Thầm lặng gác đền thờ Bác

Thầm lặng gác đền thờ Bác
TP - Mười hai giờ trưa, chiến sĩ kiểm lâm Tô Văn Nam (Hạt kiểm lâm Vườn Quốc gia Ba Vì) vẫn cặm cụi quét dọn, sửa sang khuôn viên đền thờ Bác Hồ (thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội).

Bữa đó có đoàn đại biểu dòng họ Nguyễn Sinh từ Nghệ An ra thắp hương tưởng niệm nhân ngày giỗ Bác…

Thầm lặng gác đền thờ Bác ảnh 1
Đoàn đại biểu dòng họ Nguyễn Sinh và các chiến sĩ kiểm lâm bên bàn thờ Bác

Đền thờ Bác Hồ tọa lạc trên đỉnh Vua - đỉnh cao nhất của dãy Ba Vì (1.296m), uy nghiêm và trầm mặc. Nhiều năm nay, năm chiến sĩ trạm kiểm lâm cốt 1.100m, thuộc Hạt kiểm lâm Vườn Quốc gia Ba Vì thay nhau trông coi ngôi đền.

Cả năm anh (Đỗ Hữu Thế, Trần Ngọc Chính, Nguyễn Văn Thiện, Tô Văn Nam, Vũ Văn Đông) đều rất trẻ. Người trẻ nhất, chiến sĩ Tô Văn Nam sinh năm 1982. Người lớn tuổi nhất, anh Đỗ Hữu Thế, Hạt phó Hạt kiểm lâm Vườn Quốc gia Ba Vì gắn bó với nơi này gần chục năm.

Công việc chính là quản lý, bảo vệ hơn 1.000 ha rừng tự nhiên, nhưng với ngôi đền Bác Hồ, các anh lại là những người gác đền nhất mực tận tụy. Mọi việc lớn nhỏ từ dọn dẹp, đến chuẩn bị đồ thờ cúng, hương nhang, đều được các anh quán xuyến.

Anh Thế bảo: “Giữ đền thờ Bác không chỉ là nhiệm vụ, mà là vinh dự”.

Trung bình một tháng có khoảng ba đến bốn nghìn du khách tới dâng hương tại đền thờ. Những ngày lễ tết, lượng người tăng gấp nhiều lần. Chiến sĩ kiểm lâm gác đền kiêm luôn hướng dẫn viên, giới thiệu văn hóa, lịch sử cho du khách và tuyên truyền bảo vệ rừng.

Đền thờ Bác Hồ xây dựng năm 1999, nhân kỷ niệm 30 năm thực hiện Di chúc của Người.

Đền được đặt trên đỉnh Vua - đỉnh cao nhất của dãy Ba Vì (thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội). Trong đền có tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng đồng.

“Tôi nhớ có cụ bà người dân tộc Tày ở Hòa Bình, đã 98 tuổi, mắt mờ, lưng còng, vẫn khăng khăng chống gậy leo lên tận đỉnh, tự tay thắp hương Bác, căn dặn cháu con hàng năm không quên đến dâng hương” - Anh Trần Ngọc Chính kể.

Từ điểm cốt 1.100m, tiếp tục trèo 779 bậc đá phía tây lên đến đền thờ Bác. Hai kilômét đường rừng dốc đứng, các chiến sĩ chỉ di chuyển bằng cách duy nhất, chạy bộ.

Khi du khách gặp sự cố sức khỏe, các anh vừa nhanh chóng sơ cứu, vừa khẩn trương đưa xuống chân núi. Cũng có khi cần thông báo tin tức khẩn cấp mà mất sóng điện thoại không thể liên lạc, lại hành quân thần tốc chưa đầy 15 phút như thế.

Đi lại khó khăn, nước ăn phải vận chuyển từng can từ dưới lên, hứng thêm nước ở khe đá và dùng tiết kiệm mới đủ sinh hoạt. Thực phẩm chủ yếu là trứng và cá khô, thi thoảng lắm mới cải thiện thêm một bữa thịt.

Chúng tôi đến thăm ngôi đền khi đoàn đại biểu dòng họ Nguyễn Sinh vừa từ Nghệ An ra làm lễ dâng hương Bác. Ông Nguyễn Sinh Cường, trưởng họ, xúc động: “Năm nào chúng tôi cũng lên đây dâng hương thành kính nhân dịp giỗ Bác”.

Dãy núi Ba Vì có ba ngọn, đỉnh cao nhất là đỉnh Vua nơi đặt đền thờ Bác. Đối diện đỉnh Vua  là một mái núi thắt cổ bồng, cao 1.227m, được lập đền Thượng, tương truyền là nơi hóa thân của Đức Thánh Tản - Sơn Tinh, một trong Tứ Bất Tử. 

Đỉnh thứ ba là đỉnh Ngọc Hoa, cao 1.120m, đặt đền thờ công chúa Ngọc Hoa. Ngoài ngôi đền Bác Hồ, năm chiến sĩ trạm kiểm lâm cốt 1.100m còn trông coi cả hai đền còn lại.

MỚI - NÓNG