quá trình ấy đòi hỏi sự khổ luyện không ngừng.

Thạo tâm sự: “Ngay từ nhỏ em đã mơ ước được đến trường nhưng không thể vì cả chân lẫn tay đều không thể hoạt động bình thường. Năm 10 tuổi, em mới bắt đầu học chữ, sau hai năm em mới viết được thành thạo”.

Biết Thạo ham thích tìm hiểu tri thức, gia đình mua nhiều sách báo để Thạo đọc. Phần lớn quỹ thời gian Thạo đều dành để đọc sách báo. Thạo quan tâm nhất là các vấn đề liên quan đến lĩnh vực y học, đặc biệt là trị liệu vật lý trong phục hồi chức năng cho người tàn tật.

Thạo lấy cho tôi xem bức tranh giải phẫu sinh lý người khá chuẩn do mình tự vẽ kèm theo sự lý giải rất cặn kẽ về tình hình sức khỏe của mình.

Thạo cho biết, từ quá trình vẽ lại Thạo đã nắm được những kiến thức cơ bản về cơ thể người, đem hiểu biết đó kết hợp với các bài tập trong sách báo hướng dẫn, Thạo thấy khỏe mạnh hơn nhiều.

Hai năm đó, thật khó có thể kể hết gian nan mà Thạo đã trải qua. Đôi tay không còn cảm giác, các ngón lại quặt hết về một phía, việc cầm bút với Thạo vô cùng khó khăn.

Một tay không cầm nổi bút cậu dùng cả hai tay, cố gồng hết sức lực văng chiếc chân còn teo tóp còn lại để đè lên tờ giấy. Ghì sát người xuống giường cậu bắt đầu tập viết, ngày qua ngày như thế. Nhiều lần không trụ được cậu ngã vật ra giường nhưng rồi tự cậu lại gượng dậy và tập tiếp.

Điều kỳ diệu đã diễn ra, những nét chữ đầu tiên đã được Thạo viết ra trong nước mắt mừng vui của cả nhà. Nhớ lại ngày đó, Thạo nói với tôi giọng hơi ngọng nhưng rất tự nhiên: “Em đã xúc động và hạnh phúc đến ứa cả nước mắt khi lần đầu tiên viết được tên mình, nhờ biết đọc biết viết mà em cảm thấy cuộc sống của mình không vô nghĩa”.

Từ nét chữ đầu tiên run run, nguệch ngoạc, mỗi ngày kiên trì viết bằng được cho thành thạo một chữ cái, rồi tập ghép chữ, làm toán đến nay, Thạo có thể viết nhanh và khá đẹp, làm tốt các phép toán bậc tiểu học. Đặc biệt hơn, bằng sự nhẫn nại và ý chí quyết tâm cao, tinh thần học hỏi, Thạo đã viết được thư pháp.

Nói đến ước mơ của mình, Thạo tâm sự: “Em mơ ước thì nhiều lắm nhưng trước mắt em sẽ cố học tập để có thể sử dụng được máy vi tính và học được nghề nào đó có thể nuôi sống mình. Em nghĩ mình vẫn may mắn hơn nhiều người khác là có được trái tim lành lặn và một trí tuệ bình thường để biết lắng nghe và cảm nhận những nhịp đập của cuộc sống. Em tin mình sẽ làm được nhưng điều mà em mong muốn”.

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.