Thà cãi nhau còn hơn... u uất

Thà cãi nhau còn hơn... u uất
TP - Phần lớn phụ huynh cho rằng nên tránh xung đột trước mặt con. Nhưng theo các chuyên gia, việc cha mẹ cãi vã ít gây tổn thương cho trẻ hơn là để không khí căng thẳng, u uất kéo dài.

Giáo sư Robin Skynner, bác sĩ tâm lý trị liệu kiêm thầy thuốc nội khoa gia đình nổi tiếng ở Anh, cho rằng cãi vã trong đời sống vợ chồng là hiện tượng lành mạnh.

Đa số cá thể quyết định chung sống với nhau vốn khác nhau về nhiều phương diện, mỗi người có vốn sống, quan điểm, sở thích riêng. Ngoài ra, ai cũng không tránh khỏi những lúc mất hứng hay những ngày khó chịu. Bản thân việc bộc lộ mâu thuẫn và sự cãi vã không có gì xấu nếu sau đó dẫn đến sự cảm thông.

Thế nên, sẽ là tồi tệ khi hai người né tránh giải quyết mâu thuẫn. Khi ấy, hoặc một trong hai người nắm quyền chi phối, hoặc cả hai tiến hành cuộc "chiến tranh lạnh" triền miên không có ngày kết thúc, mà hậu quả là họ ngày càng xa nhau. Căng thẳng trở nên không thể chịu đựng và do vậy, cùng với thời gian, cãi vã trở thành dấy hiệu đầu tiên cải thiện tình hình.

Cãi vã tích cực không có gì đáng ngại

Đối đầu có thể là việc làm có lợi đối với người lớn, nhưng đối với những đứa trẻ là chứng nhân bất đắc dĩ thì sao?

Giáo sư Skynner cho rằng, con cái càng đau khổ hơn nếu những hiểu lầm giữa bố mẹ không được làm sáng tỏ. Thế nên cha mẹ cần cố gắng giải quyết mâu thuẫn, cho dù phải vượt qua bao nhiêu rào cản hay bao nhiêu trận cãi vã. Nhìn chung, sự cãi vã ít gây bất an cho trẻ hơn so với không khí liên tục căng thẳng, thù hận và chán nản ngự trị trong nhà.

Cũng nên để trẻ hiểu rằng, cãi vã là một phần bình thường và có thể chấp nhận của cuộc sống gia đình. Nhờ cãi vã, mọi người có thể duy trì mối quan hệ lành mạnh, bày tỏ nhu cầu và cảm nghĩ của mình cũng như biết được nhu cầu của đối tác. Các bậc cha mẹ có cãi vã nhưng sau đó biết cách đi đến thỏa hiệp và sống hòa thuận sẽ vẫn là hình mẫu tốt cho con.

Cha mẹ cãi vã không làm cho con trẻ hoảng loạn như nhiều người vẫn nghĩ. Vả lại, bản thân trẻ cũng thường xuyên cãi nhau, thậm chí đánh nhau đến "sứt đầu, mẻ trán" với anh chị em trong nhà hoặc với bạn bè.

Sự thực, theo kết quả nghiên cứu của giáo sư Skynner, khi cha mẹ quát tháo nhau một cách "cởi mở", trẻ có thể chấp nhận và ít lo lắng hơn so với trường hợp tiếng vọng cãi vã vô tình thưa thớt lọt ra từ căn phòng đóng kín.

Thậm chí, nếu cha mẹ cố gắng hết sức che giấu mâu thuẫn và tình trạng căng thẳng, họ vẫn bị đặt vào tình huống thất bại, vì trẻ sẽ cảm thấy có điều gì đó bất thường, như cha mẹ không tươi cười với nhau, mẹ suốt ngày ủ rũ, còn bố ít nói hơn.

Có những cuộc cãi nhau không nên để trẻ chứng kiến

Tất nhiên, giáo sư Skynner không khuyên các phụ huynh gọi con vào phòng để làm nhân chứng cuộc khẩu chiến. Nhưng bằng cách nào đó, cần nói với trẻ một cách không úp mở rằng, cãi vã nhau trong cuộc sống không có gì xấu. Hãy giải thích, theo cách mà trẻ hiểu được, rằng mâu thuẫn đang xảy ra liên quan đến vấn đề gì, và đảm bảo với chúng rằng, cha mẹ sẽ làm tất cả để giải quyết những mắc mớ đó.

Cũng nên nói với con rằng, trẻ có lỗi nhỏ nhất (hoặc hoàn toàn không có lỗi gì) đối với mâu thuẫn của cha mẹ. Bởi nếu trẻ cảm thấy có lỗi, chúng có thể nghĩ rằng bản thân có nhiệm vụ cải thiện mối quan hệ giữa hai người. Đối với tâm hồn trẻ thơ, cảm giác đó sẽ là gánh nặng tâm lý quá sức.

Tuy nhiên, trẻ không nên trở thành nhân chứng của những trận cãi vã về đề tài sinh hoạt thầm kín, những nghi ngờ ngoại tình. Việc cãi vã nhiều lần về một đề tài, những lời nói thô thiển, tục tĩu... cũng độc hại với trẻ. Tệ hại nhất với con cái là phải chứng kiến những cuộc cãi vã không có tính xây dựng.

Nên cãi nhau thế nào?

Trường hợp bắt buộc phải to tiếng, bạn nên cố gắng tuân thủ những nguyên tắc sau:

- Tránh sử dụng từ ngữ cay độc và những khái niệm có thể khiến đối tác cảm thấy bị xúc phạm.

- Chỉ tập trung vào những vụ việc cụ thể, hiện thực. Hãy nói về chứng cứ, không suy diễn và không bình luận.

- Cho phép đối tác trình bày quan điểm và chấp nhận thực tế là đối tác có thể cảm thấy khó chịu vì việc gì đó.

- Không để "khẩu chiến" biến thành cuộc chiến tay chân. Nên tạm thời "ngừng bắn" khi thấy quá căng thẳng để pha ấm trà. Việc này cho phép hai người xả bớt hung khí trước khi tiếp tục cuộc chiến dang dở.

- Thay vì lùa con ra khỏi phòng, hai người nên tự động tìm nơi khác và giải thích rằng, bố mẹ có việc phải bàn và muốn được yên tĩnh.

- Không kéo con vào cuộc hay ép chúng phải đứng về phía ai.

- Những mâu thuẫn thường trực về nuôi dưỡng con cái là công việc của cha mẹ, đừng trút gánh nặng lên đầu trẻ.

- Trường hợp thấy con cái lo lắng và căng thẳng vì mâu thuẫn của cha mẹ, nên khéo léo trò chuyện với chúng, để trẻ bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc riêng.

Theo Tri Thức Trẻ

MỚI - NÓNG